Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trọng tâm phát triển mới của Huawei

Để vượt qua những rào cản và thách thức bủa vây, Huawei tiếp tục chủ trương đầu tư mạnh tay vào cuộc đua R&D.

Huawei,  R&D anh 1

Nghiên cứu và phát triển (R&D) là khía cạnh quan trọng giúp Huawei tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Chỉ riêng năm 2021, hãng công nghệ Trung Quốc đầu tư kỷ lục gần 22,5 tỷ USD - bằng 22,4% tổng doanh thu.

Sức mạnh cốt lõi để phát triển

Xuất phát điểm là công ty công nghệ nhỏ tại Thẩm Quyến, Trung Quốc với số vốn khởi nghiệp vỏn vẹn 3.300 USD, Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hiểu rõ đường sống duy nhất của Huawei là tập trung vào phát triển sức mạnh nội tại. Cụ thể, R&D là nguồn sức mạnh của toàn bộ chuỗi giá trị Huawei, góp phần ghi dấu thương hiệu công nghệ Trung Quốc trên bản đồ ICT toàn cầu.

Thực tế, Huawei không phải là một công ty niêm yết nên không quá áp lực trước việc có báo cáo tài chính đẹp để làm hài lòng các cổ đông. Ông Nhậm Chính Phi từng thẳng thắn: “Chúng tôi chỉ chú ý đến sức mạnh nội tại của mình, cứ thế tiến lên mỗi ngày. Chúng tôi phải tăng cường đầu tư vào những thứ tiên tiến hơn, nếu không Huawei sẽ bị bỏ lại phía sau và không thể cạnh tranh. Nhiều công ty lớn trên thế giới đột nhiên sụp đổ khi họ có nhiều lợi thế. Điều này cho thấy họ không theo kịp sự biến đổi của thời đại”.

Huawei,  R&D anh 2

Mức tăng chi tiêu R&D của Huawei trong giai đoạn 2014-2018. Ảnh:Bloomberg.

Hàng năm, Huawei chi hơn 10% doanh thu (tương đương 15-20 tỷ USD) để tái đầu tư cho R&D. Tuy nhiên trong năm 2021, tổng chi phí R&D lên đến 142,7 tỷ CNY (gần 22,5 tỷ USD), bằng 22,4% tổng doanh thu của tập đoàn. Cả hai con số này đạt kỷ lục trong lịch sử của hãng. Theo tính toán, trong thập kỷ qua, tổng đầu tư R&D của Huawei vượt ngưỡng 133 tỷ USD. Hiện tập đoàn có 107.000 nhân viên tham gia vào lĩnh vực R&D - chiếm 54,8% tổng lực lượng lao động.

Với sự đầu tư lớn cho R&D, Huawei tạo ảnh hưởng toàn cầu với những nền tảng công nghệ tiên tiến, nổi bật là công nghệ 5G. Để tiếp tục ứng dụng thương mại và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng 5G, tập đoàn thành lập các trung tâm nghiên cứu 5G với các nhà mạng trên toàn thế giới.

Các bằng sáng chế do Huawei nắm giữ được công nhận rộng rãi trong toàn ngành. Theo nhiều báo cáo toàn cảnh bằng sáng chế được công bố bởi các bên thứ ba độc lập, hãng công nghệ từ Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành về giá trị của các bằng sáng chế được nắm giữ, thuộc các tiêu chuẩn chính như 5G, Wi-Fi 6 và H.266.

Điều đặc biệt là ngày càng nhiều nhà cung cấp ký thỏa thuận cấp phép với Huawei để sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế (gồm cả công ty trong lĩnh vực truyền thông truyền thống đến các ngành công nghiệp mới nổi như xe thông minh, nhà thông minh và IoT).

Như một phần của chiến lược "toàn cầu hóa", Huawei không ngừng thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia và khu vực. Hãng đẩy mạnh bản địa hóa nhân lực và đầu tư vào thị trường bản địa, mua sắm và thiết lập cơ sở nghiên cứu tại địa phương.

Ông lớn công nghệ Trung Quốc này hiện đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Đầu tư R&D công nghiệp châu Âu 2021 của Ủy ban châu Âu (công bố vào tháng 12/2021). Huawei thành lập trung tâm R&D châu Âu đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 2000. Trong năm 2020, tập đoàn tiếp tục xây dựng các trung tâm nghiên cứu như trung tâm tại miền đông nước Anh (trị giá 1,2 tỷ USD). Hiện tập đoàn có 23 trung tâm R&D khắp châu Âu.

Huawei,  R&D anh 3

Huawei là một trong những hãng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ 5G.

Lấy R&D làm vũ khí cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn toàn cầu, Huawei không ngừng nghiên cứu và đi trước đối thủ. Với nhiều nỗ lực, vào tháng 6/2020, Huawei xếp thứ 6 trong danh sách 50 công ty sáng tạo nhất, theo bảng xếp hạng của Boston Consulting Group. Vị trí của tập đoàn tăng 42 bậc so với bảng xếp hạng năm trước. Đây là thứ hạng cao nhất của tập đoàn này kể từ lần đầu lọt vào danh sách năm 2012.

Huawei luôn coi nền tảng của sự đổi mới sáng tạo là sự tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tập đoàn có một trong những danh mục bằng sáng chế lớn nhất thế giới và đến cuối năm 2021, Huawei nắm giữ 110.000 bằng sáng chế đang hoạt động, trên 45.000 họ bằng sáng chế (tập hợp các bằng sáng chế). Về số lượng bằng sáng chế được cấp vào năm 2021, hãng đứng số 1 tại Cục Quản lý Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc và Văn phòng Sáng chế châu Âu; đứng số 5 tại Văn phòng Bằng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ.

Sứ mệnh tạo ra giá trị cho khách hàng

Trong lịch sử hơn 30 năm, Huawei lưu truyền một câu chuyện điển hình về sứ mệnh vì lợi ích khách hàng. Tại sa mạc và các vùng nông thôn Trung Quốc, chuột trở thành vấn nạn khi thường cắn dây cáp, ảnh hưởng đến kết nối của khách hàng. Thời điểm đó, những hãng viễn thông đa quốc gia không xem đây là vấn đề của họ, nhưng Huawei lại để tâm và nỗ lực tìm phương án xử lý.

Đội ngũ nghiên cứu đã phát triển các thiết bị và vật liệu bền bỉ, cứng cáp. Nhờ nỗ lực này, hãng công nghệ ký được một số hợp đồng lớn tại Trung Đông - nơi cũng gặp vấn nạn tương tự.

Huawei,  R&D anh 4

Nhân viên Huawei thực hiện nhiệm vụ tại đỉnh Everest.

Với sự thấu hiểu và sẻ chia nhu cầu của khách hàng, Huawei nỗ lực mang đến cải tiến cho đối tác cũng như ngành công nghệ thông tin thế giới. Khi mở rộng thị trường 3G tại châu Âu, Huawei nhận thấy các nhà mạng ở đây kỳ vọng trạm gốc gọn nhẹ, dễ lắp đặt, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng nhưng độ phủ rộng hơn. Trên cơ sở đó, Huawei trở thành một trong những hãng đầu tiên ra mắt trạm gốc phân tán, cho phép phân phối sóng vô tuyến từ mạng lớn đến các mạng riêng nhỏ. Sáng kiến này giúp nhà mạng triển khai trạm gốc rẻ hơn và phổ biến tại châu Âu cho đến hiện nay.

Không chỉ vậy, Huawei có một số dự án ấn tượng khi hoàn thành trong điều kiện thời tiết khó khăn và địa hình hiểm trở. Tiêu biểu là công trình xây dựng trạm gốc viễn thông không dây cao nhất thế giới trên đỉnh Everest (cao 6.500 m); xây mạng GSM đầu tiên tại Bắc Cực. Còn tại vùng Nuji (Colombia) xa xôi - nơi không có đường giao thông và các điều kiện vận chuyển, nhân sự Huawei đã hành quân ngày đêm để vận chuyển thành công trạm gốc thông tin lên núi cao, nối liên lạc cho 2.759 người dân địa phương.

Vùng thiên tai hay thảm họa vẫn không cản bước “đội quân” này. Tại các sự kiện động đất ở Algerie, sóng thần ở Nhật Bản hay khủng bố ở Ấn Độ, người dân từng chứng kiến nhân viên Huawei có mặt tại hiện trường từ sớm để khắc phục sự cố viễn thông, giúp kết nối thông tin nhanh chóng.

Đặt khách hàng làm cốt lõi, văn hoá và con người Huawei theo đó gắn với nhiều giá trị đặc sắc như “tinh thần sói” với sự can trường, chí khí và quyết tâm; “văn hoá nệm” làm việc cật lực để mang đến những sáng kiến; tâm thế sẵn sàng “quay lưng với lãnh đạo” để chỉ ra những sai phạm nội bộ.

Trong 30 năm phát triển đầy thử thách, Huawei đã cung cấp dịch vụ viễn thông đến 3 tỷ người tại hơn 170 quốc gia. Tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm luôn là kim chỉ nam cho sự tồn tại của hãng, với chiến lược chủ đạo là đầu tư trường kỳ cho R&D. Từ đó, hãng công nghệ mang đến những sản phẩm và sáng kiến chất lượng cho ngành ICT toàn cầu.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm