Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Truyền tải văn hóa từ những kiệt tác văn chương Nhật

Theo dịch giả Nguyễn Nam Trân, dịch thuật không đơn giản là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà quan trọng là phải truyền tải được văn hóa.

Truyen tai van hoa tu Nhat Ban anh 1

Tối 10/8, trời Hà Nội mưa lớn bởi ảnh hưởng của bão số 2, song buổi giao lưu với dịch giả Nguyễn Nam Trân vẫn thu hút đông đảo độc giả trẻ, nhà nghiên cứu, người yêu thích văn học Nhật. Bên cạnh Nguyễn Nam Trân, dịch giả Nam Tử, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cũng có những trao đổi với bạn đọc về dịch thuật văn chương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân tên thật là Đào Hữu Dũng, là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản như Vạn Diệp tập, Bách nhân nhất thủ, Chết giữa mùa hè, Tuyển tập Mori Ogai, Tuyển tập Akutagawa...

Lĩnh vực dịch thuật chỉ là cơ duyên tình cờ với Nguyễn Nam Trân, bằng vốn hiểu biết, am tường văn học và nền văn hóa Nhật Bản, các tác phẩm ông dịch luôn được đánh giá cao. Ông được công nhận là người có công trong việc đưa văn chương và văn hóa Nhật Bản tới Việt Nam.

Điều quan trọng khi dịch là niềm đam mê với văn học và văn hóa

Chia sẻ về mối cơ duyên với văn học Nhật Bản, Nguyễn Nam Trân cho biết ông được tiếp xúc với nền văn hóa xứ mặt trời mọc lần đầu khi đi du học năm 1965.

Ông thẳng thắn chia sẻ rằng chuyên ngành của mình khi ấy không phải về văn chương mà là kế toán ngân hàng, nên thời gian đầu ông không dịch được nhiều. Phải đến hai thập niên gần đây, ông mới hướng theo dịch thuật và nghiên cứu một cách nghiêm túc, với mong muốn truyền tải văn hóa Nhật, mỹ học văn chương tới độc giả Việt Nam.

Truyen tai van hoa tu Nhat Ban anh 2

Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân. Ảnh: Y. N.

Dịch giả Nam Tử chia sẻ lần đầu đọc tác phẩm Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga do Nguyễn Nam Trân dịch, cô đã có cảm nhận rằng đây là một dịch giả uyên bác và tài hoa thì mới chuyển ngữ được như vậy. Đây cũng chính là cột mốc giúp cô bén duyên với con đường dịch thuật. Có thể nói, mục đích truyền bá cái đẹp, truyền bá tình yêu văn hóa Nhật Bản của Nguyễn Nam Trân đã thành công, ít nhất là đã truyền cảm hứng được cho dịch giả Nam Tử.

Nguyễn Nam Trân cho rằng điều quan trọng khi dịch là niềm đam mê với văn học và văn hóa. Nhờ có cơ hội được sống trong môi trường Nhật Bản, nên có chi tiết ẩn ý về văn hóa nào không hiểu, ông đều hỏi ngay bạn bè và tiền bối.

Dịch giả Nam Tử cũng nêu quan điểm rằng người dịch phải yêu văn chương, thích tác phẩm thì mới dịch hay được. Ngoài ra, dịch văn học còn đòi hỏi một phông nền văn hóa rộng, bản thân dịch giả phải hiểu được những ẩn ý, những giá trị văn hóa trong tác phẩm thì mới có thể truyền tải được trọn vẹn.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhận định: “dịch thuật không đơn giản là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà phải dịch cả một nền văn hóa sang một nền văn hóa, ngôn ngữ khác”.

Vì lẽ này, dịch văn học không phải là một công việc dễ dàng. “Niềm vui và nỗi lo lắng sóng đôi với nhau trong quá trình dịch thuật”, GS Nguyễn Nam Trân phát biểu. Ông cho biết quá trình dịch thuật văn học cũng đi kèm những khó khăn “trùng trùng điệp điệp”.

Khó khăn lớn nhất chính là khó khăn khi trau dồi tiếng Việt. Ngôn ngữ luôn thay đổi, đòi hỏi người làm về ngôn ngữ phải luôn học tập, bồi bổ. Ngôn ngữ trong các tác phẩm cổ có khác biệt lớn với ngôn ngữ văn chương đương đại.

Dịch giả Nam Tử nhận định vị giáo sư là một người rất giỏi tiếng Việt. Khi đọc bản dịch của Nguyễn Nam Trân, độc giả sẽ bắt gặp được những từ ngữ hơi lạ, những từ ngữ ta đáng lẽ phải biết nhưng trong xã hội hiện đại ta chưa được tiếp xúc nhiều. Nhưng những từ ngữ ấy sẽ không khiến độc giả khó hiểu mà sẽ giúp độc giả nhận ra những tinh hoa bị lãng quên của tiếng Việt.

Những tác phẩm Nguyễn Nam Trân dịch thường là những tác phẩm kinh điển, mang câu chữ cổ, những ẩn ý văn hóa từ xa xưa, kết hợp với nhiều bút pháp nghệ thuật và thành ngữ tục ngữ, điển tích điển cố dân gian. Để truyền tải được những ý nghĩa ẩn chứa trong cổ văn thực sự là một thử thách khó nhằn đối với bất cứ dịch giả nào.

Nhưng với tình yêu lớn dành cho văn học Nhật Bản và khát khao được truyền tải tình yêu đó, năm ngoái, dịch giả Nguyễn Nam Trân đã chuyển ngữ thành công ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản - Vạn Diệp tập.

Truyen tai van hoa tu Nhat Ban anh 3

Một số tác phẩm do Nguyễn Nam Trân dịch. Ảnh: Y. N.

Dịch thơ, dịch cả điểm tựa mỹ học Nhật Bản

Vạn Diệp tập ra đời trước chúng ta hơn 12 thế kỷ, với thứ ngôn ngữ Nhật cổ xa lạ. Công trình này đòi hỏi người dịch phải nghiên cứu nhiều và đặc biệt phải có khả năng cảm thơ, nhạy bén với mỹ học của các câu chữ cổ.

Nguyễn Nam Trân nhận xét Vạn Diệp tập là một quốc bảo phi vật chất của nước Nhật, để lại ảnh hưởng sâu đậm tới tiến trình văn học Nhật Bản không chỉ hạn chế trong lĩnh vực thơ ca, mà tới cả văn xuôi, nhạc, kịch... Vạn Diệp tập có vị thế quan trọng với nước Nhật tựa như kịch Shakespeare với nước Anh và Faust với nước Đức.

Với tư cách là một người nghiên cứu về thơ, TS Nguyễn Thanh Tâm thú nhận ông không mấy tin vào thơ dịch, nghĩ rằng thơ dịch thường chỉ còn là cái xác, nhưng khi đọc Vạn Diệp tậpBách nhân nhất thủ ông cảm nhận được cái hồn văn hóa và tinh thần mỹ học Nhật Bản.

Truyen tai van hoa tu Nhat Ban anh 4

Từ trái sang phải: dịch giả Nam Tử, dịch giả Nam Trân và TS Nguyễn Thanh Tâm tại tọa đàm.

Trao đổi tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Nam Trân nêu quan điểm “chấp nhận dịch là diệt, nhưng vẫn phải bắt tay vào để dịch”. Ông cho rằng nếu không ai làm thì không thể truyền bá được văn hóa, truyền bá được mỹ học.

Thơ vốn đã khó thấm, đôi khi ngay cả người bản xứ cũng không hiểu tường tận được. Người dịch buộc phải đọc rất nhiều lần để thấm được ý thơ, cảm nhận được linh hồn của thơ rồi mới thực hiện chuyển ngữ.

Nguyễn Nam Trân nghĩ rằng các dịch giả trẻ cần có thái độ mạnh dạn, cầu tiến như vậy khi dịch, không nên ngần ngại, sợ sệt. Ông cho rằng có những nhà thơ nước ta dịch được những bài thơ rất tình, còn hay hơn bản gốc. Vì vậy, “chúng ta phải đánh bạo mà làm thôi”.

Chia sẻ về quá trình dịch Vạn Diệp tập, Nguyễn Nam Trân cho biết ông “không có tham vọng làm một việc quá sức mình là dịch cho được toàn thể thi tập mà chỉ chọn lọc một số bài tiêu biểu để có thể hiểu cặn kẽ hơn”. Để đi sâu tiếp cận các nghĩa ẩn của thơ Vạn Diệp tập, ông đã nghiên cứu qua sách vở, đặc biệt sách giáo khoa Nhật.

Lựa chọn thể thơ khi dịch cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Mỗi dịch giả lại có một quan điểm dịch khác nhau. Ở Việt Nam, thông thường các bản dịch thơ sẽ dịch về thể thơ lục bát. Nhưng với Vạn Diệp tập, Nguyễn Nam Trân chọn thể thơ 5 chữ để bản dịch có dáng dấp gần với bản gốc nhưng cũng gần gũi với độc giả đại chúng. “Tôi dịch thơ Nhật nhưng dịch cho người Việt Nam, nên chọn thể thơ sao cho có vần điệu để người Việt Nam tiếp cận được”, ông nói.

Bên cạnh đó, Vạn Diệp tập bao gồm thơ của đa dạng tác giả, từ bình dân tới quý tộc. Khi dịch, Nguyễn Nam Trân đã phải tìm cách đặt mình vào nhân vật để tìm được giọng văn đúng với bản tính của tác giả.

Sau khi dịch thơ, nhà nghiên cứu đã cẩn thận chú giải thêm để giúp độc giả hiểu rõ hơn. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng nếu không có những chú giải này thì đúng là không thể hiểu cặn kẽ được. Ngay cả Truyện Kiều ở Việt Nam, nhiều khi cũng cần có chú giải, người đọc mới hiểu được ý thơ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm cũng nhận định rằng Vạn Diệp tập chính là một điểm tựa mỹ học cho thơ ca đương đại đang trong một giai đoạn chơi vơi. Và bản dịch của Nguyễn Nam Trân đã đem thứ giá trị căn cốt của Nhật Bản đến giới thiệu cho độc giả Việt.

Nguyễn Nam Trân cho biết Vạn Diệp tậpBách nhân nhất thủ là hai thi tập cần nhiều thời gian nghiên cứu nhất, khiến ông dịch lâu nhất. Ông nhận thấy vì bản chất ngôn ngữ và văn hóa lâu đời của hai công trình này, việc dịch Vạn Diệp tậpBách nhân nhất thủ khó khăn hơn hẳn so với dịch văn Yukio Mishima.

Dòng chảy văn chương Nhật Bản chảy dài suốt hàng chục thế kỷ, và Vạn Diệp tập đóng vai trò như một điểm tựa tinh thần vô hình mà nhiều khi, ta sẽ bắt gặp những vọng âm của Vạn Diệp tập trong văn chương đương đại. Dịch những tác phẩm kinh điển chính là một nỗ lực để truyền tải khái niệm mỹ học cổ xưa của một nền văn hóa tới một vùng đất khác, một nền văn hóa khác.

Vẻ đẹp trong truyện ngắn Akutagawa Ryunosuke

"Tuyển tập Akutagawa" với những tác phẩm được chọn lựa góp phần làm nổi bật nghệ thuật ngôn từ, cốt truyện của bậc thầy truyện ngắn Akutagawa Ryunosuke.

Cánh cửa dẫn lối vào văn hóa Nhật Bản

“Vạn diệp tập” với hơn 4.000 bài thơ được xem là quốc bảo, chứa đựng văn hóa, tinh thần con người Nhật Bản.

Cai chet cua Yukio Mishima hinh anh

Cái chết của Yukio Mishima

0

Yukio Mishima từng là nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản. Ông được biết đến không chỉ nhờ các tác phẩm văn chương độc đáo, mà còn qua cái chết gây chấn động.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm