Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump muốn hệ thống phòng thủ kiểu 'Chiến tranh giữa các vì sao'

Tổng thống Donald Trump muốn xây dựng hệ thống cảm biến trong không gian để phát hiện và theo dõi tên lửa đối phương, hồi sinh sáng kiến phòng thủ tên lửa của những năm 1980.

Chiến lược phòng thủ tên lửa mới dự kiến được Tổng thống Donald Trump công bố vào hôm nay, Reuters cho biết. Chiến lược mới có thể triển khai hệ thống cảm biến mới trong không gian để tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi tên lửa đối phương.

Bản đánh giá phòng thủ tên lửa, được thực hiện theo hướng dẫn của tổng thống và bộ trưởng quốc phòng, khuyến nghị nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ triển vọng về vũ khí không gian có thể bắn hạ tên lửa đối phương. Đây có thể coi là sự trở lại của sáng kiến "Chiến tranh giữa các vì sao" do cựu Tổng thống Ronald Reagan đề xuất vào những năm 1980.

“Không gian, tôi nghĩ rằng nó là chìa khóa cho bước tiếp theo của phòng thủ tên lửa. Hệ thống cảm biến trong không gian là thứ mà chúng tôi đang tìm kiếm, giúp cảnh báo sớm, theo dõi và phân loại tên lửa ngay khi chúng được phóng lên”, một quan chức cấp cao trong chính quyền nói với các phóng viên, trước khi đánh giá phòng thủ tên lửa được công bố vào ngày 17/1.

Phong thu ten lua My anh 1
Tổng thống Trump muốn xây dựng hệ thống cảm biến trong không gian để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa. Đồ họa: Lockheed Martin.

Vị quan chức giấu tên nhấn mạnh khả năng tồn tại của vũ khí phòng thủ tên lửa trên không gian chỉ được nghiên cứu và không có quyết định nào được đưa ra. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường số lượng tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất tại căn cứ Fort Greely, Alaska từ 44 lên 64.

Các quan chức quân đội từ lâu đã nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chủ yếu được thiết kế để chống lại tấn công từ các quốc gia có kho vũ khí hạn chế như Triều Tiên. Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ quá ít để có thể chống lại cuộc tấn công từ các cường quốc như Nga, Trung Quốc.

Kế hoạch phòng thủ tên lửa mới được công bố vào thời điểm khá nhạy cảm. Mỹ - Trung đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại căng thẳng. Quan hệ với Nga đang ở thời điểm rất xấu và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Phong thu ten lua My anh 2
Tên lửa đánh chặn của Mỹ rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ.

3 quan chức Triều Tiên đã bay tới Washington để thảo luận về thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một phần trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nga xem những tiến bộ trong phòng thủ tên lửa của Mỹ là mối đe dọa. Bản kế hoạch mới của Tổng thống Trump có thể khoét sâu thêm căng thẳng với Moscow. Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển các phương tiện bay siêu thanh để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong một báo cáo vào đầu tuần, Lầu Năm Góc đã chỉ ra mối đe dọa từ phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc và cảnh báo Bắc Kinh đang sắp hoàn thành một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới. Báo cáo nói rằng Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực.

Các quan chức Mỹ tin rằng hệ thống cảm biến trong không gian có thể phát hiện sự di chuyển của các phương tiện bay siêu thanh, giúp nâng cao khả năng cảnh báo sớm để đưa ra biện pháp đối phó.

Tên lửa 10 triệu USD ở Hawaii bắn trượt mục tiêu đánh chặn

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis lên bờ của Mỹ ở Hawaii đã không thể đánh chặn được mục tiêu mô phỏng trong lần thử nghiệm mới đây.

Bên trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để đối phó Triều Tiên

Các nhân viên tại căn cứ phòng thủ tên lửa Fort Greely, Alaska, tự tin sẽ phá hủy tên lửa Triều Tiên phóng về Mỹ dù tỷ lệ thành công trong các thử nghiệm chỉ 60%.



Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm