Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 24/9 tuyên bố cơ quan lập pháp Mỹ sẽ chính thức mở điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ bị cáo buộc gây sức ép để Ukraine điều tra đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020: cựu phó tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ.
Hiến pháp Mỹ cho phép Quốc hội phế truất tổng thống, buộc ông rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều này xảy ra trong trường hợp đa số nghị sĩ lần lượt tại Hạ viện và Thượng viện đồng ý tổng thống đã có các sai phạm thuộc các diện "phản quốc, hối lộ hoặc tội cấp cao và khinh tội".
Theo New York Times, "tội cấp cao và khinh tội" là khái niệm xuất phát từ hệ thống tư pháp của Anh. Tội danh này được Quốc hội Anh sử dụng trong nhiều thế kỷ để phế truất các quan chức hoàng gia. Khái niệm được dùng để chỉ hành vi lạm dụng quyền lực của quan chức cấp cao, không nhất thiết phải là sự vi phạm luật hình sự thông thường.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 24/9 tuyên bố khởi động điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Quy trình luận tội
Trong lịch sử Mỹ, mới có 2 tổng thống chính thức bị luận tội và đối diện xét xử tại Thượng viện là Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998-1999 với sai phạm thuộc diện "tội cấp cao và khinh tội".
Tuy nhiên, cả hai người đều được xử vô tội và được hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ. Tổng thống Richard Nixon bị điều tra luận tội vào năm 1974 và Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua các mục luận tội. Ông tuyên bố từ chức vào tháng 8 trước khi quá trình xét xử bắt đầu, qua đó tránh bị luận tội chính thức.
Trong hai trường hợp luận tội của Nixon và Clinton, Ủy ban Tư pháp Hạ viện là cơ quan tiến hành điều tra luận tội và đề xuất các mục luận tội cho toàn thể Hạ viện. Tuy nhiên, về lý thuyết, Hạ viện có quyền lập ra một ủy ban đặc biệt để thực thi quá trình hoặc tổ chức bỏ phiếu toàn thể về các mục luận tội mà không cần ủy ban nào thẩm định trước.
Trong buổi bỏ phiếu toàn thể Hạ viện về các mục luận tội, chỉ cần ít nhất một mục nhận được sự ủng hộ đa số (trên 51% Hạ viện, tương đương 218/435 hạ nghị sĩ), tổng thống sẽ chính thức bị luận tội.
Quy trình luận tội Tổng thống Trump từ điều tra tại Hạ viện đến xét xử ở Thượng viện. Đồ họa: NYT. |
Bước tiếp theo thuộc trách nhiệm của Thượng viện. Cơ quan lập pháp này có sẽ tổ chức phiên tòa xét xử tổng thống theo các mục luận tội mà Hạ viện đưa ra. Phiên tòa được chủ trì bởi chánh án Tòa án Tối cao Mỹ.
Tại phiên tòa đặc biệt này, một nhóm nghị sĩ do Hạ viện chọn lựa sẽ đóng vai trò "công tố viên". Tổng thống sẽ có những luật sư biện hộ của riêng mình còn Thượng viện đóng vai trò "bồi thẩm đoàn", quyết định buộc tội tổng thống hay không bằng cách bỏ phiếu.
Nếu 2/3 thượng viện cho rằng tổng thống có tội, quyết định phế truất được thông qua và người kế nhiệm ghế lãnh đạo là phó tổng thống. Kết luận của thượng viện là phán quyết cuối cùng và không chấp nhận kháng cáo.
Thách thức của điều tra
Cách thức khởi động điều tra luận tội Tổng thống Trump đang là một vấn đề gây tranh cãi.
Trong hai cuộc điều tra luận tội đình đám những thập kỷ qua của Richard Nixon và Bill Clinton, Hạ viện phải bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định Ủy ban Tư pháp Hạ viện bắt đầu điều tra.
Có ý kiến cho rằng việc thông qua một nghị quyết tương tự lần này là không cần thiết. Một cuộc điều tra luận tội thẩm phán liên bang năm 1989 khởi động từ cấp ủy ban, không phải từ chỉ định của toàn thể Hạ viện.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện hiện đứng đầu bởi Jerold Nadler, hạ nghị sĩ Dân chủ từ New York. Cơ quan này hồi tháng 7 tuyên bố đã có các bước theo hướng điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng Hạ viện chưa có nghị quyết chính thức nên hoạt động của Ủy ban Tư pháp chỉ là giám sát định kỳ chứ không phải điều tra luận tội chính thức.
Trong tuyên bố ngày 24/9, bà Pelosi không đề cập ý định có tổ chức bỏ phiếu cho một nghị quyết như vậy tại Hạ viện hay không.
Tổng thống Trump nghe tin mình bị điều tra luận tội khi đang ở New York dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong trường hợp cuộc bỏ phiếu có diễn ra, khả năng nghị quyết được thông qua vẫn là dấu hỏi lớn. Số hạ nghị sĩ ủng hộ luận tội được ước tính là 203 người. Có 88 người phản đối, còn 144 người chưa có quyết định.
Theo Guardian, không có quy định nào cụ thể về thời hạn điều tra luận tội. Quá trình luận tội của Tổng thống Bill Clinton diễn ra nhanh chóng chỉ trong 3 tháng, nhưng đó là nhờ Ủy ban Tư pháp Hạ viện có được báo cáo điều tra trước đó của Công tố viên Độc lập Kenneth Starr. Cuộc điều tra của ông Starr kéo dài nhiều năm, xuất phát điểm là hoạt động tài chính của vợ chồng Clinton trước khi Bill Clinton đắc cử tổng thống.
Ông và đội ngũ phát hiện thêm nhiều vấn đề khác của ông Bill Clinton, trong đó có bê bối tình ái với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Vụ bê bối và những sai phạm liên quan dẫn đến việc luận tội Tổng thống Bill Clinton về hành vi bội thệ và cản trở công lý.
Thượng viện trở thành tòa án
Không có sẵn quy định về phiên xét xử luận tội/buộc tội tại Thượng viện Mỹ. Cơ quan lập pháp này phải thông qua từ trước một nghị quyết về quy trình xét xử.
Theo Gregory Craig, cựu luật sư biện hộ cho Tổng thống Bill Clinton, Thượng viện Mỹ vào năm 1999 phải tự vẽ ra quy trình cho việc xét xử luận tội. Các đại diện của đảng Cộng hòa từ Hạ viện có 4 ngày để trình bày cáo buộc, còn đội luật sư của ông Clinton có 4 ngày để biện hộ. Đây được xem là phần phát biểu mở đầu của hai bên. Thượng viện sau đó sẽ quyết định về việc nghe lời khai nhân chứng hay không, và lời khai được trình bày trực tiếp hay qua video.
Quy định riêng của Thượng viện trong phiên xét xử luận tội Tổng thống Bill Clinton đã giới hạn số nhân chứng và thời lượng video trình bày của nhân chứng. Điều này khiến đại diện Hạ viện của đảng Cộng hòa gặp nhiều khó khăn hơn so với một phiên tòa liên bang để trình bày luận tội đủ sức thuyết phục, theo cựu hạ nghị sĩ Bob Barr.
"Bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa hình sự bình thường không có quyền tự viết luật và quyết định họ muốn xem những bằng chứng nào", ông cho biết.
Phiên họp cuối cùng của Thượng viện Mỹ ngày 12/2/1999 để xét xử luận tội Tổng thống Bill Clinton. Kết quả bỏ phiếu kết luận ông Bill Clinton không có tội. Ảnh: Getty. |
Việc Thượng viện có tổ chức phiên xét xử hay không cũng là một dấu hỏi lớn. Hiến pháp Mỹ quy định nếu Hạ viện tổ chức luận tội một quan chức liên bang, bước tiếp theo là Thượng viện tổ chức phiên xét xử.
Tuy nhiên, không có cơ chế xử lý cụ thể nếu lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện, hiện là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của bang Kentucky, thẳng thừng từ chối tổ chức phiên xét xử. Ông từng làm điều tương tự vào năm 2016 dưới thời Tổng thống Barack Obama khi từ chối tổ chức điều trần phê duyệt đề cử thẩm phán tòa án tối cao.
Theo Walter Dellinger, từng là Tổng biện lý sự vụ (vị trí lớn thứ 4 trong Bộ Tư pháp Mỹ) dưới thời Bill Clinton, cho biết luật cũng không phân định rõ lãnh đạo phe đa số Thượng viện hay Chánh án Tòa án Tối cao John G. Robert Jr. có quyền triệu tập phiên tòa. Bên cạnh đó, dù phiên tòa có được triệu tập thì nhóm đa số của đảng Cộng hòa vẫn có khả năng bác đề xuất luận tội mà không cần xem qua chứng cứ.
Chính vì quy trình luận tội tổng thống có rất nhiều điểm mơ hồ, nên ngay từ khi những đề xuất luận tội đầu tiên chống lại ông Trump được đề ra vào năm 2017, giới phân tích và truyền thông Mỹ đã cảnh báo con đường luận tội sẽ được định đoạt chủ yếu bằng quyết tâm chính trị chứ không phải yếu tố pháp lý thông thường.