Ông sẽ đến Bắc Kinh ngày 28/8 rồi có các cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Chưa rõ lý do gì khiến ông Duterte cắt ngắn chuyến thăm này.
Ông Duterte đã tuyên bố sẽ nêu phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông và nói thà hủy cuộc gặp còn hơn bị ngăn cản trong việc nêu phán quyết.
Phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Romblon miền Trung Philippines ngày 21/8, ông Duterte nói: “Họ nói đừng nhắc đến vấn đề đó. Tôi nói không. Nếu là tổng thống một quốc gia có chủ quyền mà tôi không được nói bất cứ gì tôi muốn thì đừng hội đàm còn hơn”.
“Đừng cố bịt miệng tôi vì đó là món quà từ Chúa”, vị tổng thống vốn nổi tiếng với những phát ngôn “dân dã” và gây sốc nói.
Tổng thống Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: AP. |
Ông Duterte nói mọi việc thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines “liên quan trực tiếp” đến phán quyết năm 2016.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan bác bỏ yêu sách chủ quyền dựa vào đường lưỡi bò của Bắc Kinh và coi nó trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc cũng đã tham gia.
Các nhà phê bình và đối thủ chính trị chỉ trích ông Duterte quá mềm mỏng với Trung Quốc bất chấp các hành vi gây hấn của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp giữa hai nước.
Chuyến thăm của ông Duterte diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Không chỉ đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc cũng có những hành động xâm phạm tương tự đối với Philippines và Malaysia.
“Căng thẳng hiện tại trên Biển Đông không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với Việt Nam mà còn giữa Trung Quốc với Philippines và Malaysia. Dù 3 trường hợp này khác nhau về chi tiết, điểm chung là việc Trung Quốc đòi các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của cả ba nước”, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Canberra (Australia), nhà nghiên cứu lâu năm về khu vực, nói với Zing.vn
“Cả Việt Nam và Philippines đều đã đáp trả thông qua hình thức phản đối về chính trị và ngoại giao”, ông Thayer nói thêm.