“Đây là lời tuyên bố lớn và rất tích cực từ phía Triều Tiên. Cảm ơn Chủ tịch Kim. Cả hai chúng ta sẽ chứng minh mọi người đều sai! Không có gì được như một cuộc đối thoại tốt đẹp giữa hai người yêu mến nhau! Tốt hơn nhiều so với trước khi tôi nhậm chức”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter ngày 9/9.
Trong dòng “tweet”, Tổng thống Trump nhắc tới lời nhận định của các chuyên gia rằng tên lửa không tham gia duyệt binh để ông Trump thấy được cam kết của Triều Tiên với phi hạt nhân hóa.
“Triều Tiên vừa có lễ duyệt binh mừng quốc khánh 70 năm, không có màn trình diễn của tên lửa hạt nhân như thường lệ. Chủ đề là hòa bình và phát triển kinh tế”, tổng thống Mỹ “tweet”.
Binh lính Triều Tiên diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh ngày 9/9. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, hôm 7/9, Tổng thống Trump nói rằng ông đang mong đợi một lá thư từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Từ lúc đó, ông Trump dường như thể hiện sự lạc quan hơn đối với quan hệ song phương.
Hồi tháng 6, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều từng có cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, phá vỡ căng thẳng kéo dài nhiều tháng về các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong Un đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo yêu cầu của Washington là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh”.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp trên, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, Mỹ và Triều Tiên không đạt được bước tiến nổi bật hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tháng trước, Tổng thống Trump thậm chí đột ngột hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với lý do hai bên "chưa đạt được tiến trình cần thiết" về phi hạt nhân hóa.
Lễ duyệt binh quân đội hôm 9/9 là lễ duyệt binh đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6 và lớn hơn lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên hồi tháng 2, theo nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc. Tuy nhiên, những tên lửa mạnh nhất được trình diễn là thiết bị chiến đấu tầm ngắn.
Cuộc duyệt binh mừng quốc khánh của Triều Tiên không có sự tham gia của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: . |
Các chuyên gia nhận định quyết định bỏ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khỏi cuộc duyệt binh của Bình Nhưỡng có thể sẽ đưa đến một chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên hoặc thậm chí là một hội nghị thượng đỉnh nữa với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, họ cảnh báo việc này sẽ không khiến Mỹ giảm bớt sự giám sát đối với các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa đưa tin tại cuộc trao đổi với ông Kim hôm 9/9, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư nhấn mạnh sự cần thiết của việc Triều Tiên và Mỹ “thực thi hoàn toàn cam kết để đạt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa”.
Ông Lật Chiến Thư, người quyền lực thứ 3 trong Bộ Chính trị, đảng Cộng sản Trung Quốc, ở Bình Nhưỡng để dự lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên.
Đáp lại, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết Triều Tiên đã có những động thái hướng tới phi hạt nhân hóa và mong muốn “phía Mỹ cũng có những biện pháp đổi lại để giải quyết các vấn đề bán đảo Triều Tiên theo con đường ngoại giao”.
“Tôi cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của Trung Quốc”, CCTV dẫn lời ông Kim.
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay mặt đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện mừng quốc khánh 70 năm của Triều Tiên và thể hiện mong muốn phối hợp chặt chẽ với ông Kim Jong Un để thúc đẩy “quan hệ Trung - Triều phát triển lâu dài, vững mạnh và ổn định”.