Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy trách nhiệm tổ soạn thảo thông tư về trạm thu phí BOT

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ kiểm điểm đơn vị, cá nhân đưa nội dung "trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km" vào dự thảo thông tư về tiêu chí trạm thu giá BOT.

Chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT đã chủ trì cuộc họp về dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016 về tiêu chí trạm thu giá BOT (trạm thu phí BOT). 

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo (lần hai) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã bỏ đi một số quy định quan trọng về trạm thu phí.

Cụ thể, vị trí đặt trạm thu phí không phải lấy ý kiến của Hiệp hội vận tải ôtô và ý kiến của người dân địa phương. Nguyên nhân bỏ là trước đó Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí "lấy ý kiến của nhân dân địa phương".

Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của người dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện.

Đặc biệt, dự thảo lần này đã bỏ đi quy định trạm thu phí trên cùng 1 tuyến đường phải đảm bảo cự ly cách nhau tối thiểu là 70 km. Vụ Tài chính (Bộ GTVT) lý giải tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định.

Truy trach nhiem ban soan thao thong tu tram BOT anh 1
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp chiều 17/5. Ảnh: Báo Giao Thông.

Nguyên nhân bỏ quy định này là tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Bộ GTVT không có ý kiến chỉ đạo về việc này, Bộ sẽ kiểm điểm xem đơn vị, cá nhân nào đưa nội dung "khoảng cách trạm thu phí BOT" vào nội dung Dự thảo Thông tư 49".

Nói rõ hơn, ông Thể cho rằng theo Nghị quyết 437/UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có nêu rõ: Các trạm thu phí BOT phải đặt trên các tuyến đường xây dựng mới, người dân có sự lựa chọn đi đường BOT hoặc đi đường cũ do vậy các trạm thu giá là không cần thiết nữa.

"Sở dĩ trước đây có nội dung này là do thực hiện theo Thông tư 159/2013/TT-BTC về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Bối cảnh khi đó các trạm thu phí BOT được đặt trên các tuyến đường cũ được nâng cấp, cải tạo nên mới có quy định về khoảng cách trạm thu phí", Bộ Trưởng GTVT nhấn mạnh.

Lý giải thêm về việc này, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), cho biết Thông tư 49 của Bộ GTVT không có nội dung quy định về khoảng cách trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến và theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính có quy định về việc này, tổ soạn thảo đã đưa vào.

Ngoài ra, các kết luận của cơ quan kiểm toán đều yêu cầu Bộ GTVT đưa tiêu chí trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ và có nội dung về khoảng cách các trạm thu phí. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, tổ soạn thảo đã đưa nội dung này vào. Nhưng qua xem xét ý kiến, các bộ ngành và địa phương đã quyết định bỏ nội dung "khoảng cách trạm thu phí 70 km".

Không đồng tình với những lý giải của các đơn vị, người đứng đầu ngành giao thông cho rằng tổ soạn thảo cũng như lãnh đạo tổ không hiểu bản chất sự việc, dẫn đến sai sót không đáng có, gây phản ứng trong dư luận.

Đặc biệt là không trực tiếp giải thích với dư luận, hạn chế về năng lực nên không dám cung cấp thông tin đầy đủ cho dư luận. Lý do vì sao dự thảo lần 1 cho vào, dự thảo lần 2 lại rút ra cần thông tin đầy đủ để dư luận hiểu. Vì vậy, tổ soạn thảo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và trực tiếp báo cáo lãnh đạo về những vấn đề tồn tại trên.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện cần trực tiếp kiểm điểm, xử lý các các nhân liên quan và báo cáo lên Bộ GTVT.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT thực hiện nghiêm Nghị quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không triển khai dự án mới thu phí trên đường hiện hữu, vì đường hiện hữu là tài sản sở hữu của toàn dân.

Sắp tới, các dự án BOT sẽ được triển khai trên đường mới hoàn toàn, tạo cho người dân có sự chọn lựa, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường mới, còn nếu không thì đi đường cũ.

Bên cạnh đó, từ nay về sau, các dự án thu giá BOT sẽ ứng dụng thu phí không dừng, ứng dụng công nghệ, giúp cho khả năng lưu thông tốt hơn, minh bạch trong thu phí, đảm bảo người dân và cơ quan Nhà nước có thể tiếp cận, đánh giá được nguồn thu của nhà đầu tư.

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ tiến tới bỏ các barie cũng như thiết bị trên đường, các thiết bị quét từ sẽ tự động xử lý, trừ phí vào tài khoản của lái xe. Vị trí đặt trạm BOT sẽ có sự thống nhất giữa Bộ GTVT với chính quyền địa phương.

Dự thảo lần này sẽ được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành cho đến hết ngày 8/6.

Bộ Giao thông muốn bỏ quy định trạm BOT cách nhau 70 km

Bộ GTVT và nhiều địa phương cho rằng quy định hai trạm BOT phải cách nhau tối thiểu 70 km là không cần thiết khi thu phí kín.


http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Truy-trach-nhiem-to-soan-thao-thong-tu-ve-tram-thu-phi-BOT/336689.vgp

Phan Trang/Chinhphu.vn

Bạn có thể quan tâm