Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hà Nội: Dùng biện pháp mạnh để ngăn dịch Covid-19 lan rộng

Theo ông Nguyễn Đức Chung, dịch Covid-19 là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ trong xã hội hiện đại.

Sáng 13/3, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Cuộc họp được truyền trực tuyến xuống tận xã, phường thay vì tới quận, huyện như trước đây.

Tham dự cuộc họp ngoài sự có mặt của lãnh đạo các sở, ngành còn có đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Cần giải pháp mạnh để ngăn ngừa diện rộng

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết theo thường lệ, phiên họp của Ban chỉ đạo diễn ra vào buổi chiều nhưng tùy vào diễn biến dịch bệnh, thành phổ tổ chức triển khai các cuộc họp kịp thời để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn thành phố.

Ông Chung cho biết Hà Nội mới ghi nhận một trường hợp mới dương tính với Covid-19 trong vòng xét nghiệm lần đầu. "Dù ca bệnh này chưa công bố chính thức, quan điểm của TP là khi dịch tễ Hà Nội đã xác định dương tính thì coi như dương tính để kịp thời hành động, không chờ công bố”, ông Chung nói.

ca nhiem Covid-19 tai Ha Noi,  ca duong tinh Covid-19 tai Ha Noi anh 1

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hải Nam.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để có giải pháp ngăn ngừa trên diện rộng hơn. “Phải hạn chế mức lây nhiễm thấp nhất những ngày tới”, ông Chung nói và cho rằng nếu không nhận diện được nguy cơ, lơ là thì con số sẽ tăng vùn vụt.

Đề nghị Sở Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam, Chủ tịch Hà Nội cho biết hôm nay ông cũng chuẩn bị báo cáo tương đối đầy đủ về diễn biến dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cùng ý kiến nhận định của các chuyên gia, nhận diện mới về tình hình dịch bệnh để đưa ra giải pháp hiệu quả hơn.

Qua theo dõi, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh ở châu Âu rất phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo Covid-19 trở thành đại dịch và việc ngăn ngừa thành công hay không phụ thuộc vào hành động của mỗi quốc gia.

Trên thế giới, dịch lan rộng gần 150 nước với tốc độ nhanh, phức tạp, số người chết tăng cao và nhanh chóng. Trung tâm bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc hay tại Hàn Quốc bắt đầu xu hướng giảm nhưng những vùng ngoài Trung Quốc đã phát sinh vùng dịch mới, có số lượng người chết nhiều, như Italy, Iran, Mỹ…

Theo ông Chung, Covid-19 đang là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ trong xã hội hiện đại.

Đóng cửa các di tích toàn thành phố đến hết tháng 3

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra nhiều chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc và quận, huyện về công tác phòng chống dịch.

Một, tất cả khách sạn, cơ sở lưu trú rà soát khách đến từ vùng dịch; cung cấp thông tin từ 3/3 đến nay, đặc biệt khách đến từ Anh, Italy. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt phải lập tức đưa đi cách ly.

Hai, tất cả công dân Việt Nam đi du lịch, hội thảo, công tác châu Âu từ 1/3 về, ông Chung yêu cầu phải tự chăm sóc sức khỏe cho tốt, đảm bảo sức đề kháng. Ông yêu cầu những trường hợp này chủ động hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình, tốt nhất nên tự cách ly.

ca nhiem Covid-19 tai Ha Noi,  ca duong tinh Covid-19 tai Ha Noi anh 2

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu đóng cửa các điểm tham quan di tích tới hết tháng 3. Ảnh: Việt Linh.

Các cá nhân như lái xe, tiếp viên hàng không có đường bay đến châu Âu hay các hướng dẫn viên du lịch nếu có dấu hiệu, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu gọi điện đến cơ sở y tế, không tự ý đi lại.

Ba, các quán bar, karaoke, các chương trình ca nhạc, các di tích trên địa bàn Hà Nội, kể cả ngoại thành, phải phun khử khuẩn và tạm thời đóng cửa đến hết tháng 3.

Bốn, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1) cách ly tại bệnh viện, F2, F3 cách ly tại nhà. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, có thể dùng khẩu trang vải không nhất thiết khẩu trang y tế.

Năm, Sở Y tế xét nghiệm khi xác định dương tính thì thông báo ngay, không chờ kết quả thông báo của Viện Dịch tễ Trung ương để phối hợp, xử lý ngay lập tức. Nguyên tắc xét nghiệm chéo nhưng khi có kết quả thì hành động ngay.

Sáu, vùng có nhiều khách du lịch châu Âu đến như quận Hoàn Kiếm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên hạn chế tụ tập đông người, người bán hàng ở các cửa hàng lưu niệm nên giữ khoảng cách đủ an toàn.

Bảy, Sở Du lịch khi đón các đoàn là công dân của Hà Nội đề nghị liên hệ để thành phố cho xe đón họ về, cho họ cách ly tại nhà. Giám đốc Sở Du lịch chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tám, Sở Y tế chuẩn bị đủ cơ sở vật chất sẵn sàng cách ly tại bệnh viện, tập huấn cho nhân viên y tế trong chăm sóc người nhiễm Covid-19, đảm bảo tránh lây nhiễm từ người bệnh sang đội ngũ y, bác sĩ.

Chín, trước tình hình diễn biến dịch bệnh, căn cứ đề xuất của liên sở Y tế - Giáo dục, Chủ tịch thành phố quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, các trường dạy nghề nghỉ đến hết ngày 29/3, riêng học sinh THPT nghỉ hết 22/3.

Chủ tịch thành phố cũng bày tỏ không hài lòng việc Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Xanh Pôn khi tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã không có biện pháp bảo hộ đúng quy định, dẫn đến hàng chục y bác sĩ phải cách ly. Ông Chung yêu cầu Sở Y tế phải xem xét trách nhiệm việc này.

Đa số trường hợp tiếp xúc gần 5 ca nhiễm Covid-19 có kết quả âm tính

Báo cáo Ban chỉ đạo, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho hay thành phố đã phát hiện được 230 người tiếp xúc gần với 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Trong đó, bệnh nhân B.C.P. (BN 39), đã tiếp xúc gần với 26 người, đã xét nghiệm 21 người, 14 người đã có kết quả âm tính.

Trong số 230 trường hợp tiếp xúc gần, Sở Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 224 trường hợp, số xét nghiệm âm tính là 217, có 6 ca chưa lấy mẫu, đã cách ly 171 trường hợp tại bệnh viện, 53 trường hợp tại nhà.

Ban chỉ đạo thành phố cũng đang giám sát và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng 2.400 người có tiền sử đi từ/đi qua vùng dịch về, hoặc tiếp xúc với trường hợp mắc/nghi ngờ. Số trường hợp cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố và 8 đơn vị quân đội trên địa bàn là 846 người.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện đã có kết quả điều tra hành khách trên chuyến bay VN54 (về Việt Nam ngày 2/3). Tổng số người trên chuyến bay là 217 người.

Tại Hà Nội có tổng số người đã lưu trú là 92 người, hiện còn 49 người đang lưu trú trên địa bàn (Hoàn Kiếm 18; Ba Đình 7; Đống Đa 7; Long Biên 7; Cầu Giấy 2; Hai Bà Trưng 4; Tây Hồ 4).

49 người hiện đang cách ly, trong đó, 17 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 31 người tại nơi ở, 1 người tại Bệnh viện Đức Giang.

Trong 49 người đã có 47 người được xét nghiệm và có kết quả âm tính. Hai người có kết quả dương tính là bệnh nhân số 17 N.H.N. và bệnh nhân số 21 N.Q.T.

Hà Nội đã giám sát và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng 7.956 người có tiền sử đi từ/đi qua vùng dịch về, hoặc tiếp xúc với trường hợp mắc/nghi ngờ, hiện còn 2.402 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe, 5.554 trường hợp hết thời gian cách ly.

Thành phố đang tiếp tục thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe và đảm bảo sinh hoạt cho người dân khu vực phố Núi Trúc, khu vực ngõ 165 Cầu Giấy nơi ở của các bệnh nhân, cách ly bệnh viện Hồng Ngọc nơi khám ban đầu cho bệnh nhân số 17.

Sở Y tế nhận định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố cũng như cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao.

"Đồng thời có thể có các ca bệnh liên quan đến chuyến bay số QR 974 xuất phát từ Doha, Qatar, về đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 2/3. Vì vậy, khả năng thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận ca nhiễm thứ phát trên địa bàn thành phố", lãnh đạo Sở Y tế cho hay.

Học sinh THPT Hà Nội nghỉ hết 22/3, còn lại hết 29/3

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định cho tất cả học sinh các cấp từ mầm non đến THCS, dạy nghề nghỉ đến hết 29/3. Riêng học sinh THPT nghỉ đến hết 22/3.

Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm