Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng một trong những chủ đề chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump sẽ thảo luận là quan hệ thương mại giữa hai nước. Đây cũng là dịp để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm quen với tân tổng thống và chính quyền mới của Mỹ, đồng thời tìm hiểu chính sách của Washington với châu Á và Đông Nam Á.
Quan hệ thương mại khi không có TPP
- Theo ông, những nội dung nào mà hai bên quan tâm khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm cùng Tổng thống Donald Trump?
- Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ): Đầu tiên, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tập trung về quan hệ thương mại với Mỹ. Việt Nam rất kỳ vọng vào TPP nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định này.
Do vậy, Việt Nam có thể muốn tìm kiếm câu trả lời từ ông Trump rằng Mỹ sẽ có những biện pháp, chính sách thay thế nào cho TPP và Việt Nam mong muốn thảo luận các biện pháp tăng cường kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 2 nước.
Kế đến, Việt Nam sẽ quan tâm về hợp tác an ninh - quốc phòng với Mỹ, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam muốn tìm hiểu những chính sách của Mỹ về Biển Đông, và Mỹ có thể hỗ trợ cho Việt Nam như thế nào để tăng khả năng ứng phó với các tình huống an ninh trên biển.
Thứ 3, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trên các diễn đàn đa phương, như hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra ở Việt Nam vào cuối năm nay. Do đó, tôi nghĩ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục trực tiếp mời Tổng thống Trump đến dự APEC.
- Ông Murray Hiebert (Cố vấn cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, Mỹ): Ưu tiên đầu tiên chính là dịp để hai nhà lãnh đạo tìm hiểu lẫn nhau và hiểu về những vấn đề mà các bên quan tâm. Kế đến, họ cần tìm ra cách mà mỗi bên mong muốn để hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP.
Tổng thống Mỹ sẽ muốn lắng nghe những kế hoạch của Việt Nam để cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ. Nếu các công ty Việt Nam có ký kết thỏa thuận nào trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì ông Trump cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết này.
Đội ngũ của tổng thống cũng sẽ theo dõi sát sao liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đề xuất những ý tưởng cụ thể nào để giúp những công ty Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam vượt qua các rào cản hay không.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ muốn tìm hiểu quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề Biển Đông; cũng như Washington sẽ muốn hợp tác đến mức độ nào để thách thức các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này, bao gồm việc Bắc Kinh tiếp tục xây dựng trái phép trên những đảo đá bị bồi lấp phi pháp.
Lãnh đạo ASEAN đầu tiên thăm Mỹ
- Mỹ quan tâm thế nào khi tiếp đón Việt Nam?
- GS Alexander Vuving: Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ tuy ngắn ngày nhưng nó gửi đi tín hiệu rất quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo đầu tiên từ một nước thành viên ASEAN và là lãnh đạo thứ 3 từ Đông Á (sau Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) đến gặp Tổng thống Mỹ.
Đứng từ quan điểm phía Mỹ, tôi nghĩ một trong những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra thảo luận là tình hình Triều Tiên.
Kế đến, Mỹ muốn thảo luận về quan hệ thương mại song phương để tìm cách giảm nhập siêu từ Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 6 trong số 16 nước có lượng xuất siêu lớn vào Mỹ. Tổng thống Trump đã chính thức chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu lại toàn bộ và tìm biện pháp làm cân bằng lại cán cân này.
Tôi cho rằng Mỹ chắc chắn muốn Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hơn từ phía Mỹ. Hiện Việt Nam đã là nước nhập nhiều nông sản từ Mỹ, trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải nhập thêm từ Mỹ nhiều hàng hóa công nghiệp và công nghệ cao.
Một vấn đề quan trọng khác là an ninh biển mà Mỹ cũng rất quan tâm, bao gồm hợp tác an ninh - quốc phòng với Việt Nam trên Biển Đông.
- Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc thiết lập mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ?
- GS Alexander Vuving: Tôi nghĩ Việt Nam là một trong số ít các nước ở Đông Á và châu Á nói chung tiếp xúc sớm với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Việt Nam ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của Mỹ trong bàn cờ chiến lược.
Việc Việt Nam tham gia TPP đã thể hiện một cam kết tăng cường hợp tác với Mỹ. Trước đó là những sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước như thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ năm 2013, chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào năm 2015, Tổng thống Barrack Obama đến Việt Nam vào năm 2016...
Đối với chính quyền mới của Mỹ năm nay, Tổng thống Trump thể hiện là ông muốn thay đổi dường như toàn diện, thậm chí đi ngược lại một số chính sách của chính quyền Obama như việc Mỹ rút khỏi TPP. Những diễn biến này thúc đẩy Việt Nam phải tiếp xúc Mỹ nhiều hơn, để tìm hiểu chính sách và định hướng của Mỹ với khu vực.
Chính sách của Mỹ với ASEAN
- Ông đánh giá thế nào về chính sách của Mỹ với ASEAN sau những diễn biến vừa qua?
- GS Alexander Vuving: Theo tôi, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump với ASEAN và với Việt Nam là đang hình thành và tiến triển theo hướng khá tích cực. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhận ra tầm quan trọng của hiệp hội ASEAN và các nước Đông Nam Á. Washington cũng xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ tham gia các cuộc họp như Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và APEC cuối năm nay.
- Ông Murray Hiebert: Đến nay chúng ta chỉ vừa nắm bắt được những bước đi đầu tiên trong chính sách của Tổng thống Donald Trump với Đông Nam Á. Một động thái rất quan trọng là Tổng thống Mỹ đã mời lãnh đạo các nước Thái Lan, Philippines và Singapore đến Mỹ. Phó tổng thống Mỹ cũng đã đến thăm Indonesia trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông. Chúng ta đều đang chờ đợi chính sách thương mại của ông Trump đối với Đông Nam Á như thế nào, và kế hoạch của ông sẽ chủ động ra sao để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ sẽ quan tâm Biển Đông như thế nào
- Biển Đông có tiếp tục là vấn đề ưu tiên của chính quyền mới của Mỹ?
- GS Alexander Vuving: Nhìn chung chính quyền Tổng thống Donal Trump vẫn sẽ tiếp tục coi trọng vấn đề an ninh biển, đặc biệt là ở Biển Đông. Điều này không chỉ đến từ chính quyền mà còn là sức ép từ Quốc hội và nhiều giới khác ở bên ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, Washington cùng lúc phải đương đầu với rất nhiều khủng hoảng phát sinh ở khắp thế giới, mà nổi cộm nhất tại châu Á là vấn đề Triều Tiên. Nếu Triều Tiên cứ liên tiếp có hành vi như vậy thì dĩ nhiên Mỹ buộc phải dành sự chú tâm nhiều hơn.
Nếu Mỹ tạm thời ngưng tuần tra Biển Đông thì điều đó không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình khu vực này. Quan trọng là các bước đi sắp tới của Washington để ngăn chặn các âm mưu bành trướng.
Trên thực tế, Hải quân Mỹ vẫn giữ tần suất hiện diện khá cao ở Biển Đông. Chính những hiện diện quân sự và bán quân sự của Mỹ ở Biển Đông mới là quan trọng, chứ không chỉ là những đợt tuần tra "đi qua vô hại" quanh các đảo bị chiếm đóng trái phép.
- Những diễn biến vừa qua cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chỉ đang phản ứng trước tình hình. Vậy điều kiện nào ảnh hưởng đến chính sách cụ thể của Mỹ với Biển Đông?
- GS Alexander Vuving: Với tình hình Biển Đông, nếu không có một biến cố quá lớn dẫn đến Mỹ phải thay đổi chính sách đáng kể, thì Washington sẽ vẫn tiếp tục theo hướng nâng cao phòng thủ, giữ vững hoặc tăng cường hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực. Mỹ đồng thời sẽ cố gắng hỗ trợ các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Việt Nam... nâng cao năng lực giám sát, quản lý và ứng phó trước các mối đe dọa trên biển.
- Khi đã bỏ "tái cân bằng", ông Donald Trump sẽ xây dựng chính sách với châu Á như thế nào?
- GS Alexander Vuving: Về chính sách với châu Á nói chung, tôi cho rằng trước mắt chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục những nội dung của "tái cân bằng" nhưng sẽ không gọi tên như vậy.
"Tái cân bằng" đi theo những mũi nhọn gồm tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, tăng cường mối quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng - kinh tế với các nước đối tác cũ và mới, và hiệp định TPP.
Đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, có thể sẽ theo đuổi "tái cân bằng" mà không có TPP. Họ có thể theo đuổi những hiệp định thương mại đầu tư song phương chứ không còn đa phương nữa, với nội dung có thể tương tự TPP. Còn lại thì Mỹ vẫn sẽ giữ chính sách tăng cường hiện diện quân sự và giúp đỡ các nước đối tác và đồng minh trong khu vực.