Theo CNN, ông Trump nói điều này với các nhân viên của phái đoàn đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc ở New York và không phải ai cũng phản đối.
Lá thư tố cáo Trump xuất hiện sáng 26/9 đã cáo buộc ông lạm quyền để lôi kéo sự can thiệp của Ukraine vào cuộc bầu cử năm 2020. Nhà Trắng đã cố che đậy điều này, theo CNN.
Người tố cáo nói rằng Nhà Trắng đã phong tỏa các bản đánh máy nội dung cuộc gọi của ông Trump trong một hệ thống mã hóa bằng máy tính mà theo người này là vì mục đích chính trị chứ không phải để bảo mật các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Quyền giám đốc Tình báo Quốc gia, ông Joseph Maguire phải điều trần trước quốc hội về lá thư của người tố cáo. Ông Maguire đang phải nhận sự soi xét kỹ càng vì không có hành động nào sau khi đọc lá thư.
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty. |
Danh tính của người tố cáo vẫn chưa được công khai với lý do an toàn, theo ông Maguire. Thời gian diễn ra buổi điều trần cũng chưa được xác định. Bản tố cáo này đã được giải mật nhưng chưa công bố cho công chúng.
"Ông sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ người tố giác khỏi mọi âm mưu trả thù anh ta hay cô ta, đúng không?", nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi, bang Illinois, đặt câu hỏi cho ông Maguire.
"Tôi sẽ không để người tố giác phải chịu bất kỳ hành động trả thù hoặc hậu quả bất lợi nào. Tôi sẵn sàng cam kết với điều này", ông Maguire trả lời.
Đảng Dân chủ đã mở cuộc điều tra luận tội chính thức tổng thống.
Nhà Trắng hôm 26/9 đã công bố bản ghi lại nội dung cuộc điện đàm, cho thấy Tổng thống Trump nhiều lần thúc ép tổng thống Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai ông, Hunter Biden.
Một số quan chức Nhà Trắng đã "quan ngại sâu sắc" về cuộc điện đàm ngày 25/7 của tổng thống với người đồng cấp Ukraine.
Tổng thống Trump kiên quyết khẳng định ông không làm gì sai, đồng thời chỉ trích các thuyết âm mưu vô căn cứ nhắm vào ông.
Chưa có bằng chứng nào về việc làm sai trái của Joe Biden và con trai ông được đưa ra.