Sau rất nhiều trông đợi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cuối cùng cũng có chung tiếng nói về một vấn đề an ninh quốc gia quan trọng.
Tuy nhiên, ông Trump đã đánh úp tất cả bằng lời đe dọa đánh Triều Tiên bằng "lửa và sự giận dữ mà thế giới chưa từng thấy" nếu Bình Nhưỡng lại khiêu khích nước Mỹ.
Bằng tuyên bố đổ "thêm dầu" trong tình hình vốn đã căng thẳng, ông Trump có lẽ đang hủy hoại nốt hy vọng nghiêm túc duy nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên: hợp tác thành công với Trung Quốc.
Chiến lược hai bước
Chiến lược của ông Trump dựa trên hai bước đi ngoại giao nhạy cảm: tăng áp lực lên Trung Quốc với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sử dụng sức ảnh hưởng để bắt Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Trump từng rất thất vọng trước sự ngoan cố của Trung Quốc nhưng rồi đã có những dấu hiệu cho thấy cuối cùng Bắc Kinh cũng đồng lòng với Mỹ, bao gồm việc bỏ phiếu ủng hộ lệnh trừng phạt mạnh tay nhất của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua.
Người dân Hàn Quốc theo dõi một bản tin về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Nhìn bên ngoài, động thái của ông Trump dường như phù hợp với một mô hình trong đó chính ông trở thành trở ngại lớn nhất ngăn cản ông đạt được mục tiêu.
Đôi khi ông phơi bày sự chia rẽ trong chính quyền của mình để những người khác có thể khai thác. Thỉnh thoảng, vị tổng thống đưa ra những quan điểm không được ủng hộ đến nỗi các đối tác không thể làm việc với ông. Trong những trường hợp khác, ông đã trực tiếp đánh vào những nghi ngờ tồi tệ nhất của người chỉ trích ông.
Triều Tiên bị tổn hại bởi động thái bất ngờ mới nhất của ông
Khuynh hướng đó đã được thể hiện lặp đi lặp lại, bao gồm việc ông Trump sa thải giám đốc FBI - người điều tra nghi vấn chiến dịch của ông cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, những bình luận của ông về việc "cấm người Hồi giáo" khiến sắc lệnh hành pháp về di trú bị nhấn chìm tại tòa án và việc ông đứng về phía Saudi Arabia trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh trong khi chính quyền tại Washington cố gắng làm trung gian hòa giải.
Với Triều Tiên, đó là triển vọng đang nảy nở cho hợp tác mà ông tìm kiếm từ Bắc Kinh, nay đã bị tổn hại bởi động thái bất ngờ mới nhất của ông.
Những tháng gần đây, Tổng thống Trump đã rất thất vọng bởi sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên nên ông đã cố tình cho Bắc Kinh biết ông đang xem xét các chính sách trừng phạt thương mại mới. Bộ Tài chính Mỹ thậm chí đã chuẩn bị "các biện pháp trừng phạt thứ cấp" chưa từng có tiền lệ nhằm vào các công ty và các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, ông Trump đã đồng ý hoãn lại các kế hoạch trên sau khi Trung Quốc, với lá phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho thấy dấu hiệu rằng cuối cùng nước này cũng đi theo hướng mà ông mong muốn.
Vì vậy, khi ông Trump xuất hiện vào cuối ngày 8/8 đe dọa tấn công Triều Tiên bằng vũ lực không chỉ Washington cảm thấy choáng váng.
Mất đi lá bài Trung Quốc
"Đối với việc lãnh đạo của cường quốc hàng đầu thế giới nói về khả năng hủy diệt một quốc gia khác bằng sức mạnh chưa từng thấy trước đây thì không chỉ nhận về phản ứng từ Bình Nhưỡng mà còn từ Bắc Kinh và châu Âu", ông Jeffrey Bader, cố vấn hàng đầu về các vấn đề châu Á thời Tổng thống Barack Obama, hiện điều hành chương trình Trung Quốc của Viện nghiên cứu Brooking, nhận định. "Việc đó không giúp được gì cho những lợi ích của chúng ta".
Ngay cả trước khi ông Trump đưa ra lời đe dọa, các quan chức Mỹ đã lo ngại rằng Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên một cách "đối phó". Do đó, chính quyền Trump thông báo đến Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã ở châu Á, gây sức ép buộc các láng giềng khác của Triều Tiên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Ông cũng đưa ra cho Bình Nhưỡng một lối thoát: chấm dứt các vụ thử tên lửa và Mỹ sẽ trở lại bàn đàm phán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump trong cuộc gặp tại Florida hồi tháng 4. Ảnh: Getty. |
Song với lời đe dọa của ông Trump, việc Trung Quốc - xương sống kinh tế của Triều Tiên - có còn cảm thấy buộc phải trừng phạt Bình Nhưỡng về kinh tế nữa hay không là điều chưa rõ ràng khi đây là chuyện mà Trung Quốc cho rằng rốt cuộc vẫn trái với các lợi ích của họ. Các biện pháp trừng phạt hướng đến việc cắt giảm một phần ba lượng xuất khẩu của Triều Tiên, khiến nước này không còn tiền để chi cho các chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo.
Trung Quốc có thể xem tuyên bố kiểu "ngày tận thế" của ông Trump là bằng chứng cho thấy ông không thực sự quan tâm đến giải pháp ngoại giao có thể giúp duy trì lợi ích số 1 của Bắc Kinh: sự ổn định của láng giềng. Nếu không có sự hợp tác của Bắc Kinh, việc trừng phạt sẽ không thể mang đến hiệu quả đáng kể.
Vậy điều gì thúc đẩy ông Trump lật ngược thế cân bằng về Triều Tiên một cách đột ngột như vậy? Và tại sao lại là bây giờ?
Trung Quốc xem tuyên bố kiểu "ngày tận thế" của ông Trump cho thấy ông không thực sự quan tâm đến giải pháp ngoại giao
Gáo nước lạnh
Một nguyên nhân có thể là tin tức về một đánh giá mới của quân đội Mỹ cho rằng Triều Tiên đã làm chủ được khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào một trong những tên lửa tầm xa - một bước quan trọng để có thể tiến tới tấn công Mỹ. Một lý do khác có thể là lời đe dọa trả đũa "gấp nghìn lần" của Bình Nhưỡng đối với lệnh trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc.
Theo các quan chức hiểu về diễn biến, lời đe dọa của Trump đã dội gáo nước lạnh vào Ngoại trưởng Tillerson khi ông đang ở châu Á. Và tuy lời cảnh cáo về "lửa và sự giận dữ" dường như đã được hoạch định trước, những trợ lý của vị tổng thống nhấn mạnh rằng họ đã thảo luận với ông về giọng điệu ông sẽ thể hiện khi được hỏi về Triều Tiên, nhưng họ không biết chính xác ông sẽ nói thế nào.
Quân đội Triều Tiên không lâu sau đó đã đưa ra lời cảnh báo đe dọa về tấn công đảo Guam. Báo động bắt đầu lan rộng. Tillerson, đang trên đường trở về từ châu Á, đã nói chuyện qua điện thoại với ông Trump khoảng một giờ đồng hồ, trước khi bắt tay vào xoa dịu tình hình bằng cách nói với các phóng viên trên máy bay rằng người Mỹ nên "kê gối ngủ ngon" nếu biết tình hình không có gì thay đổi và không có "bất kỳ mối đe dọa sắp xảy ra".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (đứng) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (ngồi) tại cuộc gặp các bộ trưởng ngoại giao của Diễn đàn Đông Á ở Philippines hôm 7/8. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, ông Trump nhanh chóng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn với những dòng tweet khoe khoang kho vũ khí hạt nhân của Mỹ mà ông cho rằng không có nước nào là đối thủ. Các quan chức vội vàng tìm cách cho thấy ông Trump không xử lý vấn đề an ninh quốc gia một cách hấp tấp.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã cảnh báo Triều Tiên trước "những hành động dẫn tới sự chấm dứt chế độ và sự tàn phá dân tộc". Và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định "tất cả chúng ta đều hát bài hát trong cùng một cuốn thánh ca".
"Chúng ta đã thấy rất nhiều thông điệp", cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bill Richardson, người từng tới Triều Tiên vài lần, nói. "Chúng ta đã có những thông điệp ngoại giao từ ngoại trưởng Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia, đại sứ Mỹ tại LHQ, họ dường như đưa ra những thông điệp khác nhau, hiếu chiến hơn. Tấn công quân sự phủ đầu. Chúng ta cần phải hạ nhiệt và có lý trí vì đây là một tình huống rất nghiêm trọng".