"Giải pháp dễ dàng cho tôi là ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tôi hoàn toàn có quyền và có thể nhanh chóng làm điều ấy. Nhưng tôi sẽ không làm điều đó vội, bởi đó là việc của quốc hội", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một sự kiện về an ninh biên giới tại Nhà Trắng hôm 11/1.
Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã phải làm việc không lương kể từ hôm 22/12, khi một phần chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Nguyên do là bất đồng giữa ông Trump và đảng Dân chủ về khoản dự chi 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới khiến ngân sách hoạt động của chính phủ không được thông qua tại quốc hội.
Tổng thống Trump và cảnh sát trưởng Texas trong cuộc họp về an ninh biên giới hôm 11/1. Ảnh: AFP. |
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép Nhà Trắng sử dụng ngân sách từ các chương trình khác để bù đắp vào kinh phí xây bức tường biên giới với Mexico còn thiếu, qua đó Tổng thống Trump có thể ký luật ngân sách chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ.
Các dự án bị ảnh hưởng nếu tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố gồm hoạt động kiểm soát lũ lụt tại California hay chương trình tái thiết Puerto Rico sau siêu bão Maria năm 2017. Việc khắc phục hậu quả của cháy rừng tại California cũng có thể bị cắt ngân sách.
Tuy nhiên, phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ yêu cầu tòa án ngăn cản bước đi này của Nhà Trắng. Về phía đảng Cộng hòa, nhiều nghị sĩ cho rằng việc Tổng thống Trump kích hoạt tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về việc Nhà Trắng qua mặt quốc hội.
Tổng thống Trump thăm đội tuần tra biên giới tại Texas hôm 10/1. Ảnh: Reuters. |
Nếu không có gì thay đổi, ngày 12/1 sẽ đánh dấu vụ đóng cửa chính phủ Mỹ lâu nhất trong lịch sử. Tác động tiêu cực từ bế tắc lập pháp tại Washington đã bắt đầu ảnh hưởng rõ nét tới đời sống người dân Mỹ.
Sân bay quốc tế Miami tại bang Florida cho biết sẽ đóng cửa một trong số các nhà ga trong vài ngày tới do thiếu nhân viên kiểm tra an ninh.
Hôm 11/1, một nghiệp đoàn đại diện cho hàng nghìn nhân viên kiểm soát không lưu đã khởi kiện Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ vì không trả lương cho người lao động. Đây là vụ kiện thứ ba của các nghiệp đoàn kể từ khi chính phủ Mỹ đóng cửa hôm 22/12.
Một số người thuộc diện "ăn lương nhà nước" đã phải bán tài sản cá nhân hoặc đăng quảng cáo xin trợ giúp tài chính để chi trả hóa đơn trong tình trạng không được chính phủ trả lương.