Theo nhiều đoạn video ghi lại cabin của chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối ngày 19/11 và phải hạ cánh khẩn cấp sau đó, máy bay của Vietjet Air đã phải bay nhiều vòng để xả bớt nhiên liệu cũng như tiếp viên liên tục hô cảnh báo "brace" trên máy bay.
Các hành khách trên chuyến bay VJ198 thực hiện động tác "brace" trong cú hạ cánh khẩn cấp tối 19/11. |
Đây là những thao tác cần thiết khi hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp và đã được tổ bay thực hiện đầy đủ và chính xác.
Cụ thể, theo tài liệu đào tạo tiếp viên hàng không của ICAO, trong cả trường hợp hạ cánh khẩn cấp có dự tính và hạ cánh khẩn cấp bất ngờ, tiếp viên đều phải tự thực hiện động tác "brace" và sau đó liên tục hô cảnh báo "brace" để nhắc nhở hành khách thực hiện động tác này.
Động tác "brace" là tư thế ngồi chuẩn để giảm thiểu tối đa chấn thương, đặc biệt là chấn thương có thể gây tử vong, khi máy bay hạ cánh khẩn cấp.
Ông Steve Allright, trưởng đội đào tạo của British Airways, nhận định tư thế "brace" hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt trong các trường hợp khẩn cấp.
"Rất hiếm trường hợp cần dùng đến tư thế 'brace' trong hàng không. Tuy nhiên, đây vẫn là kỹ thuật an toàn được toàn cầu công nhận", ông Allright cho hay.
"Rất hiếm trường hợp cần dùng đến tư thế 'brace' trong hàng không", trưởng đội đào tạo của Britist Airways cho hay. Ảnh: Alamy. |
Cục Hàng không dân dụng Australia cũng chỉ ra một trường hợp tai nạn máy bay hai động cơ với 16 hành khách và người duy nhất sống sót là hành khách kịp tỉnh dậy và thực hiện tư thế 'brace' trong khi các hành khách khác đang ngủ say.
"Để thực hiện tư thế 'brace' các hành khách nên đặt bàn chân, đầu gối thành một hình thế vững chắc dựa vào sàn máy bay. Bàn chân nên tiếp xúc phẳng và hơi lùi so với đầu gối. Tư thế này sẽ giúp tối thiểu khả năng chấn thương ống đồng và đùi, có thể gây cản trở quá trình thoát hiểm", ông Allright chia sẻ.
"Hành khách cũng nên cúi càng xa càng tốt nếu có không gian, nên tựa đầu vào lưng ghế trước mặt và tay đặt sau gáy, hai bàn tay đặt lên nhau nhưng không đan ngón tay lại với nhau, củi chỏ hướng vào trong. Đây là tư thế vừa bảo vệ các ngón tay, vừa bảo vệ đầu", chuyên gia này nói thêm.
Chuyến bay VJ198 phải thực hiện 6 vòng "hold" trước khi hạ cánh nhằm giảm lượng nhiên liệu mang theo. Đồ họa: Flightradar24. |
Cũng theo các quy định hàng không quốc tế, trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp khi vừa cất cánh, máy bay phải bay vòng theo hình thái "hold" một số vòng nhất định trên không để giảm bớt lượng nhiên liệu giúp tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ khi hạ cánh. Hình thái này có dạng giống hình trứng hơn là "bay vòng tròn" như nhiều hành khách miêu tả lại.
Trong trường hợp của chuyến bay VJ198, tổ bay đã thực hiện khoảng 6 vòng "hold" trong khoảng 30 phút theo đúng quy định và thực hiện hạ cánh thành công.
Trước đó, chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h30 tối ngày 19/11 đã phải quay đầu hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sân Nhất vì gặp sự cố.
Theo miêu tả của hành khách trên máy bay và một vài đoạn video ghi lại cabin máy bay khi sự việc xảy ra, phi hành đoàn của chuyến bay đã thông báo về sự cố khẩn cấp và máy bay phải bay vòng tròn 30 phút trên không để xả nhiên liệu. Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cũng như liên tục hô "brace" (bám chặt - PV.).