V.League 2022 tạm dừng sau 4 vòng để nhường chỗ cho tuyển Việt Nam, đội U23, AFC Champions League và AFC Cup. Giải VĐQG sẽ trở lại vào đầu tháng 7 nhưng công tác trọng tài trong thời gian qua vẫn còn là đề tài bàn tán. Trao đổi với Zing, ông Dương Văn Hiền, Trưởng Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có những chia sẻ cụ thể.
Tình huống sai sót nổi cộm của trọng tài diễn ra ở vòng 4 trên sân Bình Dương làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Ảnh: Quang Thịnh. |
Công tác trọng tài đã cải thiện
- Phóng viên: Sau 4 vòng đã qua, ông đánh giá chung về công tác trọng tài, điều hành trận đấu như thế nào?
- Ông Dương Văn Hiền: Theo tôi thấy sau 4 vòng, công tác trọng tài nhìn chung là tốt, tất nhiên ngoại trừ phút 71 trong trận đấu giữa CLB Bình Dương với đội Hải Phòng hôm 13/3. Cái sai của trọng tài trong trận đấu đó thì ai cũng biết rồi, vấn đề này được phân tích rất nhiều trên báo chí.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng chúng ta thấy từ vòng đầu, các đội chủ nhà thua đều không kêu ca gì. Thông thường, đội nhà thua thì họ sẽ có lý do này, nọ nhưng bây giờ không còn lời ong tiếng ve. Điều đó cho thấy công tác trọng tài những vòng đầu rất tốt. Đáng tiếc nhất là trận ở Bình Dương của trọng tài Mai Xuân Hùng.
- Người hâm mộ đều thấy cái sai của trọng tài Xuân Hùng. Tuy nhiên, cũng còn những sai sót khác của trọng tài nhưng chưa gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu?
- Thực ra vẫn có một số sai lầm nhỏ chưa ảnh hưởng đến trận đấu. Cái đó là có nhưng chúng ta đừng nhặt nhạnh những chuyện đó. Thực tế cho thấy rõ ràng trên thế giới, có những giải đấu, trọng tài có nhiều quyết định không chuẩn xác.
Nói như vậy không phải để đổ lỗi. Về mặt ban trọng tài, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm rất lớn và sâu sắc những tình huống đó. Ban trọng tài sẽ trích những sai sót vừa qua, thậm chí có những tình huống trọng tài sai nhưng truyền thông không thấy. Chúng tôi sẽ mổ băng kỹ thuật để làm sao anh em tiến bộ.
- Theo đánh giá của Zing, sai sót không chỉ đến từ trọng tài chính mà có vẻ như các trợ lý trọng tài cũng đang mắc lỗi nhiều hơn khi công nghệ truyền hình càng ngày càng tiến bộ, có nhiều góc máy?
- Góc truyền hình giờ tốt hơn xưa, bằng mắt thường thì trợ lý trọng tài không thể so với máy quay truyền hình và soi xét các pha chiếu lại được. Có những tình huống cầu thủ chỉ hơn thua nhau nửa bước chân hay một chút xíu thôi. Trong cuộc chơi này phải, chúng ta phải chấp nhận chứ không thể đòi trợ lý trọng tài bắt chính xác 100% được.
Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Dương Văn Hiền, đánh giá công tác trọng tài có cải thiện trước tình hình không có VAR ở giải VĐQG. Ảnh: Quang Thịnh. |
"VAR nhà nghèo"
- Với các trợ lý trọng tài ở V.League, dường như họ có phương pháp để đảm bảo an toàn với những pha phất cờ, tránh dẫn đến sai sót ảnh hưởng kết quả trận đấu?
- Khi FIFA trang bị cho các giải đấu VAR (Công nghệ video hỗ trợ trọng tài), FIFA yêu cầu trợ lý phải chậm lại trong việc phất cờ để trọng tài trong phòng VAR làm việc. Nhưng V.League không có VAR thì trợ lý không thể quyết định chậm như vậy được. Đó là khác biệt giữa có VAR và không VAR. Nếu chúng ta có VAR thì trợ lý sẽ không phất sớm và phải nghe tín hiệu VAR.
Đó là phương pháp của trợ lý trọng tài. Có VAR thì chúng ta còn thay đổi được quyết định, việt vị hay không việt vị, ghi bàn hay không ghi bàn. Còn ở đây, mình đâu có VAR. Nếu trợ lý trọng tài để cầu thủ ghi bàn rồi thì đâu thể thay đổi quyết định được nữa. Khi có VAR, trợ lý trọng tài sẽ quyết định rất chậm, họ để tình huống đi luôn rồi chờ trọng tài VAR báo hiệu rồi mới quyết định.
- Trước những phản ứng từ các CLB, mà cụ thể là đội Hải Phòng vừa qua, ông nghĩ sao?
- Tôi mong các đội khi tham gia cuộc chơi cần cảm thông với sai sót của trọng tài. Chúng ta thấy các trận vòng loại World Cup, có trận trọng tài sai 2-3 tình huống. Nếu không có VAR thì không phạt đền thành phạt đền rồi thẻ luôn. Có những trận trước đây ở Ngoại hạng Anh mà VAR dừng lại 7 lần, trọng tài sai sót đến 7 lần và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Họ là những trọng tài đẳng cấp cao mà còn như vậy.
- Ông đã nói và so sánh rất nhiều về VAR. Thực tế cũng cho thấy VAR hỗ trợ rất nhiều trong các quyết định của trọng tài. Vậy bao giờ VAR có ở V.League?
- Vừa rồi họp tổng kết mùa giải 2021, Ban trọng tài đã đề xuất nên chăng chúng ta chơi "VAR nhà nghèo". Công nghệ truyền hình bây giờ rất hay, đều có quay chậm hết. Chúng ta có thể xem lại các tình huống nhạy cảm bằng góc nhìn truyền hình như ở trận Bình Dương gặp Hải Phòng. Trọng tài có thể xem lại và phạt lại. Nhưng đương nhiên không phải xem như cách anh Trần Đình Thịnh làm ở trận Hải Phòng. Không có trọng tài nào xem ở màn hình lớn như vậy, làm thế thì thô quá, phối hợp của tổ trọng tài không tốt.
Nếu ban tổ chức đồng ý chơi "VAR nhà nghèo" thì dễ cho công tác trọng tài. Nhưng VFF và VPF lại kẹt với FIFA. Theo quy định, VAR phải do FIFA cấp phép và đúng chuẩn, chi phí lắp đặt, mua sắm, đào tạo tốn kém kinh khủng. Tuy nhiên nếu phòng VAR tiêu chuẩn cần 4-6 người thì chúng ta cần 2 người thôi, không tốn kém nhiều, thêm một màn hình nhỏ ngoài sân nữa.
- Vậy phản hồi của VFF và VPF thế nào với đề xuất "VAR nhà nghèo" của Ban trọng tài?
- Lãnh đạo VFF và VPF có nói là cái này phải xin phép FIFA. Bóng đá thế giới tiến bộ vậy mà còn dùng VAR để hỗ trợ công tác trọng tài. Còn chúng ta hiện nay chưa đủ khả năng áp dụng công nghệ này.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.