Cuộc đời nhà báo Dương Thành Truyền có những khoảng thời gian đáng nhớ: 2 năm đi bộ đội, 5 năm dạy văn, 10 năm làm sách (ông từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ), 12 năm làm báo (ông từng giữ chức Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)… Khoảng thời gian nào, công việc gì cũng gắn liền với con chữ, sách báo.
Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường) là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo, và mới nhất là tạp văn Bắt đầu bằng để lại…
Nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền. Ảnh: NVCC. |
Ở vai trò mới nhất - một trong mười Đại sứ Văn hóa đọc của TP.HCM nhiệm kỳ 2024-2025, ông đã chia sẻ với Tri thức - Znews về vai trò của đọc sách trong việc phát triển bản thân của mỗi người.
Đọc báo để tiếp thu thông tin, đọc sách để trau dồi tư duy
Trên nhiều diễn đàn, đáp lại lời than phiền rằng giới trẻ ngày nay không đọc nhiều, các bạn trẻ cho biết họ vẫn đọc, đọc đều đặn mỗi ngày. "Nhưng cần hỏi các bạn ấy đọc gì, vì đọc sách thì rất khác với đọc báo", ông Dương Thành truyền nói.
Ông đưa ra dẫn chứng khoảng đầu thập niên 2010, giới xuất bản chứng kiến hai hiện tượng báo động: một là báo điện tử phổ biến, lên ngôi và hai là các sách điện tử nở rộ. Nhiều người đưa ra dự báo là báo giấy, sách giấy sẽ thoái trào và nhường chỗ cho báo điện tử, sách điện tử.
Hiện nay, báo động đầu tiên dường như đã trở thành sự thực - lượng báo giấy phát hành đã ở mức cực thấp (một số tờ báo lớn của thế giới đã ngừng hoàn toàn, hoặc giảm tần suất phát hành báo in) và vẫn đang trên đà thuyên giảm.
Năm 2020, Giám đốc đương nhiệm của New York Times Mark Thompson - một trong những tờ báo lâu đời và được đọc nhiều nhất thế giới - đưa ra dự báo rằng trong 20 năm tới, báo giấy sẽ biến mất. "Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không (lưu ý rằng không phải chưa, mà là không) xảy ra với sách giấy", ông Dương Thành Truyền nhận định.
Cụ thể hơn, ông phân biệt: Đọc báo là để ghi nhận, tiếp thu thông tin, do đó có thể đọc lướt, đọc nhanh trên các thiết bị di động, điện tử. Nhưng đọc sách, người ta cần có thời gian suy ngẫm, phân tích, thêm cả ghi chép, điều này phù hợp nhất với hình thức đọc sách giấy. "Đọc báo có thể cho ta thông tin, nhưng đọc sách thì kiến thức mới có thể biến thành hiểu biết vì sâu rộng hơn, sách trui rèn khả năng tư duy, lập luận cho người đọc".
Nhớ lại những năm tháng trong quân ngũ tự học triết học Mác-Lênin, tác giả Dương Thành Truyền cho rằng chính trải nghiệm này đã cho ông "một chút lợi thế về khả năng lý luận so với bạn bè đồng trang lứa" và bổ trợ rất nhiều cho công việc viết báo, sáng tác về sau.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "Không có cuốn sách nào dành cho mọi người. Dẫu rằng có những tác phẩm thay đổi số phận của cả dân tộc như Quốc gia Do Thái hay làm mới góc nhìn của cả một thế hệ như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi… nhưng cuốn sách hay với mỗi người sẽ tùy vào sở thích, định hướng, nhu cầu học hỏi của người đó.
Ông chia sẻ rằng sách giấy, sách nói, sách điện tử và nhiều hình thức sách công nghệ cao cùng nhau tạo nên hệ sinh thái sách, nhưng không phải hình thức nào cũng giúp ta trau dồi tư duy được.
Sách nói phù hợp cho người bận rộn, đồng thời cũng là hình thức sinh động, nhưng phần nào cũng là một cách tiếp thu tương đối thụ động. Sách điện tử thường phù hợp hơn với các loại giáo trình, sách giáo khoa, có thể dễ dàng đánh dấu, trích dẫn, truy xuất… các nội dung cần thiết.
Món quà mang cả tương lai
Google từng đưa ra thống kê rằng có khoảng 140 triệu tựa sách từng được xuất bản. Một "mọt sách" đọc thường xuyên và liên tục, vị chi có thể đạt đến con số 6.000 cuốn sách trong đời, chẳng thấm tháp gì so với con số 140 triệu kia. "Vậy nên tìm chọn sách gì để đọc rất quan trọng, mỗi người sẽ có những cuốn sách 'thay đổi cuộc đời' mình mà ta phải tự tìm ra chứ chẳng thể phụ thuộc vào những danh sách do tờ báo này, do người kia người khác chia sẻ".
Nhà văn Dương Thành Truyền tâm niệm tìm được đúng những cuốn sách "dành cho mình", là khi người đọc cảm nhận được sự thay đổi căn cốt từ tận sâu bên trong, đánh dấu một cột mốc mới trên hành trình phát triển bản thân. Chẳng hạn, đọc một tác phẩm văn học kinh điển có thể khiến độc giả có thêm một góc nhìn, "mở miếng đeo che mắt con ngựa" nới rộng tầm nhìn, bớt đi cái bảo thủ, cố chấp, thành kiến đóng đô trong mình bấy lâu.
Ông chia sẻ để tìm được "những cuốn sách thay đổi cuộc đời" cần giao thoa ba tiêu chí: cuốn sách đề cập đến chủ đề mà người đọc có kiến thức cơ bản, nếu nằm ngoài hoặc vượt quá vốn hiểu biết dễ gây cảm giác hoang mang, mơ hồ, nản chí; sách tạo hứng thú mới mẻ, có những kiến thức, góc nhìn mới để phần nào tạo cảm giác thôi thúc, thách thức; và cuối cùng là sách đáp ứng được nhu cầu học tập, nghề nghiệp và phát triển bản thân của cá nhân người đọc. "Chỉ có tự thân bạn mới tìm ra được những cuốn sách ấy cho mình".
Từng đứng lớp "Đời thay đổi khi lời thay đổi", tác giả Dương Thành Truyền chia sẻ một "lợi ích" có được từ việc đọc sách bên cạnh việc thay đổi tư duy, chính là thay đổi cả ngôn từ, thay đổi cách ta giao tiếp, đối nhân xử thế, từ đó về lâu dài thay đổi cả cuộc đời ta.
Kết lại, ông mượn tựa sách Đọc sách - Món quà mang cả tương lai của TS Bác sĩ Vũ Phi Yên: sách chính là món quà mà nhà trường có thể trao cho học trò, cha mẹ có thể trao cho con cái và quan trọng nhất, là mỗi độc giả trao cho tương lai của chính mình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!