AFP đưa tin 19 người, bao gồm chủ tàu cá và công ty đánh cá, bị khởi tố hôm 18/9 vì đã giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài trong các phòng nhỏ hẹp và không cửa sổ tại thành phố cảng Cao Hùng, phía nam đảo Đài Loan.
Công tố viên cho biết những ngư dân này có lúc bị ép làm việc 48 giờ không ngừng nghỉ với mức thu nhập hàng tháng từ 300-500 USD. Trong khi đó, luật lao động Đài Loan quy định một ngày làm việc dài tối đa 8 tiếng và mức lương tối thiểu vào khoảng 930 USD.
Vụ án được đưa ra ánh sáng năm ngoái sau khi một ngư dân, với sự trợ giúp của nhân viên xã hội, đã báo tin cho các công tố viên. Giới chức Đài Loan bố ráp hai địa điểm và giải cứu những ngư dân đến từ nhiều nước như Indonesia, Philippines, Tanzania và Việt Nam.
"Các bị cáo đã lạm dụng bất hợp pháp ngư dân vì tư lợi", các công tố viên nói trong thông cáo và miêu tả những ngư dân nước ngoài này như "các lao động nô lệ trên biển".
19 bị cáo có thể phải chịu mức án tối đa 7 năm tù nếu bị kết án vì tội buôn người và vi phạm tự do cá nhân. Cơ quan công tố cũng thu giữ khoảng 123.000 USD tiền mặt để trả lại cho ngư dân.
Các ngư dân bị giam cầm trong phòng không cửa sổ. Ảnh: SCMP. |
Tổ chức Hòa bình Xanh từng cảnh báo việc ngư dân nước ngoài trên các tàu của Đài Loan phải chịu đựng những điều kiện làm việc "khủng khiếp" và bị lạm dụng thể chất. Họ cũng bị các công ty môi giới giữ lại tiền.
Theo các nhóm nhân quyền, việc bóc lột lao động di cư diễn ra thường xuyên ở Đài Loan, nơi khoảng 600.000 người nước ngoài, chủ yếu từ Đông Nam Á, hiện làm các công việc như giúp việc, ngư dân hay công nhân. Những người này cũng phải đối mặt với sự kỳ thị chủng tộc.