Sáng 2/8, Bộ Công Thương phát thông cáo báo chí cho biết Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã gửi đơn tới lãnh đạo Bộ xin nghỉ công tác vì lý do cá nhân từ ngày 28/7. Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
18 năm tại đế chế Điện Quang
Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt đầu làm việc tại Công ty bóng đèn Điện Quang từ tháng 6/1992, khi 32 tuổi. Trước đó, bà làm tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Nhà nước. Vị trí ban đầu là cán bộ nghiệp vụ Phòng Kế hoạch vật tư.
Bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: Bộ Công Thương. |
Tháng 12/1993, sau khoảng một năm làm việc, bà được bổ nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch vật tư. Ba năm sau, bà được thăng chức làm Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty bóng đèn Điện Quang.
Bốn năm sau đó, ở tuổi 40, bà trở thành Tổng giám đốc (tháng 4/2000) doanh nghiệp này.
Năm 2005, bóng đèn Điện Quang chuyển thành công ty cổ phần, bà Thoa là Chủ tịch HĐQT cho đến năm 2010.
Như vậy, bà Kim Thoa mất 8 năm để từ một cán bộ nghiệp vụ trở thành người đứng đầu công ty. Tổng cộng, bà Thoa có 18 năm gắn bó với Điện Quang, đặc biệt là giai đoạn cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo đánh giá, trong giai đoạn bà Thoa chèo lái, Điện Quang đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Doanh thu năm 2010 (năm cuối cùng bà Thoa lãnh đạo) đạt khoảng 650 tỷ đồng. Điện Quang còn xuất khẩu bóng đèn đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Biến động cổ phiếu của Điện Quang từ khi niêm yết năm 2008 đến nay. |
Tuy nhiên, giai đoạn khi mới niêm yết trên sàn chứng khoán (2008-2009), kinh doanh của Điện Quang gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm cổ phiếu ĐQC chỉ khoảng 3.000 đồng.
Sau đó, doanh nghiệp từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn phát triển nhanh nhất khoảng năm 2014-2016. Đỉnh điểm vào tháng 4/2016, cổ phiếu của Điện Quang lên mức trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch sáng 2/8, cổ phiếu này ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp Nhà nước nhưng “gia đình trị”
Điện Quang là một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng các chức danh chủ chốt tại công ty đều do những thành viên gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ. Năm thành viên trong gia đình bà Thoa đang nắm giữ cổ phiếu ĐQC tới trên 34%. Tương ứng khoảng 12 triệu cổ phiếu, giá trị hiện tại ước khoảng 480 tỷ đồng.
Em ruột bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Ông Hưng nắm giữ 7,89% cổ phiếu, trị giá khoảng 108 tỷ đồng.
Con gái bà Thoa là Nguyễn Thái Nga đang là cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất tại doanh nghiệp này. Bà Nga nắm giữ 12,93% cổ phiếu, trị giá khoảng 178 tỷ đồng.
Bà Nga từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016.
Trụ sở Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Điện Quang. |
Một người con gái khác của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê, Giám đốc dự án của Điện Quang, cũng đang nắm giữ 3,77 triệu cổ phiếu ĐQC, trị giá khoảng 161 tỷ đồng.
Cá nhân bà Thoa dù không trực tiếp điều hành cũng đang nắm khoảng 1,69 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 5,28%, giá trị hiện tại khoảng 73 tỷ đồng. Mẹ bà Thoa là cũng đang nắm giữ 3,83% lượng cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Như vậy, không chỉ nắm giữ lượng cổ phiếu lớn, các thành viên trong gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đều giữ những chức vụ quan trọng tại Điện Quang.
Sai phạm nghiêm trọng của Thứ trưởng
Năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà còn là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Bà Thoa được Bộ trưởng Công Thương giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác tài chính, giá cả, phát triển thị trường trong nước, thương mại biên giới, miền núi và hải đảo, thương mại điện tử. Ngoài ra bà còn thay mặt Bộ thực hiện quản lý Nhà nước đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…
Ngoài chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Thoa còn là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: VNC |
Sự nghiệp của bà Thoa bắt đầu sóng gió liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Thoa có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Bà có vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa được cho là nghiêm trọng trong thời gian giữ các chức vụ tại Bóng đèn Điện Quang, phải xem xét thi hành kỷ luật, như vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Bà cũng không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản, quận 4, TP.HCM.
Ngoài ra, bà Thoa mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ của công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến...
Công ty bóng đèn Điện Quang thành lập năm 1973, năm 1979 thành lập nhà máy bóng đèn Điện Quang. Doanh nghiệp được thành lập từ việc sáp nhập một số đơn vị như: Xí nghiệp Đèn Ống (Biên Hòa), xí nghiệp Ống Thủy tinh (Biên Hòa), xí nghiệp Đèn tròn (TP.HCM).
Năm 1989, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định thành lập Xí nghiệp Liên hợp Bóng đèn Điện Quang, trên cơ sở nhà máy Bóng đèn Điện Quang trực thuộc liên hiệp xí nghiệp sành sứ thủy tinh II.
Năm 1991, Bộ Công nghiệp nhẹ đổi tên Xí nghiệp Liên hợp Bóng đèn Điện Quang thành Công ty Bóng đèn Điện Quang.
Năm 1997, Điện Quang bắt đầu gia nhập thị trường xuất khẩu. Năm 2005, Điện Quang cổ phần hóa, chuyển đổi thành Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Năm 2008, doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán là DQC.