Chiều 28/3, bà Mạnh Vãn Châu xuất hiện tại sự kiện báo cáo kinh doanh năm 2021 của Huawei. Đây là lần đầu tiên mà bà Mạnh xuất hiện trước truyền thông, kể từ khi trở về Trung Quốc vào tháng 9/2021.
Lợi nhuận tăng mạnh dù doanh thu giảm
Bà Mạnh Vãn Châu là người thuyết trình về tình hình kinh doanh của Huawei trong năm qua. Doanh thu công ty này vào năm 2021 đạt 636,8 tỷ tệ (tương đương 100 tỷ USD), giảm tới 29% so với năm 2020.
Theo SCMP, đây là mức doanh thu thấp nhất của Huawei kể từ khi công ty này bắt đầu công bố kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận của Huawei lại tăng mạnh tới 76%, đạt 113,7 tỷ tệ.
Bà Mạnh Vãn Châu xuất hiện tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh của Huawei năm 2021. Ảnh: Huawei. |
Bloomberg nhận định lợi nhuận tăng mạnh có thể đến từ việc bán đi thương hiệu smartphone Honor, với giá trị khoảng 10 tỷ USD. Đại diện Huawei không nói rõ con số lợi nhuận có tính đến thương vụ đó không.
Theo số liệu từ Huawei, mảng thiết bị tiêu dùng của công ty này sụt giảm tới 50%, và doanh thu từ các nhà mạng cũng giảm 7%. Tuy nhiên, doanh thu của một số mảng kinh doanh mới như thiết bị đeo hay màn hình thông minh tăng trưởng 30%.
Bà Mạnh Vãn Châu cho biết việc khó tiếp cận nguồn cung công nghệ và nhu cầu 5G đang giảm dần là những nguyên nhân chính khiến doanh thu của Huawei giảm mạnh trong năm qua.
"Dù doanh thu giảm trong năm 2021, khả năng tạo ra lợi nhuận và dòng tiền của chúng tôi đang tốt lên", bà Mạnh nhận định.
"Chúng tôi cho rằng lượng smartphone Huawei bán ra trong năm nay sẽ giảm xuống khoảng 20-25 triệu máy, thấp hơn con số 30-35 triệu máy của năm ngoái", nhà phân tích Eddie Han tại Isaiah Research nói với SCMP.
Ông Han cũng cho rằng việc thị trường Nga bị cấm vận sẽ ảnh hưởng tới Huawei. Nga là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của công ty Trung Quốc.
Huawei đầu tư vào nghiên cứu để tồn tại
"Chúng tôi đã tồn tại trong năm 2021, và sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2022", bảng trình chiếu của Huawei viết trong phần trình bày của ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei.
Ông Ping thừa nhận Huawei hiện "không tiếp cận được một số công nghệ tiên tiến". Tuy nhiên, chủ tịch luân phiên của Huawei nhận định đây là lý do công ty này càng phải tiếp tục đầu tư vào các khoản nghiên cứu, phát triển và con người.
Theo báo cáo tài chính của Huawei, năm 2021 công ty này đầu tư 142,7 tỷ tệ cho nghiên cứu và phát triển, tương đương 22,4% tổng doanh thu. Tỷ lệ này vẫn tăng liên tục trong các năm qua.
Mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng của Huawei bị ảnh hưởng mạnh do những lệnh hạn chế từ Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Bà Mạnh Vãn Châu cho biết trong năm 2021, công ty này đã bước ra khỏi vùng thoải mái và phải chịu áp lực rất lớn.
SCMP nhận định những thông điệp của bà Mạnh Vãn Châu và ông Guo Ping có điểm tương đồng với nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Vào tháng 11/2021, ông Nhậm nhấn mạnh công ty này phải "làm việc chăm chỉ hơn và hi sinh thêm nữa" để "không ai có thể bắt nạt chúng ta".
Từ cuối năm 2020, Huawei nhấn mạnh việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Hãng này thúc đẩy lĩnh vực điện toán đám mây, chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, ông Guo Ping cho biết công nghệ trên xe hơi là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của Huawei. Ông Ping cũng khẳng định Huawei không sản xuất xe hơi, mà dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ các hãng sản xuất ôtô điện.
Khi được hỏi về vấn đề nguồn cung chipset, ông Guo Ping cho rằng để khắc phục điều này sẽ cần rất nhiều thời gian. Ông Ping cho rằng thị trường đang bị phân mảnh, và việc tiếp cận công nghệ cũng bị cản trở, do vậy Huawei chỉ có thể đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định.
Khi chia sẻ về tình hình kinh doanh tại Nga và Ukraine, ông Guo Ping cho biết việc bán hàng tại các quốc gia này sẽ phải thường xuyên thay đổi dựa trên chính sách của các nước.