Đầu tuần này, Huawei công bố doanh thu trong nửa đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 44,8 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ròng giảm từ 9,8% xuống còn 5%.
Đại diện Huawei cho biết năm 2022, mảng kinh doanh thiết bị phần cứng, bao gồm smartphone và sản phẩm điện tử đang đối mặt "thử thách lớn nhất" từ trước đến nay, trong bối cảnh tập đoàn tiếp tục vật lộn với những lệnh cấm từ Mỹ và tình hình kinh tế biến động.
"2022 có lẽ là năm thách thức nhất trong lịch sử dành cho hoạt động kinh doanh thiết bị của chúng tôi. Do bộ phận smartphone bị ảnh hưởng nặng nên trong mảng phần cứng, chúng tôi quyết định tập trung phát triển các sản phẩm sáng tạo thuộc 5 lĩnh vực chính: văn phòng thông minh, thể thao và sức khỏe, nhà thông minh, di chuyển và giải trí", đại diện Huawei cho biết.
Huawei tiếp tục gặp khó khăn trong mảng kinh doanh smartphone. Ảnh: Getty Images. |
Huawei từng là hãng smartphone chiếm thị phần lớn nhất thế giới, nhưng nhanh chóng xuống dốc từ khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại. Theo Nikkei, tập đoàn Trung Quốc cũng không thể hợp tác với những công ty chip như TSMC hay Samsung do lệnh cấm vận. Dù dành nhiều năm để tự sản xuất chip, chặng đường phía trước của Huawei còn rất dài.
"Trước đây, bán dẫn là ngành công nghiệp toàn cầu hóa, mỗi công ty đóng góp lớn để tạo ra chip. Việc lặp lại kế hoạch đầu tư của những công ty khác không có ý nghĩa và không mang đến giá trị thương mại. Tuy nhiên hiện nay, thị trường đã phân hóa, việc tiếp cận một số công nghệ bị ngăn chặn nên vài khoản đầu tư giờ đây trở nên hợp lý", đại diện Huawei cho biết.
Trả lời Nikkei, Huawei cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu cùng đối tác để góp phần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Tập đoàn này đã đầu tư vào nhiều công nghệ liên quan đến bán dẫn như vật liệu, công cụ chế tạo và phần mềm thiết kế chip.
Nói về tỷ suất lợi nhuận giảm, đại diện Huawei cho rằng nguyên nhân đến từ quy mô kinh doanh thu hẹp, chi phí tăng dành cho các lĩnh vực mới, phát triển công nghệ phần mềm và đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Huawei cũng đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Doanh thu từ mảng kinh doanh viễn thông và thiết bị phần cứng của Huawei trong nửa đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Viễn thông đóng góp 47% vào tổng doanh thu của Huawei. Mảng kinh doanh thiết bị 5G ghi nhận tăng trưởng ổn định tại Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Tập đoàn này đã ký hơn 5.000 hợp đồng 5G tại Trung Quốc, Hungary, Thái Lan, Nam Phi, Saudi Arabia và UAE. Công nghệ 5G của Huawei được ứng dụng trong ngành cảng biển, khai thác mỏ, sản xuất và dầu khí.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ đám mây của Huawei cũng duy trì đà tăng trưởng, chủ yếu đến từ thị trường nội địa rộng lớn. Khoảng 80% trong số 50 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc sử dụng dịch vụ đám mây của Huawei. Các khách hàng trong lĩnh vực này gồm 220 công ty tài chính, 30 công ty xe hơi, hơn 40 công ty Internet công nghiệp và hơn 23.000 nhà sản xuất.
Tập đoàn Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực mới, gồm công nghệ bán dẫn và xe hơi. Ảnh: CNBC. |
Huawei cũng mở rộng sang lĩnh vực xe hơi dù chưa có lợi nhuận. Tập đoàn này sẽ tập trung cung cấp các linh kiện quan trọng và phần mềm, trong khi đội ngũ điện tử tiêu dùng phụ trách thiết kế ngoại thất và nội thất của xe.
Huawei dự kiến đầu tư 1,5 tỷ USD cho R&D mảng xe, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Tập đoàn Trung Quốc đã huy động khoảng 7.000 nhân lực để phát triển các công nghệ liên quan đến xe hơi, gồm cơ sở hạ tầng điện tử, hệ thống lái thông minh và phần mềm hỗ trợ.