Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ bỏ đúng cách, bạn sẽ đạt mục tiêu nhanh hơn

"Từ bỏ" thật sự có ý nghĩa trong những trường hợp nào? Khi nào thì quyết định bỏ cuộc đẩy nhanh thành công và sự kiên trì lại khiến ta sa sút?

Những năm gần đây, ý niệm “từ bỏ” dường như đang ngày một phổ biến hơn. Sau đại dịch, thế giới đã chứng kiến “Great Resignation” - làn sóng bỏ việc ồ ạt trên thế giới - khi mà hàng triệu người đã rời bỏ công việc của mình để tìm đến những cơ hội tốt hơn.

Sau đó, chúng ta lại chứng kiến “quiet quitting” - “âm thầm nghỉ việc” - xu hướng mà người ta chọn làm việc cầm chừng tại công sở.

Vậy, “từ bỏ” thật sự có ý nghĩa trong những trường hợp nào? Khi nào thì quyết định bỏ cuộc đẩy nhanh thành công và sự kiên trì lại khiến ta sa sút?

Trong cuốn sách Từ bỏ (Quit), tác giả, tiến sĩ tâm lý học nhận thức Annie Duke đã đem đến một cái nhìn khác về sự từ bỏ. Cô nêu ra lợi ích của quyết định từ bỏ và đề ra những chiến lược nhằm giúp bạn cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định.

Tu bo anh 1

Tác giả Annie Duke. Ảnh: WP.

Kiên trì đến… chết

Luận điểm đầu tiên Annie đưa ra trong cuốn sách là về định kiến của loài người với sự bỏ cuộc. Theo tác giả, chúng ta vốn dĩ đã quá quen với những câu như: Người chiến thắng không bao giờ từ bỏ”, hay “Người từ bỏ không bao giờ chiến thắng”.

“Chúng ta có xu hướng tung hô những người kiên trì tiến lên phía trước khi đối mặt với thách thức. Trong khi đó, những người quyết định từ bỏ lại là chiếc bóng vô hình”, Annie Duke ghi trong cuốn sách.

Annie dẫn ra ví dụ về Rob Hall, một nhà leo núi và là nhân vật chính trong hành trình được kể lại trong cuốn hồi ký Into Thin Air của Jon Krakauer. Rob Hall đã quyết định kiên trì và tiếp tục leo lên Everest trong khi mọi điều kiện đều cho thấy anh ấy nên quay lại. Nhưng anh ấy đã kiên trì. Và anh ấy đã qua đời trên đỉnh núi. Và người ta coi anh ấy như một người hùng.

Một câu chuyện thực tiễn khác trong cuốn sách là về Siobhan O’Keeffe, một tư vấn tuyển dụng đã chạy giải Marathon London vào năm 2019. Cô đã gãy xương bắp chân ở dặm thứ 8. Thế mà cô ấy vẫn tiếp tục chạy và hoàn thành cuộc đua, rõ ràng là trái với lời khuyên y tế.

“Phần lý trí trong chúng ta sẽ nghĩ rằng: ‘Ôi, tệ thật đấy. Cô ấy có thể gặp chấn thương nghiêm trọng. Cô ấy có thể không bao giờ chạy lại được nữa’. Nhưng hãy thừa nhận nào, chúng ta đều nghĩ rằng: ‘Ồ, cô ấy thật mạnh mẽ’”, Annie nói trong bài phỏng vấn với tờ The New York Times năm 2022.

Từ bỏ giúp giải phóng nguồn lực

Với 11 chương sách trải dài 400 trang, Từ bỏ tập trung vào những bằng chứng tâm lý học, những phân tích thấu đáo và những trường hợp điển hình thuộc nhiều lĩnh vực - nhằm chỉ ra những sự thật về quyết định từ bỏ.

Theo tác giả, bất cứ khi nào một người quyết định bắt đầu một việc gì đó, họ đang đưa ra quyết định đó dưới những điều kiện không chắc chắn. Khi bạn nhận một công việc, bạn biết bao nhiêu về nó? Bạn sẽ thích văn hóa ở đó như thế nào? Bạn không biết”, Annie nói.

Điều này có nghĩa là một khi bạn bắt đầu điều gì đó, bạn sẽ khám phá ra thông tin mới. Thông tin đó có thể là về việc bạn có hạnh phúc hay không. Nó cũng có thể là thông tin về sự thay đổi nơi bạn: “Tôi nghĩ rằng tôi muốn điều này, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng tôi muốn điều khác”.

Lựa chọn từ bỏ giải phóng bạn khỏi những hoàn cảnh mới không như ý như vậy.

Hơn nữa, theo tác giả, việc từ bỏ, nếu được thực hiện đúng cách, cho phép bạn đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn. Điều này trái với suy nghĩ thông thường, rằng từ bỏ sẽ làm chậm lại sự tiến bộ của chúng ta.

Theo Annie, nếu bạn đang mắc kẹt trong những lựa chọn không đáng giá, thì quyết định từ bỏ sẽ giải phóng nguồn lực, để bạn chuyển nguồn lực đó cho lựa chọn khác triển vọng hơn. Và từ bỏ chỉ làm chậm lại tiến trình khi bạn từ bỏ một lựa chọn thực sự tốt.

Tu bo anh 2

Sách Từ bỏ.

“Tiêu chí khai tử” và “nhà tham vấn về sự từ bỏ”

Vậy, câu hỏi tiếp theo là có những công cụ nào giúp chúng ta biết lúc nào cần từ bỏ? Annie Duke nhấn mạnh rằng chúng ta thật sự cần đến những công cụ sắc bén, bởi con người rất giỏi trong việc tìm ra lý do để kiên trì. “Đó là lý do mọi người chết trên đỉnh núi; tiếp tục chạy marathon với chân bị gãy hay ở lại với một công việc độc hại”, cô nói.

Trong cuốn sách, Annie Duke đề nghị mọi người tạo ra “tiêu chí khai tử”.

Hãy tự hỏi: những tín hiệu nào trong tương lai sẽ cho bạn biết đây là lúc để bỏ cuộc? Ví dụ khi tham gia chạy marathon, bạn có thể tự hứa trước rằng nếu trạm y tế khuyên bạn dừng lại bất cứ lúc nào, bạn cần phải chấp nhận.

Trong công việc, nếu bạn không hạnh phúc, hãy tự hỏi: “Mình có thể chịu đựng tình trạng này trong bao lâu nữa?” Có thể bạn sẽ cho thêm bản thân 3 tháng nữa. Sau đó, hãy suy nghĩ: Điều gì sẽ cho tôi biết mọi việc đang suôn sẻ? Điều gì cho tôi biết mình vẫn không hạnh phúc?

Thậm chí còn hữu ích hơn nếu bạn kết hợp các tiêu chí khai tử với một “nhà tham vấn về sự từ bỏ”. Người đó có thể là bạn tốt, người cố vấn hoặc nhà trị liệu. Hãy tìm những người quan tâm đến lợi ích lâu dài của bạn và nói với họ: “Hãy cho tôi biết điều gì tốt nhất cho tôi về lâu dài, ngay cả khi lời nói của bạn sẽ khiến tôi tổn thương”.

Annie Duke chia sẻ thêm rất nhiều công cụ, ý tưởng và mô hình tâm lý độc đáo khác trong cuốn Từ bỏ, nhằm giúp bạn đọc cải thiện khả năng ra quyết định của mình.

Cô khuyến khích bạn đọc có cho mình một “danh mục đầu tư” đa dạng cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống, và sẵn sàng những phương án dự phòng (thay vì chờ cho đến khi thế giới bên ngoài bắt buộc bạn phải từ bỏ thì mới đi tìm lựa chọn thay thế).

Ngoài ra, đặt mục tiêu linh hoạt là điều mà mỗi người nên ghi nhớ. Theo Annie Duke, mỗi mục tiêu cần có một “mệnh đề trừ khi” thực sự tốt. Chẳng hạn như, Tôi sẽ tập luyện cho marathon trừ khi điều đó khiến tôi kiệt quệ và thực sự nhớ gia đình”. Hoặc, “Tôi sẽ leo lên đỉnh Everest trừ khi thời tiết chuyển xấu”.

“Bởi vì chúng ta phải nhớ mục tiêu thực sự là gì. Mục tiêu không phải là lên đến đỉnh Everest. Mục tiêu là an toàn trở về để bạn có thể chinh phục thêm nhiều ngọn núi khác trong tương lai”, cô kết luận.

Annie Duke là tác giả, diễn giả, nhà tư vấn trong lĩnh vực ra quyết định. Cô cũng là người chơi bài poker chuyên nghiệp, từng thắng được tổng cộng hơn 4 triệu đô-la trong các giải đấu poker.

Trước khi trở thành người chơi poker chuyên nghiệp, Annie đã được trao học bổng của quỹ khoa học quốc gia để nghiên cứu về tâm lý học nhận thức tại đại học Pennsylvania và năm 2023, Annie đã lấy được bằng tiến sĩ về tâm lý học nhận thức.

Annie Duke cũng là tác giả của các cuốn sách bán chạy: Thinking in Bets (Tư duy đặt cược), How to Decide (Cách ra quyết định).

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Nguyên Thảo

Bạn có thể quan tâm