"Nếu cần thiết chúng tôi sẽ thực hiện hành động như vậy, tất nhiên chúng tôi có thẩm quyền... Nếu điều này là cần thiết, cùng với các phái đoàn của chúng tôi, chúng tôi sẽ đóng cửa Incirlik nếu cần thiết", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói trên A Haber TV hôm 15/12.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đóng cửa căn cứ radar Kurecik nếu cần thiết, ông nói thêm. "Nếu họ đe dọa chúng tôi bằng việc thực thi các biện pháp trừng phạt này, tất nhiên chúng tôi sẽ trả đũa", ông cho biết.
Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án nghị quyết của Thượng viện Mỹ vào tuần trước công nhận vụ sát hại hàng loạt người Armenia một thế kỷ trước là diệt chủng. Ông Erdogan đề xuất rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đáp trả bằng các nghị quyết của quốc hội công nhận vụ giết người Mỹ bản địa trong các thế kỷ qua là tội diệt chủng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) phát biểu trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình tư nhân A Haber và ATV ở Istanbul hôm 15/12. Ảnh: AP. |
Theo AFP, ông Erdogan thường xuyên nêu khả năng đóng cửa hai căn cứ quân sự chiến lược được Mỹ sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ, vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước.
Không quân Mỹ sử dụng căn cứ không quân tại Incirlik cho các cuộc tấn công vào các vị trí chiếm đóng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Căn cứ Kurecik có một trạm radar lớn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tờ New York Times hồi tháng 10 tiết lộ rằng giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng đã bắt đầu xem xét khả năng chuyển các vũ khí hạt nhân của nước này khỏi căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, truyền thông Mỹ cho biết không quân đang cất giữ gần 50 quả bom nhiệt hạch B61 tại căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức cấp cao tiết lộ với New York Times rằng số đầu vũ khí hạt nhân ở Incirlik đang trở thành "con tin" của Tổng thống Erdogan.
Người phát ngôn Không quân Mỹ Ann Stefanek lúc bấy giờ không đưa ra bình luận liệu vũ khí hạt nhân có đặt tại căn cứ Incirlik hay Washington có dự tính di dời số vũ khí này hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo từ Washington.
Hôm 13/12, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Mỹ sau khi Thượng viện Mỹ tiếp bước Hạ viện và bỏ phiếu công nhận vụ giết người Armenia năm 1915 là tội diệt chủng. Nghị quyết vẫn chưa được Tổng thống Donald Trump ký.
Armenia tuyên bố 1,5 triệu người chết trong vụ giết người. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng số người chết thấp hơn nhiều và người Thổ Nhĩ Kỳ cũng chết, đổ lỗi vụ giết người cho Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.