Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Trần Đắc Phu: Vùng dịch phải khoanh nhỏ như đốm lửa

Theo TS Trần Đắc Phu một số nước để dịch bùng phát quá lớn đến mức phải khoanh vùng, cách ly cả thành phố, thậm chí cả quốc gia thì vô cùng tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ngày 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chia sẻ nhiều thông tin về việc thực hiện các biện pháp ứng phó, phòng dịch tại một số địa phương thời gian qua.

Khu vực cách ly càng nhỏ càng hiệu quả

Về biện pháp cách ly tại cộng đồng, ông Phu cho rằng các địa phương đang thực hiện cách ly theo các mô hình như 1 phường, 1 tòa chung cư, 1 tổ dân phố hay 1 cụm hộ riêng lẻ. Tuy nhiên, cách ly càng nhỏ lẻ thì càng hiệu quả và đỡ tốn kém.

Để quyết định cách ly ở mức độ nào, cơ quan chức năng cần điều tra dịch tễ và xác định độ lây nhiễm thế nào thì chọn phương án cho phù hợp.

"Mình phải cố gắng khoanh vùng dịch như đốm lửa nhỏ, không để đến lúc thành ngọn lửa lớn, rất khó khống chế", ông Phu nêu quan điểm.

Ông cho biết có một số nước để dịch bùng phát quá lớn đến mức phải khoanh vùng, cách ly cả thành phố, thậm chí cả quốc gia thì vô cùng tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

ca nhiem Covid-19 tai Ha Noi,  ca duong tinh Covid-19 tai Ha Noi anh 1

Hà Nội triển khai phun khử khuẩn trên nhiều tuyến phố ngày 7/3. Ảnh: Duy Hiệu.

Về việc phun khử khuẩn, ông Phu cho rằng thực hiện ngoài đường rất tốn kém và không hiệu quả bằng việc khử khuẩn trong nhà, nhất là các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, tay vịn cầu thang.

"Một số việc ta đang làm chưa chuẩn, phun hóa chất mà phun ở ngoài đường, ngoài môi trường thì không có tác dụng. Rất tốn hóa chất trong khi hiện giờ chúng ta đang phải tiết kiệm. Quan trọng nhất vẫn là khử khuẩn trong nhà", ông Phu cho hay.

Máy đo thân nhiệt không phải mắt thần

Lý giải về các trường hợp dương tính với Covid-19 vẫn lọt qua chốt kiểm tra y tế tại cửa khẩu, sân bay được báo chí phản ánh những ngày qua, TS Trần Đắc Phu cho rằng cần xét lại trong toàn bộ quá trình phòng, chống dịch.

ca nhiem Covid-19 tai Ha Noi,  ca duong tinh Covid-19 tai Ha Noi anh 2

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: Lê Hiếu.

"Những trường hợp dương tính từ châu Âu về để lọt cũng là do lúc đấy người từ các nước này về chưa cách ly bắt buộc, nên mình chưa có biện pháp", ông Phu phân tích.

Bên cạnh đó, ông cho các biểu hiện bệnh do Covid-19 đa dạng ở một số trường hợp. Vì vậy, nếu khai báo dịch tễ gian dối thì khó nhận diện.

"Người ta không sốt thì không phát hiện được, có người thậm chí còn uống thuốc hạ sốt", ông nói và cho rằng việc kiểm tra thân nhiệt, dịch tễ không phải "thần thánh" để phát hiện tất cả.

Nhận định chung về tình hình kiểm dịch, điều tra dịch tễ ở Hà Nội và TP.HCM, ông Phu cho rằng 2 địa phương này đang làm tốt. Ông khuyến nghị mọi người ngoài tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế toàn dân, cần khai báo tuyệt đối trung thực, nhất là đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài về Việt Nam.

Sáng 7/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã quyết định mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc.

Ngày 15/3, Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người nước ngoài (gồm cả người Việt Nam có hộ chiếu nước ngoài) đến từ Anh và 26 quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen hoặc đã đi qua các nước này trong vòng 14 ngày.

Hà Nội hiện đã ghi nhận 9 trường hợp dương tính với Covid-19. Các trường hợp này đều đã được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

ca nhiem Covid-19 tai Ha Noi,  ca duong tinh Covid-19 tai Ha Noi anh 3

Không để tái diễn vụ 21 y, bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc phải cách ly

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngành y tế rút kinh nghiệm trường hợp 21 y, bác sĩ ở Bệnh viện Hồng Ngọc phải cách ly do không bảo hộ khi tiếp xúc bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm