Khi Washington thức dậy hôm 19/12 với thực tế rằng nước Mỹ đã có tổng thống thứ ba bị luận tội, họ vẫn không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong một quá trình được định hình gần như hoàn toàn bởi sự phân chia đảng phái và bất bình lẫn nhau.
Hai nhân vật quyền lực nhất của Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ - Chủ tịch Hạ viện từ đảng Dân chủ Nancy Pelosi và Lãnh đạo Đa số Thượng viện từ đảng Cộng hòa Mitch McConnell - gần như ngay lập tức tham gia vào cuộc cạnh tranh cuối cùng để xem ai sẽ là người nắm quyền kiểm soát phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump sắp tới.
Trì hoãn phiên tòa luận tội?
Trong cuộc bỏ phiếu lịch sử vào tối 18/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai điều khoản luận tội ông Trump - lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội.
Trong lúc cố gắng tạo ra sắc thái nghiêm nghị, phi đảng phái cho quá trình luận tội, bà Pelosi bất ngờ khiến các thành viên phe Dân chủ tại Hạ viện phải im lặng bằng một cái lườm sắc lẹm khi họ bắt đầu vỗ tay sau khi cáo trạng luận tội được thông qua.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (áo đỏ). Ảnh: AP. |
Sau đó ít phút, trong một cuộc họp báo vào buổi tối, bà Pelosi ngụ ý rằng bà có thể trì hoãn việc chỉ định các "quản lý" của Hạ viện để chính thức chuyển giao việc luận tội cho Thượng viện, nơi sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử tổng thống. Việc này được xem là cách để gia tăng ảnh hưởng lên các lãnh đạo của đảng Cộng hòa và buộc họ phải tiến hành một phiên tòa thực chất.
Trước đó, các thành viên cấp cao của phe Cộng hòa, bao gồm ông McConnell, đã phát đi tín hiệu sẽ tiến hành một phiên tòa nhanh gọn và tha bổng ông Trump tại Thượng viện.
Ông nói rằng ông đang phối hợp với Nhà Trắng trong mọi bước và đã bác bỏ yêu cầu của đảng Dân chủ rằng các nhân chứng quan trọng, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cần được gọi ra để làm chứng.
"Cho đến nay, chúng tôi chưa nhìn thấy bất cứ điều gì có vẻ công bằng với chúng tôi. Hy vọng mọi chuyện sẽ công bằng, và khi chúng tôi thấy đó là gì, chúng tôi sẽ gửi các 'quản lý' của mình", bà Pelosi nói.
Vào sáng 19/12, ông McConnell đã tới phòng Thượng viện để nói rằng Hạ viện đã làm một việc mà chưa có quốc hội nào từng làm - luận tội một tổng thống "không phạm tội nào thực sự". Ông lên án chiến thuật đe dọa trì hoãn quá trình của bà Pelosi.
"Đảng Dân chủ tại Hạ viện có thể quá sợ hãi đến nỗi thậm chí không thể bàn giao sản phẩm làm việc kém chất lượng của họ cho Thượng viện", ông nói. "Có vẻ như các công tố viên đang chùn bước trước toàn bộ đất nước, và nghĩ lại xem họ có muốn tiến hành phiên tòa hay không".
Ông nói thêm rằng các điều khoản luận tội là "mỏng nhất và yếu nhất" trong lịch sử Mỹ. "Không có gì khác cả", ông nói.
Bản thân ông Trump có một ngày khá nhàn rỗi hôm 19/12 và như thường lệ ông lên Twitter để một lần nữa chỉ trích quá trình luận tội là một cuộc săn phù thủy. Đêm hôm trước tại một cuộc mít tinh ở Michigan, trong khi cuộc bỏ phiếu đang diễn ra, ông đã chế giễu câu chuyện chỉ xảy ra với vài vị tổng thống và giờ đây, ông trở thành người thứ ba.
Hai tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton đã bị luận tội lần lượt vào năm 1868 và 1998, nhưng không bị bãi nhiệm. Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện biểu quyết về việc luận tội ông vì bê bối Watergate.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell. Ảnh: AP. |
Hai "kẻ bất hảo" cùng lúc
Hiện tại, hai chính đảng lớn nhất trong quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc đến nỗi thậm chí một số đối thủ của ông Trump đã bắt đầu kêu gọi không chuyển cáo trạng luận tội đến Thượng viện vô thời hạn. Điều đó sẽ khiến ông Trump rơi vào tình trạng bế tắc với đám mây luận tội đen tối lơ lửng trên đầu trong khi các cuộc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra.
Cho đến động thái mới nhất của bà Pelosi, phiên tòa tại Thượng viện vẫn sẽ bắt đầu vào giữa tháng 1 theo dự kiến, ngay khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 bước vào giai đoạn cao điểm. Các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ để chọn ra ứng viên tổng thống của đảng dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 2.
Bà Pelosi sáng 19/12 nói rằng phản ứng của những người Cộng hòa "nhắc nhở tôi rằng những vị công thần lập quốc của chúng ta, khi họ thảo ra hiến pháp, họ nghi ngờ có thể có một tổng thống bất hảo. Tôi không nghĩ rằng họ nghi ngờ chúng ta có thể có một tổng thống bất hảo và một nhà lãnh đạo bất hảo tại Thượng viện cùng một lúc".
Kế hoạch tấn công của ông Trump, đánh giá từ một tweet vào sáng sớm, là xoáy vào và làm nổi bật sự chia rẽ đảng phái gay gắt, ám chỉ rằng các lãnh đạo của đảng Dân chủ đã ép buộc các thành viên đảng này bỏ phiếu luận tội. "Họ tình cờ giữ thế đa số nhỏ, và họ nắm lấy đa số nhỏ đó và họ ép buộc người ta", ông nói. Họ đặt vũ khí lên mọi người".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Ông xoáy vào thực tế rằng không một thành viên nào của đảng Cộng hòa phá vỡ hàng ngũ trong cuộc bỏ phiếu luận tội tại Hạ viện, nơi phe Dân chủ kiểm soát. Kết quả bỏ phiếu với hai điều khoản luận tội lần lượt là 230-197 và 229-198.
Đảng Dân chủ đã chứng kiến hai thành viên trong hàng ngũ của họ đứng về phía đảng Cộng hòa trong cả hai lần biểu quyết (cho hai điều khoản luận tội) - hạ nghị sĩ Jeff Van Drew của bang New Jersey và hạ nghị sĩ Collin Peterson của bang Minnesota. Một thành viên khác, hạ nghị sĩ Jared Golden của bang Maine, đã bỏ phiếu chống đối với cáo buộc ông Trump cản trở quốc hội.
"100% thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu", ông Trump tweet. "Đây là những gì mọi người đang nói đến. Đảng Cộng hòa đoàn kết hơn bao giờ hết!".
Tuy nhiên, không phải tất cả những người theo đường lối bảo thủ đều đứng về phía tổng thống. Trong một bài xã luận với lời lẽ mạnh mẽ, tạp chí truyền giáo danh tiếng Christianity Today kêu gọi bãi nhiệm ông Trump.
"Không có gì trong số những điểm tích cực của tổng thống có thể cân bằng được mối nguy về đạo đức và chính trị mà chúng ta phải đối mặt dưới sự lãnh đạo của một người có tính cách rất vô đạo đức như vậy", Mark Galli, tổng biên tập tạp chí, viết.