Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 10/9 xác nhận chính phủ Mỹ đã bắt đầu quá trình phối hợp tổ chức cuộc thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Bà xác nhận ông Kim đã gửi cho tổng thống Mỹ một lá thư "rất ấm áp và tích cực". Theo bà Sanders, lá thư là bằng chứng cho thấy tiến triển trong quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nữ thư ký báo chí Nhà Trắng cũng ghi nhận việc Triều Tiên không diễu hành tên lửa hạt nhân trong sự kiện kỷ niệm 70 năm quốc khánh ngày 9/9 vừa qua.
Bà cho biết Nhà Trắng không công bố nội dung lá thư mà không có sự đồng ý của ông Kim Jong Un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc thượng đỉnh vào tháng 6 tại Singapore. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Trump tuần qua cũng bày tỏ thái độ lạc quan về tương lai của đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Viết trên mạng xã hội Twitter, ông nhiều lần cảm ơn niềm tin của nhà lãnh đạo Triều Tiên và những quyết định điều chỉnh chương trình diễu binh hôm 9/9 tập trung vào kinh tế.
"Cảm ơn Chủ tịch Kim. Chúng ta sẽ cùng chứng tỏ những người khác đã sai. Không gì tốt hơn sự đối thoại hiệu quả giữa hai người có thiện chí với nhau. (Tình hình) tốt hơn nhiều so với trước khi tôi nhậm chức", tổng thống Mỹ viết trên Twitter.
Nhà Trắng luôn tuyên bố thượng đỉnh tháng 6 tại Singapore giữa lãnh đạo 2 nước là một thắng lợi và bước tiến lớn hướng đến phi hạt nhân hóa.
Tại cuộc gặp, ông Kim Jong Un đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo yêu cầu của Washington là “hoàn toàn, có thể xác minh”.
Tuy nhiên, những đàm phán song phương trên thực tế đã rơi vào bế tắc trong thời gian qua.
Tháng trước, Tổng thống Trump còn hoãn chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Triều Tiên khi cho rằng các bên chưa đạt được tiến triển đáng kể trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Cuộc duyệt binh mừng quốc khánh của Triều Tiên không có sự tham gia của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: AFP. |
Lễ duyệt binh quân đội hôm 9/9 là lễ duyệt binh đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6. Tuy nhiên, những tên lửa mạnh nhất được trình diễn là thiết bị chiến đấu tầm ngắn.
Các chuyên gia nhận định quyết định bỏ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khỏi cuộc duyệt binh của Bình Nhưỡng có thể sẽ đưa đến một chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên hoặc thậm chí là một hội nghị thượng đỉnh nữa với Tổng thống Mỹ Donald Trump.