Bóng đá nữ nằm ngoài hệ thống chuyên nghiệp Việt Nam. Từ trước đến nay, việc chuyển nhượng cầu thủ nữ chưa từng diễn ra. Những khái niệm như "tiền lót tay", "lương chục triệu" như bóng đá nam không tồn tại ở bóng đá nữ. Cầu thủ đơn vị nào, thì thi đấu cho địa phương đó. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ thay đổi sau vụ chuyển nhượng Nguyễn Thị Mỹ Anh và Lê Hoài Lương từ CLB TP.HCM sang đội Thái Nguyên.
Mỹ Anh (áo đỏ) không thể tập trung tuyển Việt Nam vì vụ chuyển nhượng chưa hoàn thành. Ảnh: Quang Thịnh. |
Vụ chuyển nhượng đầu tiên
Chuyển nhượng là hoạt động phổ biến với bóng đá nam tại V.League 1 và 2, thậm chí ở môn bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, với bóng đá nữ, điều này chỉ mới xuất hiện đầu năm 2022. CLB Thái Nguyên muốn chiêu mộ nhiều ngôi sao của CLB nữ TP.HCM. Nhưng chỉ có 2 cầu thủ Mỹ Anh và Hoài Lương ra đi sau khi hết hợp đồng vào ngày 31/12/2021.
Sở dĩ việc chuyển nhượng ở bóng đá nữ xảy ra là khi đội bóng Thái Nguyên có nhà tài trợ tư nhân. Họ muốn rút ngắn giai đoạn, sở hữu những cầu thủ chất lượng. Đội bóng sẵn sàng trải thảm rước các tuyển thủ Việt Nam của CLB TP.HCM về chơi cho mình ở mùa giải 2022.
Cách làm của đội Thái Nguyên giống các CLB ở V.League. Họ có thể mua lại hợp đồng, hoặc như Mỹ Anh và Hoài Lương, cả hai đã là cầu thủ tự do. Tuy nhiên, cơ chế bóng đá nữ vẫn là giải ngoài chuyên nghiệp, ngân sách đào tạo, tuyển chọn cầu thủ nữa đều từ nguồn kinh phí nhà nước. Nó khác với nguồn đầu tư như bóng đá nam ở giải VĐQG.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói: "Điều này rõ ràng là bước tiến lịch sử của bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Chúng ta có 5 địa phương tham gia môn bóng đá nữ, có khoảng 150 cầu thủ, quá ít. Bây giờ chuyển nhượng cầu thủ chưa có tiền lệ, thì VFF phải vào cuộc. Tôi nghĩ cần có hành lang pháp lý cho bước ngoặt này".
Cựu HLV tuyển nữ Việt Nam, ông Ngô Lê Bằng, cho rằng: "Tôi mừng cho cầu thủ khi thấy họ tạo ra giá trị, được đánh giá cao. Chúng ta phải biết xu hướng bóng đá thế giới thế nào, thì có lúc bóng đá Việt Nam cũng như vậy. Bóng đá nam từng qua giai đoạn tương tự trước khi tiến lên chuyên nghiệp. Lương tăng, có tiền lót tay cho nữ cầu thủ, đó là điều đáng mừng".
Vì sự việc chưa có tiền lệ, nên nhiều lãnh đạo lúng túng trước cách giải quyết vấn đề.
Nảy sinh bất cập
Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) TP.HCM đã vào cuộc, gửi công văn nhờ VFF can thiệp trước khả năng "mất trắng" 2 tuyển thủ do mình đào tạo ra. Sơ đồ bóng đá nữ Việt Nam bị lệch. TP.HCM là đơn vị duy nhất ở phía Nam đào tạo và tuyển chọn bóng đã nữ trong suốt 30 năm qua. Để có Huỳnh Như, Trần Thị Trang, Nguyễn Thị Bích Thùy, thì đơn vị này phải đi nhiều nơi chọn lựa. 10 cầu thủ năng khiếu, nhiều khi chỉ cho ra một cầu thủ chuyên nghiệp.
Lê Hoài Lương mong hoàn tất vụ chuyển nhượng để ổn định cuộc sống bóng đá. Ảnh: Quang Thịnh. |
Ngoài ra, cơ chế quản lý cầu thủ nữ theo ngân sách nhà nước cũng phức tạp. Mỹ Anh và Hoài Lương thi đấu cho CLB nữ TP.HCM thuộc Trung tâm TDTT Thống Nhất. Đơn vị này trực thuộc Sở VHTT TP.HCM. Trung tâm TDTT Thống Nhất cho biết hợp đồng 2 cầu thủ là hợp đồng lao động gắn kết đào tạo từ ngân sách nhà nước, do Sở VH-TT TP.HCM ban hành quyết định.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi lo ngại tình trạng bị rút ruột cầu thủ từ đối thủ. Nếu để điều này xảy ra, sau này chúng tôi không còn cầu thủ thi đấu. Đây là điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay, nên chúng tôi cần VFF xem xét cho ý kiến để đảm bảo quyền lợi cho CLB nữ TP.HCM. Hơn nữa, chúng tôi muốn làm việc với đơn vị Thái Nguyên".
Ông Đoàn Minh Xương cho rằng bóng đá nữ có thể áp dụng mô hình hoạt động của giải bóng rổ VBA. Các ông bầu sẽ đầu tư tiền để vận hành giải đấu cùng các CLB, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh giải đấu, tạo cuộc sống và thu nhập ổn định cho những thành viên tham gia giải. "Hành lang pháp lý cần được VFF tạo ra trước khi chúng ta nghĩ đến mô hình tổ chức", ông nói.
Quan điểm của ông Ngô Lê Bằng là hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ nữ chưa phản ánh đủ công sức của những người đào tạo, tuyển chọn VĐV. "Tôi nghĩ 2 bên nên ngồi lại để trao đổi để tạo tiền lệ cho các hoạt động chuyển nhượng sau này. Lần đầu lúc nào cũng có trục trặc, nhưng làm sao để sau này các bên còn thoải mái gặp lại nhau", ông Bằng nhấn mạnh.
VFF đang là đơn vị đứng giữa và không dễ để tổ chức này quyết định trong một sớm một chiều. Bởi lẽ bóng đá nữ từ khâu tuyển chọn, tập luyện, sinh hoạt, thi đấu, thậm chí là thu nhập đã khác rất nhiều so với nam đồng nghiệp. Vậy nên, các bên cần ngồi lại để tính toán thiệt hơn, các khía cạnh khác trong môi trường bóng đá nữ ngoài chuyên nghiệp.
Trước mắt của việc này là tuyển thủ Mỹ Anh đã không được gọi trở lại tuyển Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31. Mỹ Anh sinh năm 1994, là tiền vệ trụ cột, góp công lớn trong hành trình giành vé dự World Cup 2023 của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Hoài Lương và Mỹ Anh hiện không thể tập luyện như mọi khi vì đứng giữa bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam.