Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quách Thị Lan - 'cô gái vàng' của điền kinh Việt Nam ở châu lục

Vận động viên điền kinh Quách Thị Lan trải lòng về câu chuyện luyện tập, thi đấu cũng như đời sống cá nhân của cô nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Không thể giành HCV ASIAD 18 nội dung 400 m rào là nỗi buồn lớn với Quách Thị Lan và điền kinh Việt Nam. Trước đối thủ rất mạnh người Bahrain, Quách Thị Lan xuất sắc cán đích ở 55 giây 30, phá kỷ lục quốc gia.

Với giới chuyên môn, tấm HCB của Quách Thị Lan danh giá không kém gì một HCV vì đối thủ người Bahrain vốn là nhà vô địch trẻ thế giới nhập tịch từ Nigeria.

Quach Thi Lan,  dien kinh Viet Nam,  ASIAD,  8/3 anh 1
Đồ họa: Minh Phúc.

Cuối tháng 1 vừa qua, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) chính thức thông báo Kemi Adekoya - vận động viên gốc Nigeria nhập tịch Bahrain và là chủ nhân của tấm HCV đã giành chiến thắng trước Quách Thị Lan - có tên trong danh sách dương tính với doping.

Điều này đồng nghĩa Quách Thị Lan với thành tích tốt nhất trong sự nghiệp, sắp tới sẽ giành được tấm HCV thứ 5 mang về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Gặp Quách Thị Lan nhân dịp 8/3, Zing.vn sẽ giúp độc giả hiểu hơn về “cô gái vàng”, “ngôi sao thứ năm” của thể thao Việt Nam ở Á vận hội 2018.

Quach Thi Lan,  dien kinh Viet Nam,  ASIAD,  8/3 anh 2
Quách Thị Lan (giữa) chỉ về đích sau VĐV nhập tịch Bahrain dương tính với doping.

Từ tấm HCB quý như vàng tới tấm HCV thật sự

- Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin về việc đối thủ của bạn, VĐV nhập tịch người Bahrain, có tên trong danh sách dương tính với doping. Lan đã có thông tin chính thức về việc mình được đôn lên giành tấm HCV đó chưa?

- Tôi đã nhận được nhiều chia sẻ về VĐV Bahrain dính doping, nhưng hiện tại vẫn chưa thấy có thông tin chính thức mình được chuyển nhượng huy chương, có lẽ phải đến tháng 4 mới thông báo kết quả.

- Trước khi tham dự ASIAD 2018, Lan hẳn đã biết đến VĐV Bahrain nhập tịch này?

- Tôi từng gặp Adekoya trong cả 2 kỳ ASIAD tham dự. Năm 2014, tôi giành được HCB nội dung 400 m khi để thua Adekoya. 4 năm sau, chuyển sang nội dung 400 m rào, tôi lại phải cạnh tranh với cô ấy. Adekoya có thể hình lý tưởng, đồng thời có kỹ thuật qua rào tốt.

Tại ASIAD 2014, cô ấy giành được 2 HCV ở nội dung 400 m trơn và 400 m rào. Tôi cũng xác định trong năm 2018, đối thủ lớn nhất của mình chính là Adekoya. Mặc dù thua, thành tích mà tôi giành được vẫn tốt hơn nhiều so với trước đó, nên tôi không có chút gì phải hối tiếc. Mọi người cũng vui mừng, động viên rằng phá được kỷ lục quốc gia như vậy là xuất sắc và hy vọng giải sau sẽ giành được thành tích tốt hơn.

- Đương nhiên việc giành HCV ngay trên sân vẫn vinh quang hơn chiến thắng nhờ đối thủ dính doping chứ?

- Tôi nghĩ cảm xúc của mình sẽ khác hẳn. Giành huy chương nhờ đối thủ dương tính với doping, đồng nghĩa với giải đấu đã kết thúc một khoảng thời gian dài, có lẽ không còn nhiều cảm xúc hay tự hào nữa. Còn nếu trực tiếp giành được HCV trên sân, mọi người sẽ nhớ đến mình nhiều hơn.

Không phải ai cũng có thể biết thông tin VĐV Bahrain kia dính doping. Nếu không, câu chuyện sau này có thể trở thành: “Quách Thị Lan giành HCV là nhờ VĐV kia dính doping”.

- Có một cách để Lan thay đổi điện kiến ấy: giành HCV ở kỳ ASIAD tiếp theo?

- Tôi sẽ cố gắng làm được điều đó, nhưng phải mất thêm 4 năm nữa, trong khi bây giờ mình đã 25 tuổi. 4 năm nữa là tôi 29 tuổi. Tôi hiện tại mới chỉ hướng đến mục tiêu xa nhất là SEA Games 2021 trên sân nhà. Nếu thành tích lạc quan, mình mới có thể nghĩ về ASIAD 2022.

Muốn giành 2 HCV cá nhân ở SEA Games 2019

Quach Thi Lan,  dien kinh Viet Nam,  ASIAD,  8/3 anh 3
Đồ họa: Minh Phúc.

- Lan có đặc biệt dè chừng đối thủ nào tại SEA Games không?

- Tôi không coi thường bất kỳ đối thủ nào bởi trong khoảnh khắc thi đấu, tất cả VĐV đều như nhau. Mình chỉ cố gắng tập trung và làm được những điều tốt nhất.

- Lan có đặt ra chỉ tiêu nào cho SEA Games 2019 sắp tới ở Philippines không?

- Hiện tại, tôi đặt mục tiêu giành được HCV cá nhân ở tất cả nội dung mà mình tham dự: 400 m thường và 400 m rào. Trong 3 kỳ SEA Games vừa rồi, tôi chưa may mắn khi không giành được HCV cá nhân nào cho mình và cho đoàn thể thao Thanh Hóa. SEA Games 30 lần này, tôi đặt quyết tâm giành HCV cá nhân.

- Các HLV và chuyên gia có gửi gắm chỉ tiêu nào cho Lan không?

- Trước mắt là vòng loại Olympic 2020, mọi người muốn tôi giành được suất tham dự chính thức. Thành tích của tôi tại ASIAD 2018 đã đạt chuẩn rồi nhưng Liên đoàn điền kinh thế giới lại không tính điểm ở giải đấu đó. Bởi thế, tôi phải cố gắng nhiều hơn.

- Trước ASIAD 2018, VĐV chủ lực ở nội dung 400 m là Nguyễn Thị Huyền đã chia tay đội. Điều đó có làm ảnh hưởng tới tinh thần của tổ cự ly trung bình?

- Năm 2017, tôi tập luyện với chuyên gia Bulgari. Đến năm 2018, khi chuẩn bị cho ASIAD, tôi mới sang đội tiếp sức đồng đội 4x400 m của HLV Vũ Ngọc Lợi. Trong quá trình tập được 1 tháng, chị Huyền nghỉ sinh em bé nên 2 chị em cũng chưa tập luyện với nhau nhiều.

Từ khi thi đấu năm 2018 đến nay, chị Huyền đã động viên tôi rất nhiều. Mặc dù nghỉ, chị vẫn còn đam mê trên đường chạy và động viên bảo tôi cố gắng hết sức cả phần cho chị. 2 chị em hay khích lệ tinh thần của nhau. Lúc chị Huyền nghỉ, thành tích của chị vẫn còn tốt, nên chị cũng có ý định muốn trở lại tham gia thi đấu.

Quach Thi Lan,  dien kinh Viet Nam,  ASIAD,  8/3 anh 4
Quách Thị Lan gánh tạ hơn 100 kg, chuẩn bị cho mục tiêu giành suất dự Olympic.

- Trong suốt quá trình theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, Lan đã ra nước ngoài tập huấn nhiều chưa?

- Từ trước đến giờ tôi đã đi tập huấn khá nhiều nước. Đầu tiên là đi Bulgari và Malaysia vào năm 2013, Mỹ trong năm 2014. Trong nguyên một năm 2016 tôi cũng ở Mỹ tập huấn và không thể về quê ăn Tết, sau đó tôi còn đi Trung Quốc.

Chuyến đi Mỹ có lẽ là đáng nhớ nhất khi thầy cô và các bạn đối xử với mình thân thiện, điều kiện tập luyện và ăn ở đều tốt hơn so với ở Việt Nam. Trong suốt quá trình ăn uống, tôi được các thầy cô hướng dẫn kỹ thuật tận tình giúp các vận động viên phát triển.

Chuyến đi này cũng tạo cho tôi tính tự giác cao hơn, hoàn thiện kỹ thuật và cải thiện tốc độ. Ngày trước ở nội dung 400 m trơn, tôi chỉ chạy được trong 53 giây 30’ đến 53 giây 40, nhưng thành tích tốt nhất hiện tại đã là 52 giây 06.

- Lan có gặp khó khăn nào khi tập huấn ở Mỹ không?

- Trong quá trình tập huấn dài ngày như vậy, các thầy cô không thể theo sát VĐV. Năm đầu tiên ở Mỹ chúng tôi vẫn được các thầy cô sát sao, nhưng đến năm thứ 2 chỉ còn tôi và anh trai đi tập luyện nên phong độ không được ổn định lắm. Một phần vì không có người kèm cặp, phần nữa là thiếu đồng đội và bất đồng ngôn ngữ.­

"Ở quê tôi, các bạn lấy chồng hết rồi"

- Riêng tư một chút nhé, Lan đã có người yêu chưa?

- Tôi đã có người yêu ở Thanh Hóa. Hiện tại, tôi tập trung vào việc tập luyện nhiều hơn. Khi hết giải và không còn giải đấu nào, tôi mới dành thời gian cho bạn trai.

- 8/3 năm nay vào ngày thứ 6, Lan và bè bạn có dự định gì không?

- Thường thì 8/3, các anh trong đội sẽ mua hoa quả, bánh kẹo về mời chị em trong tổ để sum họp. Tôi đã bước vào trung tâm được 6 năm, mọi người tập luyện, sinh hoạt và thi đấu cùng nhau như một gia đình. Trong thể thao, ai cũng thẳng thắn, có chuyện gì không hài lòng về nhau đều có thể trực tiếp chia sẻ với nhau.

Quach Thi Lan,  dien kinh Viet Nam,  ASIAD,  8/3 anh 5
Quách Thị Lan chia sẻ thẳng thắn về những dự định cá nhân trong tương lai.

- Bạn bè của Lan đã nhiều người lấy chồng chưa?

- Ở quê, tôi có lẽ là người duy nhất chưa lấy chồng. Các bạn đã có con 3-4 tuổi, có người còn đã 2 mặt con. Gia đình cũng có lúc giục 2 anh em sớm kết hôn, nhưng tôi và anh Lịch đã theo con đường thể thao chuyên nghiệp rồi nên bố mẹ cũng có thể hiểu được.

Thậm chí tính ra ở trung tâm huấn luyện TDTT, tôi vẫn còn nhỏ tuổi và thấy bản thân còn trẻ con lắm nên chưa xác định gì chuyện lập gia đình sau này.

- Lan có mẫu hình phụ nữ lý tưởng nào không?

- Tôi rất thích mẫu người phụ nữ hoạt bát, năng động, có thể làm được mọi việc như các chị hoa hậu chẳng hạn. Tôi thích H’Hen Niê, chị ấy ngoài đời rất xinh, thân thiện và đầy tài năng.

- Ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa quê bạn còn có một vận động viên thể thao nổi tiếng là thủ môn Bùi Tiến Dũng của đội tuyển Việt Nam. Cùng là tuyển thủ quốc gia nhưng Dũng được quan tâm hơn rất nhiều. Có bao giờ Lan thấy chạnh lòng vì điều đó?

- Có một chút chạnh lòng, nhưng có lẽ bởi người hâm mộ quan tâm đến bóng đá hơn. Tôi cho rằng đó là hạn chế đối với bộ môn điền kinh, nhưng cũng là động lực cho các VĐV điền kinh phát triển nhiều hơn nữa để nhận được sự quan tâm nhiều như bóng đá.

- HCV ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo từng nói rằng thể thao thay đổi cuộc đời của chị ấy, còn Lan thì sao?

- Thể thao khiến tôi thay đổi nhiều từ tính cách, cuộc sống cũng như tạo cho tôi điều kiện sống tốt hơn. Hồi trước, tính tôi rụt rè và hay ngại ngùng, nhưng từ khi theo thể thao, mình phải mạnh mẽ hơn nhiều, tâm lý cũng được cải thiện tốt hơn. Trong quá trình thi đấu, khi đối diện những đối thủ mạnh hơn, tôi cần thể hiện thái độ vững tâm lý, không được sợ sệt.

Ngoài ra, khi gặt hái được thành tích ở thể thao chuyên nghiệp, những vận động viên như chúng tôi được biết đến nhiều hơn và có thể truyền cảm hứng cho mọi người trau dồi sức khỏe.

Đối thủ của Quách Thị Lan dính doping, Việt Nam có HCV thứ 5 ở ASIAD?

Kemi Adekoya, người vượt qua Quách Thị Lan ở chung kết nội dung 400 m rào nữ tại ASIAD 2018 dương tính với chất cấm theo thông báo mới đây của cơ quan liêm chính điền kinh (AIU).

Bích Hiền - Minh Chiến

Ảnh: Minh Chiến, Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm