Theo nguồn tin của South China Morning Post, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Arghentina.
Nguồn tin giấu tên tiết lộ thời gian ban đầu được ấn định vào 29/11, một ngày trước khi hội nghị chính thức khai mạc.
Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong gần một năm qua và có thể là tín hiệu cho thấy Washington và Bắc Kinh sẵn sàng xuống thang căng thẳng thương mại.
Các nguồn tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP. |
Hôm 19/10, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người phụ trách về kinh tế của ông Tập Cận Bình, cho biết Bắc Kinh và Washington “đang liên lạc với nhau”.
Phát ngôn của ông Lưu được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng củng cố niềm tin của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán và nền kinh tế nước này. Theo ông, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với chứng khoán Trung Quốc thuộc về vấn đề “tâm lý hơn là có thực”.
Hiện Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa tiết lộ cụ thể về lịch trình của hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ hội nghị G20.
Chuyên gia Derek Scissors tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, có khuynh hướng bảo thủ và liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump ở Washington, nhận định hai nhà lãnh đạo “sẽ gặp mặt trừ khi một chuyện gì đó xảy ra”.
Theo ông, Mỹ và Trung Quốc “đang cố gắng đạt được một khung quy tắc sau cuộc gặp”. Dù chưa rõ về độ toàn diện của bộ khung, nhưng một thỏa thuận ngắn hạn có thể sẽ được hoàn tất trong vài tháng.
Tuy nhiên, ông dự báo thay đổi có thể xảy ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ. “Tôi không nghĩ Mỹ có thể hứa không có động thái chống Trung Quốc trước cuộc bầu cử. Tôi nghĩ không ai tin điều đó”, chuyên gia nói.
Tổng thống Trump gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AFP. |
Thông tin về cuộc gặp rộ lên trong lúc Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng về một loạt vấn đề như chiến tranh thương mại, Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương và cáo buộc gián điệp.
Zhao Quansheng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Mỹ ở Washington, nhận định Tổng thống Trump cần một cơ hội để “tuyên bố chiến thắng” với người dân Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ cảm thấy dễ dàng thỏa hiệp về thương mại hơn là trong các vấn đề nhạy cảm khác, ví dụ như Đài Loan.
“Nếu tiếp tục chọc giận Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Mỹ có thể sẽ vượt quá giới hạn cuối cùng của Bắc Kinh và điều này có thể dẫn đến một cuộc đụng độ thực sự”, ông nói.
Trong khi các cuộc đàm phán chính thức giữa hai nước còn đang bế tắc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ không hạ giá Nhân dân tệ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Ngược lại, Bộ Tài chính Mỹ đã hạn chế cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Hải quân Mỹ gia tăng hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương, đáp trả lại chính sách hung hăng của Trung Quốc. Ảnh: Hải An. |
He Weiwen, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần “tạo điều kiện” để cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong khuôn khổ hội nghị G20. Theo ông, trong viễn cảnh lạc quan nhất, “hai bên sẽ kiềm chế các biện pháp trừng phạt mới trước thềm hội nghị” để cuộc gặp được suôn sẻ.
Một quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ thời điểm gặp mặt dự kiến là phù hợp cho cả hai nhà lãnh đạo bởi cuối tháng 11 là lúc hai bên đã giải quyết xong các chương trình nghị sự trong nước. Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ diễn ra vào ngày 6/11, còn các sự kiện kỷ niêm 40 năm Trung Quốc đổi mới và mở cửa được lên kế hoạch trong những tuần sau đó.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires sẽ là sự kiện đa phương cuối cùng trong năm mà có sự góp mặt của cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, Nhà Trắng đã thông báo ông Trump sẽ không tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào ngày 17-18/11.