Quan điểm này được Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban, diễn ra sáng 5/1.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ông Bình định hướng trong năm 2021 và giai đoạn tới.
Nhiệm kỳ “hiếm có”
Được nhìn nhận là một năm đầy rẫy khó khăn và thách thức, năm 2020, kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề trên hầu hết lĩnh vực bởi đại dịch Covid-19. Trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Thành Trung. |
Khái quát tình hình năm 2020 và nhiệm kỳ 5 năm qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới, những khó khăn, thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu rất cực đoan.
Vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra phải đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XII, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của cả đất nước.
Theo ông Bình, kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2020 và cả chặng đường 5 năm qua có thể khái quát trong chữ 3 chữ toàn diện (toàn diện về thực hiện chức năng nhiệm vụ, toàn diện về lĩnh vực, toàn diện về phạm vi) và 3 chữ đồng (đồng tâm, đồng sức, đồng lòng).
Từ vị thế của một ban Đảng mới được tái lập vào năm 2012, 5 năm qua, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã được tiến hành toàn diện trên tất cả chức năng và nhiệm vụ được giao.
Ban đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị.
“Có lẽ hiếm nhiệm kỳ nào Ban Kinh tế Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin cậy giao chủ trì xây dựng nhiều đề án, nghị quyết như nhiệm kỳ khóa XII”, ông Bình chia sẻ.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia góp ý kiến đối với hàng trăm đề án, báo cáo, văn bản quan trọng trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội đã được quan tâm hơn và có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh những công việc định kỳ, ông Bình nhấn mạnh Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động đề xuất, tháo gỡ nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực hiện các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế xã hội, không nhất thiết chờ đến kỳ sơ kết, tổng kết.
“Nhiều chủ trương, chính sách mới gắn với xu thế thời đại cũng được Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành, như chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu…”, ông Bình dẫn chứng.
Ý kiến thẩm định phải sắc bén, có tầm chiến lược
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội.
Ông Bình lưu ý việc xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ khóa XIII, tập trung nguồn lực làm tốt các đề án, nghị quyết được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII giao chủ trì, bảo đảm các đề án có chất lượng, mang tầm chiến lược.
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương sáng 5/1. Ảnh: P.Hoa. |
Đặc biệt, Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu cải thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa công tác thẩm định các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô.
“Tinh thần chung là cần tạo dựng được bản sắc của Ban Kinh tế Trung ương, đó là ý kiến thẩm định phải sắc bén, có tầm chiến lược, có bản lĩnh, có tính phản biện nhưng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông, làm được như vậy mới giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thêm luận cứ chính xác, khoa học để xem xét, quyết định chính sách một cách chính xác.
Song song với đó, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị nâng cao công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô, cảnh báo những vấn đề mới trong phát triển kinh tế của đất nước để tham mưu, đề xuất các chiến lược, chính sách phù hợp.
“Công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô là rất quan trọng để giữ được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động, phức tạp”, ông Bình nhấn mạnh và lưu ý đây là nhiệm vụ nặng nề, cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Ông tin tưởng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, Ban sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và những năm tiếp theo, tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Đảng và đất nước.