Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền hình cáp đang 'bội thực'

Việc cấp phép truyền hình theo hướng có điều kiện giống như lĩnh vực viễn thông sẽ tránh được sự phát triển manh mún, lãng phí.

Truyền hình cáp đang 'bội thực'

Việc cấp phép truyền hình theo hướng có điều kiện giống như lĩnh vực viễn thông sẽ tránh được sự phát triển manh mún, lãng phí.

Tại Hội thảo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh - truyền hình, ông Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay dịch vụ truyền hình cáp đồng trục đang phát triển kiểu manh mún, được tổ chức theo các địa phương. Dịch vụ này có sự tham gia của trên 40 đơn vị nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ từ vài nghìn tới vài chục nghìn thuê bao, sử dụng công nghệ cũ. 

Vì vậy, Viện Chiến lược TT&TT kiến nghị đối với lĩnh vực truyền hình cáp nên rút gọn còn lại 3 doanh nghiệp (DN) quy mô toàn quốc và 5 DN khu vực không chồng lấn nhau thay vì hơn 40 đơn vị như hiện tại. Tương tự, dịch vụ truyền hình qua vệ tinh DTH, truyền hình di động, IPTV cũng chỉ có từ 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp khu vực. "Điều này giống với thị trường di động trước đây khi từng có sự tham gia ồ ạt của các DN nhưng hiện có 6 DN tồn tại và thời gian tới chỉ còn 3-4 DN", ông Tuấn nói.

 

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến nhận định: bên cạnh việc “bội thực” số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì hiện tại cũng "bội thực" các đài truyền hình địa phương. 

Ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định, trong những năm công tác ông đã đi nghiên cứu quá trình phát triển truyền hình ở một số quốc gia nhưng chưa có nơi nào nhiều đài truyền hình như Việt Nam. “Chúng ta chưa phát triển nhưng chơi sang, với hàng chục đài ở các tỉnh thành, phải sắp xếp lại và giảm bớt. Mỗi tỉnh có một đài truyền hình là không cần thiết”, ông Lãm nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cũng đề nghị cần có số lượng nhà khai thác phù hợp, thị trường cạnh tranh hợp lý. Ngoài ra, cần thúc đẩy dùng chung cơ sở hạ tầng, ngầm hóa cáp, đảm bảo yêu cầu quy chuẩn bức xạ, tính can nhiễu. Thời gian qua, nhiều DN truyền hình cáp do không đảm bảo yêu cầu bức xạ EMC nên đã gây nhiễu hệ thống thông tin di động, thậm chí là gây nhiễu đến hệ thống điều hành bay hàng không. Cục Tần số đang tốn nhiều công sức để xử lý vấn đề này.

Mặc dù ở Việt Nam các đơn vị truyền hình “trăm hoa đua nở” nhưng đằng sau bức tranh “rực rỡ” đó là thực trạng rất ảm đạm. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chiến lược của VTC cho biết, chi phí thuê bao truyền hình trả tiền quá thấp khoảng 4 USD (80.000 đồng/tháng) - không đủ để các nhà cung cấp tồn tại, chất lượng dịch vụ không đảm bảo, hệ quả tất yếu là các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bị thua lỗ. Một nguyên nhân chính khiến truyền hình trả tiền mất cân đối thu chi là việc đầu tư chồng chéo. Các DN truyền hình cáp không sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn gây lãng phí cho xã hội như lãng phí điện, hiệu suất sử dụng thiết bị, chi phí bảo hành, bảo trì, mất mỹ quan...

Học từ viễn thông

Cũng tại buổi hội thảo trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, để khắc phục tình trạng "nhà nhà làm truyền hình" gây lãng phí và manh mún như hiện nay thì khi cấp phép cho truyền hình trả tiền nên lấy kinh nghiệm của viễn thông. Các DN muốn gia nhập thị trường viễn thông phải đáp ứng điều kiện như: trong khoảng thời gian nào thì phủ bao nhiêu phần trăm dân số, phát triển bao nhiêu thuê bao và quy định chất lượng dịch vụ... “Nếu cứ cấp phép nhiều rồi mỗi đơn vị chỉ có vài ngàn thuê bao thì cuối cùng các DN đó cũng chết. Tại thị trường viễn thông cũng xảy ra tình trạng tương tự: Vimpelcom đầu tư gần 500 triệu USD cho mạng Beeline Việt Nam nhưng khi rút ra khỏi thị trường này thì chỉ lấy về chưa đầy 50 triệu USD", ông Hùng nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc SCTV cho rằng, Việt Nam nên học kinh nghiệm của nước ngoài trong việc cấp phép truyền hình trả tiền. Chẳng hạn tại Mỹ có 4 nhà cung cấp truyền hình cáp nhưng không dẫm chân lên nhau. Hay ở Trung Quốc trước đây có tới hàng trăm công ty cung cấp dịch vụ nhưng sau đó họ quy hoạch lại còn 4 nhà cung cấp truyền hình cáp hữu tuyến.

Đồng tình với những quan điểm trên, đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Hà nội cũng đưa ra ý kiến là nên cấp phép có điều kiện đối với các DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Khi DN xin cấp phép bắt buộc phải có cam kết về thị trường và chất lượng dịch vụ. Như vậy, DN sẽ tự điều tiết xem có tham gia thị trường nữa hay không? Và bài toán “lộn xộn, manh mún và không hiệu quả” của truyền hình trả tiền sẽ có lời giải.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, Bộ TT&TT sẽ khuyến khích DN ứng dụng công nghệ mới và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn băng rộng có sẵn để cung cấp dịch vụ truyền hình theo hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ. Bộ TT&TT sẽ ra quy định hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ phát thanh-truyền hình; yêu cầu các loại dịch vụ phát thanh-truyền hình bắt buộc quản lý chất lượng. Đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh- truyền hình có trách nhiệm công bố, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ truyền hình thuộc danh mục dịch vụ truyền hình bắt buộc quản lý chất lượng và khi có vấn đề sẽ tổ chức thanh tra xử phạt.

Theo Ictnews.vn

Theo Ictnews.vn

Bạn có thể quan tâm