Tổng thống Trump đang có cuộc chiến với Twitter sau khi mạng xã hội này đặt dưới hai tweet sai sự thật của ông Trump cảnh báo đề nghị người xem hãy “Đọc sự thật”, hướng người dùng đến thông tin từ các nguồn báo chí uy tín.
Theo AP, ông Trump tuyên bố sắc lệnh trên một cách đình đám, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng bước đi này chỉ chủ yếu mang tính chính trị, nhằm thể hiện trong mắt các cử tri trung thành, thay vì đi vào thực chất.
Cụ thể, sắc lệnh của ông Trump yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên các mạng xã hội. Là các “nền tảng”, các công ty như Twitter và Facebook vốn được luật pháp bảo vệ, sẽ không thể bị kiện về nội dung được đăng tải lên đó như các “nhà xuất bản nội dung”.
Nhưng các chuyên gia cho rằng ông Trump khó thay đổi điều này nếu chưa có sự chấp thuận của Quốc hội.
Tổng thống Trump phát biểu trước khi ký sắc lệnh ngày 28/5. Ảnh: AP. |
Trước đây, chính quyền ông Trump cũng cân nhắc sắc lệnh tương tự, nhưng phải gác lại vì lo ngại sẽ không đủ cơ sở pháp lý, đồng thời cũng trái với quan niệm của các cử tri bảo thủ ủng hộ ông, là luôn muốn bớt quy định hơn, thêm quyền tự do.
Hai tweet của ông Trump bị Twitter đặt cảnh báo kèm theo là các tweet nói về bầu cử qua thư, trong đó ông Trump gọi việc bầu cử qua thư là “gian lận”, và nói “lá phiếu bầu qua thư sẽ bị đánh cắp”, mà không có bằng chứng. Bên dưới tweet, có đường dẫn ghi “Đọc sự thật về bỏ phiếu qua thư”, dẫn người dùng đến các trang báo uy tín, đã được kiểm chứng.
Tổng thống Trump cáo buộc Twitter can thiệp bầu cử, nhưng CEO của Twitter Jack Dorsey nói “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra thông tin sai hoặc tranh cãi về bầu cử trên toàn cầu”.
Đề xuất của ông Trump có nhiều vấn đề pháp lý nghiêm trọng và khó vượt qua được những sự phản đối, theo Matt Schruers, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông, tổ chức ở Washington đại diện cho các công ty máy tính và Internet.
Sắc lệnh cũng là đòn nhắm đến chính nền tảng đã giúp ông Trump trực tiếp “phóng đại” các thông điệp của mình mà không cần qua trung gian, và có thêm nhiều fan trung thành. Trên Twitter, ông Trump đang có 80 triệu người theo dõi.
Chính do thành công, lợi thế trên mạng xã hội như vậy, sắc lệnh của ông Trump có thể chỉ là chính trị thay vì ý định thực sự muốn thắt chặt quy định, theo giáo sư truyền thông John Pavlik tại Đại học Rutgers.
Ông cho biết tổng thống đang cố dọa nạt các nền tảng, nhằm định hướng luồng thông tin online về bầu cử 2020, đồng thời “kích động khối cử tri của mình”.