Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Duterte bị chỉ trích vì vụ đâm tàu: 'Đừng khoe mình yếu nữa'

Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines tại bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiếp tục nóng lên sau khi Tổng thống Duterte lên tiếng hôm 17/6.

Nhiều ý kiến chê trách phản ứng lúng túng của Manila trong suốt hơn một tuần qua, buộc các nghị sĩ đối lập phải lên tiếng thay.

Thuyền trưởng của tàu bị đâm (FB Gemver) Jonnel Insigne tỏ ra thất vọng về bình luận của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi vụ việc xảy ra đêm 9/6 “chỉ là một sự cố hàng hải”.

Tau Philippines bi dam anh 1
Tổng thống Duterte gây thất vọng sau khi bị cho là đã lên tiếng thiếu cứng rắn về vụ đâm tàu. Ảnh: Phủ tổng thống Philippines.

Tổng thống Duterte gây thất vọng

“Tôi buồn vì dường như việc họ đâm tàu chúng tôi bị gạt sang một bên”, ông Insigne nói với ABS-CBN News (Philippines). Ông đã kỳ vọng tổng thống sẽ có những bước đi cụ thể hơn.

“Tôi muốn nghe ông ấy nói thuyền trưởng Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng hy vọng tàu cá Trung Quốc sẽ bị yêu cầu rời đi vì vụ việc này có thể lặp lại năm sau”.

Ông Insigne lẽ ra sẽ gặp Tổng thống Duterte ngày 17/6, nhưng vợ ông gọi điện và nói ông quay về nhà vì cho rằng một cuộc họp nội các đặc biệt về vụ đâm tàu đã bị hủy, theo ABS-CBN.

Các nghị sĩ thậm chí còn gọi phản ứng của tổng thống là “đầu hàng”.

“Ông ấy không nhờ đến mọi nguồn lực có thể, trước khi tìm đến lựa chọn cuối cùng là đầu hàng”, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson viết trên Twitter, và nói tổng thống đã “làm chúng ta đau lòng”.

Tau Philippines bi dam anh 2
Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson nói tổng thống đã “làm chúng ta đau lòng”. Ảnh: Manila Bulletin.

Theo ông Lacson, Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Philippines với Mỹ là “vũ khí chưa được động đến”. Được ký năm 1951, hiệp ước buộc hai nước phải tương trợ lẫn nhau khi một nước bị tấn công.

Trong nhiều năm, Mỹ không rõ ràng về hành động với Philippines nếu xung đột nổ ra trên Biển Đông. Nhưng năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ “mọi cuộc tấn công vũ trang lên các lực lượng, máy bay, hay tàu thuyền công vụ của Philippines ở Biển Đông” sẽ kích hoạt hiệp ước.

“Tôi không đề xuất gây Chiến tranh Thế giới thứ ba”, ông Lacson nói về việc nhờ cậy Mỹ, “nhưng ít nhất chúng ta có thể cho Trung Quốc thấy cán cân quyền lực ở Biển Đông”.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Lacson kêu gọi tổng thống ngừng quảng bá sự yếu thế của đất nước.

"Việc mình yếu đã đủ tệ rồi, đừng có khoe thêm là mình yếu nữa", ông nói.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, người trước đó đã bác bỏ lời giải thích của Trung Quốc việc bị tàu Philippines “bao vây”, không ngần ngại phản bác tổng thống bằng những từ gay gắt nhất.

“Cảm ơn ông đã cho thấy con người thực của mình”, bà viết trên Twitter. “Ngài tổng thống: Ông bạo lực và tàn ác với người nghèo, độc miệng và tục tĩu với phụ nữ và những người ủng hộ dân chủ, nhưng lại yếu ớt và hèn hạ trước Trung Quốc. Ô nhục”.

Tau Philippines bi dam anh 3
Ông Jonnel Insigne, thuyền trưởng tàu Philippines bị đâm chìm (FB Gemver), kể lại với các phóng viên ngày 14/6 về vụ đâm tàu đáng sợ đêm 9/6.

Triệu Đại sứ Trung Quốc hay không?

Trong hai ngày qua, Manila còn tỏ ra lúng túng khi thông tin một cách mâu thuẫn về việc có triệu Đại sứ Trung Quốc Zhao Jianhua hay không. Người phát ngôn của ông Duterte, Salvador Panelo, đưa ra giải thích khó hiểu khi xác nhận sẽ không triệu tập ông Zhao.

Ngày 17/6, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenza xác nhận với Inquirer rằng cuộc họp nội các 3 tiếng đã thống nhất “mời” ông Zhao tới Phủ tổng thống để giải thích về vụ đâm tàu. Nhưng đến tối 17/6, ông Panelo phủ nhận điều này, và nói “lời mời” chưa chắc chắn.

Sang ngày 18/6, ông Panelo xác nhận với báo chí rằng Phủ tổng thống sẽ không triệu tập đại sứ Trung Quốc, vì Philippines không có “quyền tài phán” đối với đại sứ, theo trang tin Rappler (Philippines)

“Chúng ta không phải là chính phủ Trung Quốc, không thể nào triệu tập một quan chức Trung Quốc. Phải dùng từ ‘mời’”, ông Panelo nói.

Tau Philippines bi dam anh 4
Tàu Gemver bị hỏng sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào đêm ngày 9/6. Ảnh: AP.

Ông Panelo giải thích tổng thống không muốn “mời” ông Zhao, vì cảm thấy Trung Quốc đang hành động về vụ việc, và đại sứ Trung Quốc đã hứa “nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng các dữ kiện” trong thông cáo.

Tuy vậy, lời trần tình của ông Panelo trái ngược với thông lệ ngoại giao quốc tế: Một nước có thể triệu đại sứ nước khác về những vấn đề cần thiết. Điều này được quy định từ năm 1961 trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Tháng 8/2016, chính Manila đã triệu đại sứ Trung Quốc để giải thích các báo cáo về đường dây ma túy giữa hai nước. Tháng 2/2018, Manila triệu đại sứ Mỹ vì Mỹ nói ông Duterte là “mối đe dọa khu vực”.

“Phản ứng hai mặt”

Những lần phản bác ít ỏi của Tổng thống Duterte trước Bắc Kinh không xua đi nhận xét của các chính khách đối lập và một bộ phận công chúng và truyền thông, cho rằng ông đã đánh đổi chủ quyền của Philippines để mời gọi đầu tư từ Trung Quốc nhưng chưa đạt được gì đáng kể, theo ABS-CBN.

Phản ứng của Manila sau vụ đâm tàu dường như là “phản ứng hai mặt”, với lãnh đạo cao cấp công khai xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh, còn các quan chức khác nêu vấn đề trên các diễn đàn quốc tế, Rappler bình luận.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã nêu vấn đề ở Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế, dẫn ra các công ước để kết luận hành động bỏ mặc ngư dân lênh đênh trên biển là “tội hình sự”.

Tau Philippines bi dam anh 5
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York tối 17/6, cảm ơn Việt Nam đã cứu 22 ngư dân bị tàu Trung Quốc bỏ mặc. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Một quan chức ngoại giao Philippines cho biết ngày 18/6 Manila có thể tiếp tục nêu vụ việc tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của ASEAN tại Thái Lan ngày 22-23/6.

Tuy có phần dành cho thảo luận các diễn biến khu vực, đây không phải là diễn đàn tốt nhất để thảo luận về vụ đâm tàu, vì “ASEAN luôn bàn về Biển Đông trong khuôn khổ bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), vốn vẫn đang được thương thảo giữa Trung Quốc và ASEAN”, theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Junever Mahilum-West.

Trong khi đó, thuyền trưởng Insigne nói ông và các ngư dân khác sẽ tiếp tục ra khơi đánh cá sau khi sửa được tàu.

“Đó là nguồn sống duy nhất của gia đình chúng tôi”, ông Insigne nói.

Vụ chìm tàu cá thử thách tình bạn Trung Quốc - Philippines

Các quan chức Philippines phản ứng trái ngược trước việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines, cho thấy sự phức tạp của mối quan hệ thoạt trông có vẻ nồng ấm Bắc Kinh - Manila.

Ngoại trưởng Philippines nói ‘mắc nợ’ Việt Nam đã cứu 22 ngư dân

Ngoại trưởng Philippines phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines, thậm chí bỏ mặc ngư dân gặp nạn trên biển, là “tội hình sự”.





Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm