Khi Trương Quốc Vinh xuất hiện trong Bá vương biệt Cơ (1993), phần lớn khán giả nhận xét anh sinh ra để đóng Trình Điệp Y. Đến lúc tài tử góp mặt trong Xuân quang xạ tiết (1997), người ta lại bảo chẳng ai hóa thân Hà Bảo Vinh xuất sắc được như anh. Với mỗi tác phẩm, Trương Quốc Vinh đều dốc hết tâm trí vào vai diễn, thở hơi thở của nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật, giúp họ sống mãi trong lòng khán giả.
Hình ảnh Trương Quốc Vinh. |
Đó là lý do tận 20 năm sau khi anh mất, giới hâm mộ vẫn không thể nào quên khoảnh khắc tài tử tỏa sáng trên màn ảnh rộng. Dẫu đó là ánh mắt đượm buồn của Điệp Y khi rút gươm tự sát trước mặt người thương, hay gương mặt bất lực của Bảo Vinh khi lần về căn phòng cũ chỉ để ngắm nhìn tình yêu lần cuối.
Sự ra đi của một biểu tượng
Cá tháng Tư năm 2003, làng giải trí Hong Kong chấn động khi hay tin Trương Quốc Vinh qua đời. Lúc đó là 18h41. Ngôi sao rơi từ cửa sổ tầng thứ 24 một khách sạn rồi nằm dài trên đường Connaught. Tin tức bắt đầu lan nhanh trên sóng truyền hình, người xem khó thể tin vì cho đây chỉ là trò đùa ngày nói dối.
Vẻ đẹp mê đắm lòng người của Trương Quốc Vinh khi trẻ. |
Trương Quốc Vinh, tự kết liễu cuộc đời khi 46 tuổi. Trước đó, anh có một sự nghiệp đáng mơ ước với 26 năm hoạt động nghệ thuật, phát hành 40 album ca nhạc và xuất hiện trong 56 bộ phim lớn nhỏ.
Truyền thông khi ấy buồn bã đưa tin: Một biểu tượng Cantopop đã không còn.
Trái tim hàng triệu người hâm mộ khắp châu Á như vỡ tan vì tin buồn. Trong đó, có một thế hệ khán giả Hong Kong đã lớn lên cùng những bản nhạc Trương Quốc Vinh hát, chìm đắm trong những bộ phim anh đóng. Người ta cứ nhớ mãi, nhắc mãi về hình ảnh một chàng trai có gương mặt hiền, mái tóc chẻ mái lãng tử, luôn khiến người đối diện ấm lòng vì nụ cười tỏa nắng.
Trên sân khấu, Trương Quốc Vinh đập tan định kiến về giới. Ca sĩ mặc bộ comple đen lấp lánh ánh kim, đeo đôi giày cao gót nổi bật màu đỏ, nhảy điệu tango nóng bỏng cùng vũ công nam trong một concert năm 1997.
Ca khúc có tên là Red (Hồng), nội dung ghi lại những rạo rực khi yêu: “Trái tim rối bời ngủ vùi trong ngọn lửa hừng hực”. Lời hát vẽ nên một tình yêu cháy bỏng, “chưa nếm đã say”, sức nóng cứ tăng dần theo thời gian không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngôi sao và hình ảnh phi giới tính trên sân khấu. |
Trước ống kính, Trương Quốc Vinh xóa nhòa khoảng cách với khán giả, chạm đến tận cùng cảm xúc người xem. Ai có thể không rung động trước cảnh Điệp Y – với gương mặt giữ nguyên lớp hóa trang – chạy đến bên sư huynh Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị) và nói muốn ở cạnh anh suốt cả đời còn lại?
“Thiếu một năm, một tháng, một ngày, thậm chí một giây thôi, thì không còn là cả đời nữa”, nhân vật gắt gỏng trong sự đau đớn.
Thế mà chẳng ai có thể ngờ, ẩn sau nụ cười hớp hồn và những màn trình diễn thần thái ấy lại là một nỗi buồn vô hạn, chẳng thể sẻ chia cùng ai. Nên khi biết Trương Quốc Vinh tự vẫn vì căn bệnh trầm cảm, nhiều người ví anh là “ngôi sao cô đơn”, một mình lặng lẽ chiến đấu với bệnh tật đến lúc bất lực, không còn cách nào khác mới phải gục ngã.
Nỗi buồn Ngu Cơ
Có nhiều vai diễn giúp Trương Quốc Vinh chinh phục khán giả, từ chàng công tử nhà giàu hay mơ mộng trong Liệt hỏa thanh xuân (1982), tay chơi phóng đãng như “loài chim không chân” trong A Phi chính truyện (1990), đến Âu Dương Phong lạnh lùng và cay nghiệt trong Đông tà Tây độc (1994),…
Nhưng nhân vật đưa Trương Quốc Vinh lên đến đỉnh cao diễn xuất vẫn phải là Trình Điệp Y trong Bá vương biệt Cơ - giúp tên tuổi anh vươn ra thế giới, ghi dấu lịch sử như là diễn viên Hong Kong đầu tiên được đóng phim đại lục.
Nhan đề tác phẩm ám chỉ vở kinh kịch cùng tên, kể về cuộc chia ly của Sở Bá Vương (tức Hạng Vũ) và nàng Ngu Cơ ở thời Hán – Sở tranh hùng. Giữa bối cảnh chiến trận rối ren, Ngu Cơ quyết định rút kiếm tự vẫn trước sự bàng hoàng của chồng vì không muốn làm gánh nặng.
Trong phim, Trương Quốc Vinh hóa thân Điệp Y – một cậu bé mồ côi cha mẹ, được đào tạo để trở thành diễn viên kinh kịch từ nhỏ, lớn lên hóa thân nàng Ngu Cơ một lòng thủy chung son sắt trong vở kinh kịch kinh điển.
Điệp Y trong Bá vương biệt Cơ là vai diễn để đời của Trương Quốc Vinh. |
Điệp Y trưởng thành cùng sư huynh Tiểu Lâu. Cả hai là bạn diễn ăn ý trên sân khấu, là tri kỷ hiếm có ngoài đời. Khi đóng vở Bá vương biệt Cơ, Tiểu Lâu hóa thân Hạng Vũ còn Điệp Y vào vai Ngu Cơ.
Giống Ngu Cơ, Điệp Y cũng là người hết lòng vì tình yêu. Đôi lúc, anh không phân biệt được kịch và đời. Với trái tim nhạy cảm và tâm hồn mong manh, nhân vật dành trọn tâm trí cho tình yêu vô vọng với người luôn gọi là sư huynh, bất chấp sự khác biệt về tính cách, dòng chảy khốc liệt của thời cuộc lẫn những định kiến xã hội cũ.
Và như Ngu Cơ, Điệp Y cũng chọn kết liễu cuộc đời sau khi trải qua số phận nhiều bi đát.
Trước khi bộ phim bấm máy, đạo diễn Trần Khải Ca đã phải đắn đo giữa nhiều diễn viên, để rồi quyết định chọn Trương Quốc Vinh khi nhìn thấy hình anh trên trang bìa một cuốn tạp chí. Bản thân nhà văn Lý Bích Hoa – “mẹ đẻ” nguyên tác – thì kiên quyết vai diễn phải thuộc về ngôi sao sinh năm 1956, không thể có lựa chọn thứ 2.
Đến khi ra mắt, tác phẩm thành công vang dội, được giới phê bình quốc tế không tiếc lời khen ngợi dù bị hắt hủi tại quê nhà, thậm chí cấm chiếu một thời gian. Dự án trở thành phim Trung Quốc đầu tiên và duy nhất thắng giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 1993 (chia đôi với The Piano của Jane Campion), nhận 2 đề cử Oscar 1994 bao gồm “Phim nước ngoài xuất sắc”.
Trương Quốc Vinh là linh hồn của bộ phim. |
Hình ảnh Trương Quốc Vinh với vai diễn Điệp Y thì trở thành biểu tượng bất hủ trong văn hóa đại chúng. Xem xong Bá vương biệt Cơ, khán giả khó thể quên được đôi mắt ngấn lệ của nhân vật chính, không ngăn được nỗi buồn tuôn trào ngay cả khi toàn bộ gương mặt được che bởi lớp hóa trang.
Cảnh quay ám ảnh nhất là khi Điệp Y nhận ra bản chất nhu nhược, hèn kém của Tiểu Lâu. Giữa đám đông hỗn loạn, anh gào thét như người điên trong bộ trang phục Ngu Cơ, chỉ tay hết người này đến người khác rồi tự nhận mình “đáng khinh”.
Mỗi lần xuất hiện, Trương Quốc Vinh lại bóc trần nội tâm phức tạp của Điệp Y qua từng khung hình: Ánh mắt si tình, đôi môi căm phẫn, cái múa tay đến cái mép miệng đều chân thật. Anh biến một nhân vật giả tưởng trong trang sách hiện lên sống động trên màn ảnh rộng. Từ vẻ ngây thơ đến sự điên loạn đều được tài tử lột tả trọn vẹn, khiến người xem không khỏi thương xót cho một thân phận, một kiếp người.
Đến nỗi, chính Trần Khải Ca đã phải thốt lên rằng: Bộ phim không thể tồn tại nếu thiếu Trương Quốc Vinh!
20 năm sau, vì sao vẫn sáng
Sự xuất hiện của Trương Quốc Vinh, từ lời ca tiếng hát cho đến những thước phim anh đóng, giữ một vai trò quan trọng với làn sóng LGBTQ+ ở Hong Kong. Bởi lẽ thời điểm đó, hôn nhân đồng tính là điều bất hợp pháp và tình yêu giữa những người đàn ông như một điều cấm kỵ.
Ấy vậy mà hơn 20 năm trước, Trương Quốc Vinh lại là nghệ sĩ Hong Kong đầu tiên công khai xu hướng tính dục, gạt bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu để “dám khác biệt”. Lựa chọn này đóng vai trò quan trọng, truyền cảm hứng cho nhiều người như anh can đảm bước ra khỏi vỏ bọc an toàn.
Ngôi sao là nghệ sĩ Hong Kong đầu tiên dám công khai xu hướng tính dục. |
Điều kỳ lạ là có rất nhiều ngôi sao châu Á từng ra đi, nhưng chưa có ai được yêu mến và để lại nhiều tiếc nuối như Trương Quốc Vinh. Hàng năm, cứ mỗi lần đến ngày giỗ tài tử, người hâm mộ lại đến trước khách sạn Mandarin Oriental – nơi anh nằm xuống – để đặt hoa và tưởng niệm.
"Khi anh ấy mất, phần nào trong tôi cũng chết đi", một người hâm mộ ở Thành Đô (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn SMCP. Để tưởng nhớ thần tượng, anh tạo ra một quán café nơi sưu tầm những vật liên quan đến Trương Quốc Vinh. Trên tường treo đầy chân dung có kèm chữ ký, những tờ tạp chí cho đến đĩa vinyl. Tại đây, mọi người có thể thưởng thức những ca khúc Trương Quốc Vinh hát và sống trong thế giới của anh.
Kỳ lạ hơn, rất lâu sau khi Trương Quốc Vinh mất, thế hệ khán giả trẻ vẫn lần về các tác phẩm của ngôi sao, để rồi xúc động và bị chinh phục chẳng khác những người hâm mộ lâu năm. Họ thân thương gọi tài tử với biệt danh trìu mến “Ca Ca” (Gor Gor). Họ truyền tai nhau chuyện tình đẹp như mơ giữa anh và tri kỷ Đường Hạc Đức, chia sẻ đoạn video anh hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi dành tặng mẹ và người yêu.
Đúng ngày này 10 năm trước, đồng nghiệp Trương Quốc Vinh cùng chung tay thực hiện concert tưởng niệm mang tên Miss You Much Leslie. Chương trình quy tụ nhiều tên tuổi lớn trong làng giải trí. Từ đàn anh đàn chị cho đến đàn em trong nghề đều dành cho tài tử nhiều sự ngưỡng mộ, tình cảm dạt dào.
Show diễn dài gần 3 tiếng kết thúc bằng ca khúc mang tên Minh tinh (Star) do anh trình bày. Hình ảnh Trương Quốc Vinh bất ngờ xuất hiện trên màn ảnh rộng giữa sân khấu. Anh hát như đang tự hỏi hàng nghìn khán giả: “Khi bạn nhìn thấy ngôi sao trên trời / Bạn có nhớ tôi chăng?”
Nhớ đến Trương Quốc Vinh là nhớ đến thời vàng son của điện ảnh Hong Kong. Sau khi tài tử qua đời, không có nhiều tác phẩm gây chấn động quốc tế như A Phi chính truyện hay Xuân quang dạ tiết, cũng không có ngôi sao nào đa tài và được yêu mến nhiều như anh.
Nhưng cũng vì thế, cái tên Trương Quốc Vinh mãi mãi trở thành một huyền thoại. Trương Quốc Vinh luôn là duy nhất và dù mất đi, vẫn tỏa sáng như những ngôi sao trên bầu trời.
Sách hay về sao Hong Kong:
Cuốn sách Châu Nhuận Phát - Đại hiệp Hong Kong không chỉ là bức tranh đa sắc về văn hóa, xã hội, điện ảnh Hong Kong từ những năm 1950 cho đến nay mà còn là những lát cắt về cuộc đời của người nghệ sĩ được người dân trìu mến gọi là "Đại hiệp".