Một phiên tòa xử ly hôn. Ảnh minh họa: Tạp chí Tòa án. |
Nội dung trên được đề cập tại Nghị quyết 01/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình, có hiệu lực thi hành từ 1/7.
Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể về trường hợp người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo nghị quyết, chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con.
"Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi", Nghị quyết 01/2024 nêu rõ.
Hướng dẫn này có thể hiểu dù người phụ nữ đó ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ một vợ một chồng dẫn tới với có thai với người đàn ông khác thì người chồng cũng không có quyền ly hôn khi người vợ của mình đang mang thai, sinh con, nuôi con không phải của người chồng hợp pháp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 01/2024 còn có quy định xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Cụ thể, chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Với quy định này, khi nhờ mang thai hộ thì chồng của người mang thai hộ và chồng của người nhờ mang thai hộ đều không có quyền ly hôn với vợ của mình khi người phụ nữ mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, "Đang có thai" là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
"Sinh con" là thuộc một trong các trường hợp: Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi; Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con; Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.