Tú Chinh nhìn thẳng vào thành tích sau chuyến tập huấn tại Mỹ và khẳng định đó là một chuyến đi không thật sự thành công. 6 tháng trên đất Mỹ, Tú Chinh đã mất gần nửa thời gian để điều trị chấn thương. 3 tháng đầu tiên, sự hoà nhập của cô là rất tốt.
Nói như Tú Chinh, cơ địa người châu Á có sự khác biệt với người phương Tây. Cách huấn luyện ở Mỹ được chú trọng vào các nhóm cơ nhỏ, điều đó đã gây khó khăn cho Tú Chinh khi hoàn toàn khác với cách tập luyện ở Việt Nam từ trước đến nay.
Có một Tú Chinh "gai góc" trên đường đua. |
Từ 30/5/2018, Tú Chinh phát hiện mình bị rách cơ đùi trước và chính thức được điều trị từ đầu tháng 7/2018 với mọi cách tốt nhất như chụp MRI kết hợp uống thuốc, điều trị với công nghệ cao. 10 ngày sau, những cơn đau đã không còn gây khó chịu cho cô, nhưng quãng thời gian 2 tuần phục hồi trước giải không đủ để Tú Chinh có được phong độ tốt nhất để chinh phục đường chạy Á vận hội 2018.
“Ngoài yếu tố chấn thương gây khó khăn, em còn bị tác động bởi một số chuyện cá nhân. Có lúc đã đặt nó lên bàn cân, em tự hỏi cố gắng vì điều gì. Bây giờ em nhìn lại, nhiều khi cảm thấy mình thật ngu ngốc”, Tú Chinh bộc bạch những điều giữ kín trong thời gian tiền ASIAD 2018.
Tuy nhiên, sự thất bại về thành tích trên đất Indonesia không nói lên hết những trải nghiệm của cô trò Tú Chinh và huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Thanh Hương trong 6 tháng nơi đất khách.
“Em và cô may mắn khi được gia nhập môi trường tập luyện khắt khe, chuyên nghiệp. Lượng bài tập ở Mỹ không bằng Việt Nam, mỗi ngày chỉ tập một buổi, nhưng mỗi buổi tập bắt buộc VĐV phải tập trung cao độ, đòi hỏi sự tự giác cao, quyết tâm tuyệt đối để vượt qua được ngưỡng của bản thân mình. Em thật sự thay đổi nhiều về tác phong làm việc khi ở môi trường mới”, Tú Chinh chia sẻ.
HLV Nguyễn Thị Thanh Hương là người luôn bên cạnh Tú Chinh trên đường đua. |
Duyên nợ với những phụ nữ tên Hương
Tú Chinh tự nhận bản thân mình là một người sống khép kín, ít nói và không dễ để bộc bạch những tâm sự cá nhân. Trên gương mặt Chinh toát lên vẻ lỳ lợm và lạnh lùng. Đó cũng là vách ngăn vô hình khiến những ai ít tiếp xúc với cô gái sinh năm 1997 sẽ càng khó tiếp cận.
Khi nhắc về HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, câu chuyện của cô học trò nhỏ dành cho người mẹ thứ 2 của mình có vẻ như chẳng có hồi kết: “Cô đồng hành cùng em đến nay cũng 11 năm rồi. Em mồ côi mẹ từ nhỏ, duyên số giúp em gặp cô và gắn bó lâu như thế. Cô Hương là một mảnh ghép vừa vặn cho những khoảng trống trong cuộc sống của em”.
Những ngày trên đất khách xa xôi, Tú Chinh và HLV Thanh Hương cùng nhau trải qua những kỷ niệm đẹp. Đó có thể là buổi học tiếng Anh cùng nhau của 2 cô trò. Đó cũng là những khi cô trò giận nhau không mở lời đến mấy ngày liền hay những ngày nhớ nhà cồn cào, nhưng cô trò cũng biết động viên nhau cố gắng.
Xen lẫn trong câu chuyện về HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, Tú Chinh bất ngờ nhắc về một người phụ nữ đặc biệt khác. Đó là Vũ Thị Hương, "nữ hoàng tốc độ" của điền kinh Việt Nam, người mà khiến bản thân Tú Chinh không dám nhận mình là “nữ hoàng”.
“Trước mỗi đợt thi đấu nào em cũng gọi điện cho chị Hương để tâm sự, nhất là thời điểm ASIAD 2018 khi mà em biết cơ thể mình có vấn đề, sợ rằng không có thành tích tốt và không thể chia sẻ với ai, thì em đã gọi cho chị Hương", Tú Chinh nhớ lại.
Tú Chinh đầy tự hào khi nhắc về “tiền bối” của mình: "Chị ấy cho những lời khuyên giúp em vượt qua những lo lắng của bản thân, bảo rằng em còn trẻ nên thất bại không quá quan trọng. Điều đáng quan tâm nhất chính là sau thất bại ấy, em sẽ như thế nào".
Tú Chinh tự nhận mình may mắn khi nhận được sự yêu thương và song hành của 2 người phụ nữ tên Hương trong cuộc sống. Thành công hôm nay của cô gái ở Sài Gòn phần nhiều đến từ sự bao bọc, che chở và động viên từ HLV Nguyễn Thị Thanh Hương và cựu VĐV Vũ Thị Hương.
“Em có duyên lắm mới gặp được cô và chị. Em thấy mình nợ ân tình với 2 người phụ nữ tên Hương này”, Tú Chinh chia sẻ.
Tú Chinh vẫn nhí nhảnh, trẻ con bên bạn bè và đặc biệt là với bố. Ảnh: FBNV. |
Con mèo con của bố
Sống trong gia đình có 3 chị em gái, quán xuyên gia đình Tú Chinh từ khi mẹ mất đều một mình bố gánh vác. Ngày đó, Chinh còn quá nhỏ để hiểu thấu về nỗi đau và sự mất mát. Cô lớn lên trong sự bảo bọc của ba và 2 chị gái.
Ban đầu, bố không đồng ý cho cô con gái út của mình theo thể thao chuyên nghiệp bởi sự khắc nghiệt của lĩnh vực này. Khi Tú Chinh quyết định bước tiếp với đam mê, thì bố lại là người ủng hộ quyết định và đưa ra cho Tú Chinh lời khuyên.
“Ba với bà nội ban đầu cương quyết lắm, không muốn em theo thể thao vì thấy đi tập cực khổ quá. Lúc em đi theo ăn tập chuyên nghiệp, bố chỉ nói em rằng đã theo thì phải cố gắng với lựa chọn đó. Sau này, em có được thành tích, được lên tivi, bố với bà nội cũng vui và tự hào lắm”, Tú Chinh tâm sự.
“Em nhìn bên ngoài như một con hổ, lạnh lùng gai góc vậy thôi, nhưng mỗi khi nói chuyện với ba, về nhà ăn cơm, em lại như một con mèo. Mỗi khi tâm sự hay nghe ba nói chuyện, em dễ khóc lắm. Chỉ cần ngồi nói chuyện với một người khác về ba, em cũng không tránh khỏi xúc động", Chinh nói.
Tú Chinh không chia sẻ nhiều về gia đình, đời tư mà xin giữ một phần rất riêng đó cho bản thân. Trước mắt cô gái 22 tuổi là những giải đấu lớn trong năm 2019 đầy bận rộn, đặc biệt là áp lực bảo vệ thành tích tại SEA Games 30 vào cuối năm tại Philippines - giải đấu mà cô đang độc tôn ngôi vị nữ hoàng tốc độ của khu vực Đông Nam Á.