Đây là thời mà văn học phương Tây đã tràn vào nước Nhật, chứng kiến sự mở cửa về cả tư tưởng lẫn tâm hồn Nhật Bản, cũng là thời kỳ mà sự tự do bắt đầu được nhìn nhận đúng với giá trị của nó.
Mori Ogai sinh ra ở Tsuwano, tỉnh Iwami (nay là tỉnh Shimane) trong một gia đình đời đời làm nghề thầy thuốc cho lãnh chúa, lớn lên theo truyền thống đó, vào Đại học Đế quốc Tokyo học y khoa. Ông tốt nghiệp năm 1881 và trở thành quân y của lục quân.
Dấu ấn lãng mạn
Sau khi học ở Đức trở về, Ogai đã bắt đầu văn nghiệp bằng việc xuất bản hợp tuyển thơ dịch nhan đề Dấu tích (Omokage - Vestiges, 1889). Đó chính là một sự giới thiệu kịp thời thơ lãng mạn phương Tây. Sau đó, ông thâm nhập vào lĩnh vực tiểu thuyết.
Tiểu thuyết đầu tay của ông, Nàng vũ công (Maihime, 1890) được viết dưới hình thức một thiên hồi ký với lời văn thanh nhã miêu tả mối tình giữa một sinh viên Nhật, Ota Toyotaro và nàng vũ công nghèo tên Elisa mới 16 tuổi, tại thành phố Berlin cuối thế kỉ 19. Mối tình này rất gần gũi với cuộc sống của chính Mori Ogai.
Khi Mori Ogai đi Đức học 5 năm, một cô gái người Đức tên Elise, vì yêu ông say đắm nên cũng đã theo ông đến Nhật. Nhưng sau đó, vì những lề thói xã hội khi đó, mối tình của họ cũng buộc phải dang dở. Mori Ogai cưới con gái của một trung tướng Nhật.
Có lẽ Mori Ogai viết câu chuyện này để hồi tưởng lại mối tình đã qua của mình, cũng là để bày tỏ nỗi hoài nhớ của mình với thời kỳ sống ở Đức.
Mori Ogai - Nhà văn tiêu biểu của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị. Ảnh: Japan Times. |
Văn chương trong tác phẩm này thanh nhã, tác giả kết hợp được lối hành văn mới mẻ của Tây phương, cùng khả năng sử dụng Hán văn điêu luyện, làm toát lên hương vị trữ tình của Tây Âu cận đại. Với tác phẩm tiêu biểu này, Mori Ogai đã thật sự thổi một luồng gió mới vào văn đàn thời Minh Trị.
Cùng năm đó, ông viết Truyện người ca kỹ (Utakata no Ki) và năm sau lại cho ra đời Người đưa thư (Fumizukai). Cả ba tác phẩm đều nhuốm màu tình cảm lãng mạn cá nhân, được giới bình luận gọi chung là “bộ ba tác phẩm (trilogy) viết về nước Đức” của ông.
Ba tác phẩm này cũng tiêu biểu cho thời kỳ đầu tiên sáng tác, còn mang nặng dấu ấn cá nhân, nhưng đã thể hiện được những nét đặc trưng của Mori Ogai.
Sáng tạo và tính tự truyện
Cũng như nhiều nhà văn Nhật khác, Mori Ogai chống lại quan niệm của chủ nghĩa tự nhiên khi xem tính dục như trung tâm của cuộc sống con người, ông viết tác phẩm Tính dục (Vitas Sexualis, 1909) miêu tả một cách trần trụi phóng đãng nhưng cũng đầy tinh thần phê phán cuộc sống tính dục của các nhân vật trong truyện. Tác phẩm này đã bị cấm đoán lưu hành trong một thời gian khá dài.
Cũng trong giai đoạn này, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, với những đề tài đa dạng, phong phú như Cuộc thảo luận (Kodankai), Tuổi trẻ (Seisen, 1910), Nhạn (Gan, 1911 - 1913),... Đây là những áng văn thể hiện tinh thần cởi mở, phóng khoáng của Mori Ogai, khi ông luôn tập trung khai thác những nét tinh tế riêng biệt trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Tiểu thuyết Nhạn đã được dịch giả Hoàng Long chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đây là cuốn tiểu thuyết mang phong vị Nhật Bản rất đậm đà. Câu chuyện miêu tả tâm lý và tình cảm của một thiếu nữ con gái nhà bán kẹo, thấy bản thân gặp cảnh tù túng như lũ chìm mình nuôi trong lòng khi cô phải lấy Suezo, người làm nghề cho vay lãi, ông chồng già, không chút thương yêu.
Trong khi đó, chàng sinh viên trường thuốc hàng ngày đi đến trường dưới cửa nhà cô trên con dốc mang tên định mệnh là Dốc Vô Duyên mới là người cô thầm thương. Thế nhưng, có lẽ cũng do định mệnh, họ không bao giờ có thể ở gần nhau. Ngay dịp may gặp gỡ cuối cùng trước khi chàng sinh viên sang Đức du học cũng vô tình bị phá vỡ.
Tình cảm của họ cứ mãi là những run rẩy lặng thầm khuất lấp tận cùng tâm tư. Đó là kiểu u buồn, day dứt mà độc giả say mê văn chương Nhật vốn đã quá quen thuộc. Thế nhưng, Mori Ogai viết run rẩy đến mức, mọi ranh giới đời sống đều trở thành như hư hao mong manh.
Tiểu thuyết Nhạn của Mori Ogai do Hoàng Long chuyển ngữ. |
Trong giai đoạn sáng tác này, những sáng tác của Mori Ogai hầu hết đều xoay quanh những cảm giác của kẻ “đứng bên lề”, hay “cam phận”. Nỗi thống khổ buồn bã ấy còn được thể hiện sâu đậm trong một số tác phẩm nối liền nhau như Dường như thế đấy (Kanoyoni, 1912) và Dưới cái chùy (Tsui ikka, 1913)...
Tác phẩm của Mori Ogai dù ở đề tài nào cũng thấm đẫm tính chất tự truyện. Dấu vết cuộc đời cá nhân của tác giả tồn tại như một chất liệu giàu có, đầy trăn trở và thôi thúc.
Mori Ogai cũng đóng vai trò tiên phong trong việc giới thiệu thơ Tây phương với người Nhật, với những tác phẩm thơ của Heinrich Heine và Goethe, được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Ông cũng từng viết kịch theo phong cách Âu tây nhưng cũng yêu chuộng sân khấu cổ điển Kabuki.
Ngoài ra, Mori Ogai còn để lại dấu ấn trên phương pháp luận của các nhà phê bình văn học thời Minh Trị. Trong lãnh vực này, theo Ivan Morris, ông tỏ ra chịu ảnh hưởng mỹ học của triết gia duy lý Đức Karl Eduard von Hartmann (1842-1906).