"Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ chiến đấu trong Thế chiến III. Chúng ta sẽ đi tới và bảo vệ họ bằng mạng sống và của cải của mình", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn trên Fox Business.
"Chúng ta sẽ chiến đấu bằng mọi giá, phải không? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không cần phải giúp đỡ chúng ta. Họ có thể xem cuộc tấn công trên tivi Sony. Vì vậy, có một chút khác biệt, ok?", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 24/6. Ảnh: Reuters. |
Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho biết ông Trump đã bày tỏ suy nghĩ về việc rút khỏi thỏa thuận quốc phòng, mặc dù ông không đi xa đến mức đe dọa sẽ hủy bỏ hiệp ước vào ngày 26/6. Rút khỏi hiệp ước sẽ có tác động toàn cầu và có khả năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Những bình luận của ông Trump phù hợp với tầm nhìn chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông, trong đó các nghĩa vụ quốc tế thường bị hoài nghi. Trước những bình luận về Nhật Bản, ông Trump đã đưa ra những gì ông gọi là "tuyên bố chung".
"Hầu như tất cả các nước trên thế giới này đều tận dụng lợi thế to lớn của Mỹ. Thật không thể tin được", ông nói.
Thỏa thuận quốc phòng được ký kết sau Thế chiến II là một yếu tố của trật tự thế giới được xây dựng trong nửa sau thế kỷ 20. Nó yêu cầu Mỹ đến bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quốc đảo này bị tấn công và cho phép Mỹ đóng quân tại các căn cứ quân sự ở nước này.
Hiệp ước quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản được ký kết lần đầu tiên vào năm 1951 cùng với Hiệp ước San Francisco chính thức kết thúc Thế chiến II. Hiệp ước quốc phòng được sửa đổi vào năm 1960 trao cho Mỹ quyền đặt căn cứ quân sự ở Nhật Bản để đổi lấy lời hứa rằng Mỹ sẽ bảo vệ quốc đảo này nếu nó bị tấn công.
Tổng thống Mỹ thường xuyên phàn nàn rằng các đồng minh nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự không trả đủ tiền cho những gì ông coi là đặc quyền và ông có thể tìm cách đàm phán một hiệp ước mới hoặc sửa đổi, đòi hỏi phải có thêm sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản cho sự hiện diện quân sự của Mỹ.