"Tại sao WHO phớt lờ email từ giới chức y tế Đài Loan hồi cuối tháng 12 cảnh báo họ về khả năng virus corona có thể lây nhiễm giữa người với người?", ông Trump viết trên Twitter hôm 17/4.
"Tại sao WHO đưa ra một số tuyên bố về virus không chính xác hoặc gây hiểu nhầm hồi tháng 1 và tháng 2, khi virus đang lây lan trên toàn cầu? Tại sao WHO chờ đợi lâu như vậy mới có hành động quyết đoán", ông nêu một loạt câu hỏi, dẫn lời một học giả.
Cuộc tấn công mới của ông Trump nhằm vào WHO diễn ra sau khi ông chỉ trích cách tổ chức này ứng phó với dịch bệnh trong một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước G-7.
Ông Trump trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng nói "phần lớn trao đổi" trong cuộc họp "tập trung vào sự thiếu minh bạch và xử lý một cách sai lầm nghiêm trọng của WHO", và các nhà lãnh đạo "kêu gọi đánh giá và cải tổ toàn diện", theo Nikkei Asian Review.
Việc ông Trump đề cập đến email từ Đài Loan dường như là một phần chiến lược mới nhắm vào quan hệ thân thiết giữa WHO và Trung Quốc. Đài Loan lâu nay không được gia nhập WHO vì sự phản đối của Bắc Kinh, vốn luôn coi hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ.
Hồi tháng 3, Đài Loan tiết lộ họ không nhận được phản hồi từ WHO sau khi gửi đề nghị chia sẻ thông tin vào ngày 31/12/2019, theo Reuters. Nội dung trao đổi liên quan đến việc bệnh hô hấp cấp bùng phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, và việc virus có khả năng lây từ người sang người.
WHO sau đó phản bác tuyên bố của Đài Loan, khẳng định thư điện tử nói trên không đề cập đến vấn đề virus lây từ người sang người.
Phải đến ngày 20/1, Trung Quốc mới công khai thừa nhận virus corona chủng mới có khả năng lây từ người sang người. Trước đó 8 ngày, WHO khẳng định không có bằng chứng nào đủ thuyết phục về nguy cơ như vậy.
Chính quyền Đài Bắc đã sớm nghi ngờ những tuyên bố từ phía Bắc Kinh về mức độ lây lan của dịch bệnh ở Vũ Hán. Từ ngày 31/12, Đài Loan đã bắt đầu kiểm tra y tế mọi cá nhân đến hòn đảo.
Một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Mỹ tuần này đã gửi thư cho Tổng thống Trump yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus cũng như việc ra quyết định của WHO liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế lần này.
Họ cũng kêu gọi điều tra "bất cứ áp lực nào mà WHO phải chịu từ Bắc Kinh trong việc hạ thấp mức độ nghiêm trọng khi nói về sự lây lan rõ ràng của virus cũng như việc tổ chức này đối xử với Đài Loan".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ những chỉ trích, cho rằng đây "hoàn toàn là sự bôi nhọ và đồn thổi chống lại Trung Quốc" trong một cuộc họp báo hôm 17/4.
"Là tổ chức quốc tế chuyên nghiệp và có thẩm quyền nhất trong lĩnh vực an ninh y tế công cộng toàn cầu, WHO đã tích cực hoàn thành nhiệm vụ của mình với lập trường khách quan, dựa trên cơ sở khoa học và công bằng, đóng vai trò điều phối và lãnh đạo quan trọng trong việc hỗ trợ các nước đối phó với dịch bệnh và thúc đẩy hợp tác quốc tế về Covid-19", ông Triệu nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng WHO đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về về dịch Covid-19, quá nhún nhường trước Trung Quốc và chất vấn tại sao tổ chức này không nghe cảnh báo từ Đài Loan.
"WHO một lần nữa chọn chính trị thay vì sức khỏe cộng đồng", một người phát ngôn nói, chỉ trích WHO vì từ chối cho Đài Loan gia nhập tổ chức, dù chỉ với tư cách quan sát viên, từ năm 2016.