Ông Trump nói ông chỉ vừa mới biết về hai công dân Mỹ bị bắt giữ. Venezuela cáo buộc hai người Mỹ này là lính đánh thuê, trong chiến dịch ám sát Tổng thống Nicolas Maduro "do Colombia và Mỹ đứng sau".
“Dù sự tình thế nào, chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn”, ông Trump nói với các phóng viên ở Washington, trước khi rời Nhà Trắng để tới bang Arizona. “Nhưng không liên quan gì đến chính phủ chúng tôi”.
Tổng thống Trump ngày 5/5 nói chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ đổ bộ bờ biển Venezuela. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Maduro cáo buộc “chính phủ Mỹ hoàn toàn có liên quan đến cuộc xâm lược thất bại này”, đồng thời khen ngợi các ngư dân một làng chài đã bao vây, giúp bắt giữ “những lính đánh thuê chuyên nghiệp của Mỹ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng nhắc lại khẳng định của ông Trump sau đó, cho biết “chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ việc ở Venezuela những ngày trước”.
Chính quyền Venezuela nêu danh tính hai người Mỹ bị bắt là các cựu đặc nhiệm của Mỹ Airan Berry và Luke Denman, cáo buộc hai người này hợp tác với một cựu đặc nhiệm Mỹ khác, Jordan Goudreau, là chủ công ty an ninh Silvercorp USA trụ sở tại bang Florida, Mỹ.
Phía Venezuela cho biết 8 người thiệt mạng sau khi cuộc đổ bộ bị đánh bại, và hàng chục người khác bị bắt, thu giữ thiết bị. Hai cựu đặc nhiệm Mỹ bị bắt vào ngày 4/5, cách nơi diễn ra vụ đổ bộ hàng chục km, theo Al Jazeera.
Ông Goudreau đã nhận trách nhiệm cuộc đổ bộ và xác nhận Berry và Denman là người của mình. Ông nói mục đích của chiến dịch là bắt giữ, không phải ám sát ông Maduro.
“Họ điên rồ đến mức kinh ngạc”, Mike Vigil, cựu quan chức phụ trách chiến dịch quốc tế của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), bình luận với Al Jazeera. “Họ bước ngay vào miệng cọp, còn chưa nghiên cứu tiềm lực của quân đội Venezuela. Không đời nào chính phủ Mỹ lại ủng hộ một cuộc đổ bộ như vậy”.
Lính Venezuela bịt mặt đang áp giải một nghi phạm từ một trực thăng, liên quan đến cuộc đổ bộ sáng 3/5. Ảnh: Chính phủ Venezuela/Reuters. |
Ông Goudreau, một cựu đặc nhiệm Mũ nồi Xanh (Green Beret) của Lục quân Mỹ, cũng cáo buộc lãnh đạo đối lập Juan Guaido không trả tiền cho ông như trong một hợp đồng, và cuộc đổ bộ trở nên thiếu thốn tài chính.
Nhưng ông Guaido, người được hơn 50 quốc gia công nhận là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2018, bác bỏ nghi vấn ông đã thuê ông Goudreau. Ông cho biết “không có quan hệ gì và không có trách nhiệm gì đối với các hành động của Silvercorp”.
Sau cuộc bầu cử tranh cãi năm 2018, Mỹ cáo buộc phe Tổng thống Maduro gian lận bầu cử và áp đặt lệnh cấm vận kinh tế nặng nề lên Caracas, nhằm buộc ông Maduro rời bỏ chức tổng thống.
Tổng thống Maduro vẫn giữ được sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga và hầu hết cơ quan nhà nước cũng như quân đội Venezuela. Những năm qua dưới quyền ông Maduro, Venezuela đã lún sâu vào khủng hoảng. Dịch vụ công yếu kém, như nước sạch, điện và chăm sóc y tế, đã khiến gần 5 triệu người rời bỏ đất nước.