Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vượt khủng hoảng kép, Huawei vào top 10 thương hiệu đắt giá toàn cầu

Hơn 2 năm vượt qua nhiều khó khăn, Huawei trở thành một trong 10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh, theo Brand Finance.

Huawei,  Brand Finance Global 500 anh 1

Bảng xếp hạng “Brand Finance Global 500” năm 2022 do Brand Finance công bố cho thấy chỉ sau một năm, Huawei tăng lên 6 bậc và vươn lên vị trí thứ 9 trong số 10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh.

Giá trị thương hiệu hơn 71 tỷ USD: Không chỉ là con số

Hứng chịu tác động “kép” từ đại dịch Covid-19 và lệnh cấm vận của Mỹ, có lúc Huawei phải lùi lại phía sau để tăng tốc trong cuộc đua vị thế của các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Huawei,  Brand Finance Global 500 anh 2

Bảng xếp hạng “Brand Finance Global 500” công bố top 10 thương hiệu có giá trị nhất năm 2022.

Mới đây, Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - đã công bố bảng xếp hạng “Brand Finance Global 500” năm 2022. Sau một năm vắng bóng khỏi top đầu, Huawei trở lại top 10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh và giữ vị trí thứ 9; giá trị thương hiệu tăng hơn 29%, vượt 6 bậc so với năm 2021. Cũng theo bảng xếp hạng này, thương hiệu Huawei được định giá hơn 71 tỷ USD. Xét riêng trong lĩnh vực công nghệ, hãng đã vươn lên đứng thứ 4, theo sát các “gã khổng lồ” công nghệ khác.

Giá trị thương hiệu của Huawei không chỉ là con số mà thể hiện sự chuyển mình đầy ngoạn mục trước những khó khăn và thách thức từ bên ngoài. Trong những năm qua, hãng có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ như tham gia thị trường ôtô thông minh với những giải pháp công nghệ mới; dẫn đầu công nghệ 5G và thúc đẩy đầu tư 6G; đầu tư hoạt động kinh doanh điện toán đám mây; củng cố và phát triển quan hệ đối tác với các quốc gia lớn…

Đây không phải sự trở lại đầy bất ngờ mà là sự bứt tốc của một hãng công nghệ giàu sức sống. Ông Nhậm Chính Phi từng cho rằng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), luôn chuẩn bị tâm thế đối mặt rủi ro là hai mục tiêu lâu dài, cũng là động lực để Huawei phát triển bền vững.

Bứt tốc vượt khủng hoảng

Năm 2021, cùng với áp lực từ bên ngoài, Huawei chịu tác động lớn vì đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán điện thoại giảm 41,1% so với cùng kỳ quý IV/2020. Hãng cũng báo cáo doanh thu năm 2020 giảm ở mọi khu vực ngoại trừ quê hương Trung Quốc. Điện thoại của Huawei không thể nhìn thấy ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu - nơi trước đây vốn là thị trường chủ lực của hãng.

Huawei luôn lường trước các rủi ro có thể có, và luôn có những chiến lược chuẩn bị, để không bị động trước biến động, đúng theo chiến lược “khi bình yên, vẫn lo ngày giông bão”. “Chúng tôi hy sinh lợi ích cá nhân và gia đình để tiến tới một lý tưởng, đó là đứng đầu thế giới”, ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei - khẳng định hãng không bị động trước 3 vòng trừng phạt của Mỹ.

Từ năm 2016, Huawei nghiên cứu, phát triển hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS và chính thức công bố vào năm 2019, khi hãng bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”. HarmonyOS thể hiện tham vọng của của hãng công nghệ khi muốn cung cấp trải nghiệm liền mạch cho người dùng, gồm nhà thông minh, văn phòng thông minh, ôtô thông minh, thể dục và sức khỏe cũng như giải trí thông minh.

Nhờ có hệ điều hành riêng, tập đoàn này làm phong phú thêm hệ sinh thái phần cứng và dịch vụ, giúp các thiết bị như smartphone, đồng hồ, trang bị nhà thông minh, xe tự hành… kết nối với nhau. Giờ đây, người dùng có thể sử dụng smartphone hoặc đồng hồ thông minh của Huawei để điều khiển ôtô.

Huawei,  Brand Finance Global 500 anh 3

Hệ điều hành HarmonyOS thông minh được Huawei tích hợp trong các dự án xe điện. Ảnh: Huawei.

HarmonyOS cũng mở đường để Huawei gia nhập thị trường xe điện bằng các giải pháp thông minh. Hãng ra mắt xe điện lần đầu tiên vào tháng 4/2021 và đến cuối năm, hãng bắt tay với đối tác thành lập Công ty AITO để giới thiệu mẫu xe điện đặc biệt có tên AITO M5. AITO được viết tắt từ "Adding intelligence to auto" - mang trí thông minh lên xe ôtô. Điều này phần nào nói lên tham vọng tái định nghĩa khái niệm xe điện của hãng.

Chiếc xe mới được vận hành bởi hệ điều hành của Huawei có giá khoảng 900 triệu đồng gây ấn tượng với giới mê công nghệ. Chỉ sau 5 ngày mở bán tại thị trường Trung Quốc, hãng có hơn 6.000 đơn hàng. Theo nhiều thông tin từ hãng, Huawei đang bắt tay với các đối tác sản xuất xe hơi từ Nhật, châu Âu để đưa các giải pháp công nghệ thông minh vào xe điện.

Theo dự báo của McKinsey, phần doanh thu từ các dịch vụ hỗ trợ ôtô của Huawei đạt 1.500 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 22% tổng doanh thu toàn ngành.

Tự chủ về hệ điều hành là một bước đi quan trọng. Thứ nhất, nó giúp Huawei tiếp tục phát triển được mảng smartphone vốn có nguy cơ bị đóng băng. Thứ hai, công nghệ mới giúp hãng lấn sân nhiều lĩnh vực mới, dễ dàng chuyển hướng kinh doanh. Như cách ông Nhậm Chính Phi tuyên bố: "Chúng tôi có thể tồn tại mà không cần dựa vào doanh số điện thoại".

Văn hóa sói phát huy sức mạnh trong khủng hoảng

Chiến lược nổi bật thứ hai của Huawei là chú trọng xây dựng đội ngũ và truyền cảm hứng cho nhân viên. Hãng nổi tiếng với "văn hóa sói" (mỗi nhân viên là một con sói thiện chiến). Trên tường một phòng nghiên cứu tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến có đoạn thư pháp: "Hy sinh là sự nghiệp cao cả nhất, chiến thắng là đóng góp vĩ đại nhất của người lính".

Từ trước lệnh cấm, Huawei huy động hàng nghìn nhà phát triển làm việc ba ca mỗi ngày ở các văn phòng Thượng Hải, Thẩm Quyến và Tây An với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào phần mềm, hệ điều hành và vi xử lý của Mỹ. Khi hãng bước vào giai đoạn khủng hoảng, chế độ thời chiến được kích hoạt. Từ văn phòng đến nhà xưởng, những bóng đèn huỳnh quang thắp sáng suốt đêm và canteen của Huawei luôn hoạt động tới nửa đêm.

Vì sao người Huawei lại chăm chỉ như vậy? Có lẽ vì ông Nhậm đã từ chối rất nhiều nhà đầu tư để chia cổ phần cho nhân viên, biến Huawei trở thành công ty của chính người lao động. Ông cũng quyết định không IPO để tránh nhân viên ngủ quên trên chiến thắng, tự mãn với số tiền có được hoặc bán cổ phần và rời bỏ Huawei.

Chiến lược thứ ba, Huawei luôn đề cao tinh thần tự làm mới và kêu gọi nhân viên không được tự mãn. Nhiều năm qua, hãng chú trọng R&D, tái đầu tư hơn 15% tổng doanh thu hàng năm vào các dự án R&D. Bất chấp khủng hoảng kép, từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, hãng đã nộp 8.607 bằng sáng chế, dẫn trước nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đạt 5.807 bằng. Ưu tiên cho R&D giúp Huawei sớm đưa các thiết bị 5G vào thương mại hóa, trở thành một trong những hãng đi đầu lĩnh vực này với hơn 3.000 đơn đăng ký bằng sáng chế.

Huawei,  Brand Finance Global 500 anh 4

Một góc khu vực nghiên cứu và phát triển tại trụ sở Huawei. Ảnh: CNN.

Mặc dù tự tin vào sự đổi mới liên tục, Huawei vẫn luôn giữ tôn chỉ khiêm tốn, sẵn sàng lắng nghe mọi lời góp ý của nhân viên để chỉnh sửa lại những gì chưa làm tốt.

Minh bạch và tôn trọng khách hàng cũng là một trong những nét văn hóa nổi bật ở Huawei. Từ lâu, người ta đã có thể dựa vào chất lượng của những sản phẩm hàng đầu của mình để nói chuyện. Rõ ràng, chỉ có sự hài lòng, tin tưởng của khách hàng mới là “kim bài miễn tử” cho bất cứ hãng công nghệ nào.

Đánh giá về sự trỗi dậy sau khủng hoảng của Huawei, Ben Wood (CEO CCS Insight analyst) từng nói: “Nếu không vướng vào chiến tranh thương mại, Huawei sẽ mang đến cho các đối thủ một bước đi khó khăn vào lúc này... Rất nhiều công ty cảm thấy có thể lấp đầy những chiếc giày của hãng, nhưng họ vẫn chưa thực sự hiểu được quy mô đầu tư cần thực hiện liên quan đến việc xây dựng một thương hiệu như Huawei. Sẽ còn lâu nữa chúng ta mới lại thấy một công ty có được tác động mà hãng công nghệ này đang có”.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm