Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung ương Đảng xem xét đề án xây dựng cán bộ cấp chiến lược

Hội nghị Trung ương 7 dự kiến xem xét nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội...

Khai mạc sáng nay, 7/5, và kéo dài một tuần, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban chấp hành Trung ương sẽ bàn, cho ý kiến về 3 đề án gồm: Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Trung ương bàn, cho ý kiến về 3 báo cáo, gồm: báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; báo cáo các công việc quan trọng của Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6.

Hội nghị cũng dành thời gian để bàn về công tác cán bộ.

Hoi nghi trung uong 7 anh 1
Hàng loạt đề án, báo cáo quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị Trung ương lần này diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong bối cảnh sau 2 năm rưỡi nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới cho sự nghiệp đổi mới.

Tổng bí thư đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Cán bộ cấp chiến lược phải có khát vọng đưa đất nước phát triển

Hội nghị sẽ thảo luận, quyết định ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý cán bộ đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đây được xem là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và cấp bách. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Quang Hưng (Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương) cho biết cán bộ cấp chiến lược ở nước ta khoảng 600 người, bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, thứ trưởng, trưởng, phó các cơ quan trực thuộc Trung ương, chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này. Theo đó, cùng với những tiêu chuẩn chức danh thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cán bộ cấp chiến lược phải đáp ứng thêm các yêu cầu như có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng.

Cán bộ cấp chiến lược phải có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng

Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương. Cán bộ quy hoạch vào các chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, tin học, ngoại ngữ theo chương trình chuyên biệt. Việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển. 

Ban soạn thảo đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược. Đề án đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp...

Hoi nghi trung uong 7 anh 2
"Lần này Trung ương sẽ xem xét để quyết tâm thực hiện nhất quán chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương", ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 - Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Thế Sơn.

Bên cạnh đó, đề án đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ được coi là tham nhũng trong công tác cán bộ.

Xây dựng chế độ tiền lương mới

Cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) là những vấn đề lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng đội ngũ, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế, trong hơn một năm qua, Ban chỉ đạo đề án cải cách do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu đã dày công nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo, lấy ý kiến để xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương lần này.

Hoi nghi trung uong 7 anh 3
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trong một cuộc làm việc. Ảnh: VGP.

Về tiền lương, đề án cải cách đã nghiên cứu toàn diện các nội dung, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Mục tiêu hướng tới:

- Đối với khu vực công: Xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. 

- Đối với khu vực doanh nghiệp: Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Thời điểm vàng để cải cách căn cơ chính sách BHXH

Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách vào năm 2021, Ban chỉ đạo cải cách cho rằng không thể chậm trễ hơn vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều. 

Nội dung hàng đầu của đề án về chính sách BHXH là mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. 

Đây là mục tiêu từng được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh - tế xã hội giai đoạn 2001-2010. Với bối cảnh phát triển hiện nay, việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu này là rất cần thiết để thực hiện định hướng XHCN trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kinh nghiệm nước ngoài cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy việc tích cực mở rộng diện bao phủ theo mục tiêu BHXH toàn dân là giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với những thách thức của bẫy thu nhập trung bình và tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đề án còn đưa ra hàng loạt nội dung, yếu tố nhằm đột phá cải cách chính sách BHXH như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu... Việc rút ngắn điều kiện thời gian nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45-50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

'Quyền lực đến đâu phải ràng buộc trách nhiệm đến đấy'

Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Ban Tổ chức Trung ương), thẳng thắn nhìn nhận đội ngũ cán bộ của ta đông song chưa mạnh, tình trạng vừa thừa vừa thiếu xảy ra ở nhiều nơi.



Viet Nam - Mong Co ra Tuyen bo chung hinh anh

Việt Nam - Mông Cổ ra Tuyên bố chung

0

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước.

Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm