Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên Môi trường về chung tay giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, UBND Hà Nội vừa đề ra các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Theo đó, từ ngày 1/9, các đơn vị hành chính Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể của thành phố cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thủ tướng và các đại biểu đi bộ đồng hành tại hồ Hoàn Kiếm để cổ vũ, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa hồi tháng 6. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
UBND TP yêu cầu các đơn vị không dùng nước uống đóng chai nhựa (330 đến 500 ml), chuyển sang dùng bình nước lớn thể tích 20 lít hoặc các bình chứa bằng vật liệu khác thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các đơn vị không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, giảm tối đa việc sử dụng túi nylon trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại nơi làm việc. Các cơ quan, đơn vị phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị.
Sở Tài chính được yêu cầu không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần của cơ quan, đơn vị.
Trước đó, UBND Hà Nội đặt mục tiêu hết năm 2020 giảm 50% việc sử dụng túi nylon, bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và 100% tại siêu thị, trung tâm thương mại.
Thành phố đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường lên 60%, với 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 500 tấn rác thải nhựa, chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Các loại bao bì nylon, đồ sử dụng một lần, ống hút, chai, cốc nhựa dùng trong ăn uống, dịch vụ chiếm số lượng nhiều nhất.
Còn ở TP.HCM, từ năm 2020, Sở Tài chính cũng sẽ ngừng cấp kinh phí cho các cơ quan Nhà nước mua các sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh việc cắt giảm sử dụng đồ dùng bằng nhựa khó phân hủy, TP khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi có vật liệu thân thiện môi trường.
Theo các chuyên gia, năng lực quản lý và xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghệ xử lý tái chế lạc hậu, việc thu gom, phân loại rác còn nhiều vấn đề. Đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi phân hủy từ tinh bột, hoặc túi, ống hút, găng tay, cốc giấy phân hủy sinh học nhưng số lượng chưa nhiều.