Ông Lý cũng lên án việc Mỹ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau trong các tuần qua, nói “như thế sẽ không giúp chúng ta giải quyết sớm vấn đề”.
Lời chỉ trích của lãnh đạo Singapore được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump vẫn chịu nhiều chỉ trích về phản ứng rời rạc trước đại dịch, và không có nhiều quốc gia đang dõi theo Mỹ trong cuộc chiến chống dịch, theo South China Morning Post.
Ngược lại, nhiều nước đang làm theo các chiến lược xét nghiệm và khoanh vùng mạnh mẽ của Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc, dù có nhiều sai lầm, che đậy và chần chừ vào thời kỳ đầu của dịch, đã tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo bằng việc hỗ trợ thiết bị y tế cho hàng chục quốc gia vốn là đối tác thương mại.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Bloomberg. |
Mỹ có “nguồn lực, có khoa học, có ảnh hưởng, có quyền lực mềm, và có quá khứ nhiều lần giải quyết các vấn đề một cách thành công và thuyết phục, vì lợi ích của nhiều nước, không chỉ Mỹ”, ông Lý Hiển Long nói với CNN.
“Thật đáng tiếc nếu không tận dụng các nguồn lực trên để đối phó với đe dọa rất nghiêm trọng này của nhân loại”.
Thậm chí, ông Lý còn nhắc tới việc các nước có thể tìm đến nơi khác nếu không có sự lãnh đạo rõ ràng của Mỹ trong cuộc chiến chống virus.
“Thế giới đã hưởng lợi từ sự lãnh đạo của Mỹ trong các tình huống như thế này trong nhiều thập kỷ qua”, ông Lý nói. Nhưng nếu “Mỹ đi theo hướng khác, chúng tôi sẽ phải... tìm các hướng khác, nhưng sẽ là sự mất mát”, thủ tướng Singapore nói.
Singapore vẫn đối phó với dịch bệnh tốt hơn một số nước láng giềng trong khu vực, với 844 ca nhiễm và ba ca tử vong tính đến ngày 29/3. Nhưng ông nói chính phủ Singapore “không hề ảo tưởng là chúng tôi đã thắng”.
Ông nói có thể mất vài năm trước khi virus hết lây lan trên thế giới, trừ khi “điều gì đó xảy ra và cắt đứt quá trình đó”.
Các dự báo ban đầu cho thấy nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Singapore - vốn đã chịu sức ép từ thương chiến Mỹ - Trung - có thể sẽ chứng kiến suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Có những đồn đoán về việc ông Lý, nắm quyền từ năm 2004, có thể tổ chức bầu cử đột xuất giữa đại dịch, để củng cố vị thế của mình trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế.