Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung tướng Lương Tam Quang: Đã truy nã quốc tế Bùi Quang Huy

Trả lời câu hỏi của Zing.vn, trung tướng Lương Tam Quang cho biết cơ quan cảnh sát điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế với ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.

Chiều 31/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5. Buổi họp diễn ra ngay sau khi Chính phủ dành cả buổi chiều họp thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

  • Chống hàng lậu, hàng nhái là nhiệm vụ lâu dài

    Về vấn đề hàng lậu, hàng nhái, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ luôn chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của Chính phủ. Theo ông, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ… tạo ra thị trường không tốt, ảnh hưởng xấu đến lợi ích của người tiêu dùng. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cũng là nhiệm vụ lâu dài trong bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.

    Coi mục tiêu lành mạnh hóa thị trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần xem lại các kẽ hở trong xây dựng thể chế, xử lý vi phạm; đồng thời, phối hợp các lực lượng tạo ra các cơ chế phối hợp với địa phương, khuyến cáo doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm.

    “Doanh nghiệp cũng phải đăng ký bản quyền trí tuệ, đăng ký sản phẩm, giúp cơ quan chức năng phát hiện hàng nhái, hang giả đan xen vào, như vậy cũng chính là tự tạo ra khả năng cạnh tranh quốc gia”, ông Dũng nhấn mạnh.

  • Ai chịu trách nhiệm khi cấp phép ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng?

    Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc cấp phép ồ ạt xây chung cư, phá vỡ quy hoạch tại các đô thị lớn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận có tình trạng này. Theo đó, ông chỉ ra việc xây dựng chung cư ồ ạt tại các đô thị lớn với mật độ dân số cao, gây bất cập hạ tầng dùng chung.

    Nói về trách nhiệm, ông nhấn mạnh: “Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, trong công tác quản lý, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, quản lý trật tự đô thị… để đảm bảo quy hoạch chung”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

  • Đừng vội đặt vấn đề lợi ích nhóm trong xây dựng luật

    Trả lời câu hỏi liệu dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có phải là bước lùi khi đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu bia, và có hay không vấn đề lợi ích nhóm đứng sau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. Theo ông, khi luật trình Quốc hội, Thủ tướng đều có chỉ đạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu đánh giá tác động kỹ càng.

    Ông khẳng định dự luật này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu bia gây ra, điển hình là các vụ tai nạn giao thông.

    Lý giải việc dự luật đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu, bia như cấm bán rượu, bia trên Internet, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan. Ví dụ, phải thấy được xu hướng thương mại điện tử của thế giới như thế nào.

    “Đưa ra quy định phải tính cho khả thi để thực hiện, với việc có thể tác động đến cuộc sống thì phải lường trước được vấn đề”, ông Dũng nói. Đặc biệt, người phát ngôn Chính phủ cho rằng đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, vì phải thông tin hai chiều.

  • Việt Nam sẽ trở thành cường quốc điện mặt trời

    Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết Việt Nam có thể trở thành cường quốc điện mặt trời trên thế giới khi có rất nhiều dự án điện đã và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sắp tới. Ông Lâm dẫn con số tính đến ngày 30/5, đã có 47 dự án điện mặt trời được đấu nối lên lưới với tổng công suất 3.200 MW. Dự kiến hết tháng 6 sẽ có 49 dự án nữa với công suất 2.600 MW.

    “Chúng ta đã có 5.000 MW điện mặt trời trong thời gian rất ngắn”, ông Lâm nói.

    EVN đã họp với các nhà đầu tư điện mặt trời để thực hiện đấu nối một cách nhanh nhất, giúp các dự án giải tỏa công suất. Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh để đầu tư đường dây 220 kV phải mất 3-5 năm, trong khi dự án đường dây 500 kV cần thời gian lâu hơn.

    Phó tổng giám đốc EVN chỉ ra nguyên nhân khiến thời gian lâu nhất là thủ tục đất đai, đặc biệt liên quan đến đất rừng, đất canh tác.

    “Những vấn đề liên quan đất đai cần xin ý kiến Thủ tướng nên thời gian sẽ kéo dài hơn”, ông Lâm nói.

  • Bộ Công an mở rộng điều tra, tập trung lực lượng truy bắt Bùi Quang Huy

    Về việc cùng bị khởi tố với ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy còn có 8 đối tượng khác nhưng đều chưa được công bố danh tính, người phát ngôn Bộ Công an, trung tướng Lương Tam Quang, khẳng định danh tính 8 người này sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp nhất để không ảnh hưởng đến việc điều tra.

    Ông Quang giải thích bản chất các đối tượng khi bị phát hiện luôn tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh việc xử lý, kể cả bỏ trốn giống như ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy. Như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

    Trung tướng Lương Tam Quang cho biết Bộ Công an đang điều tra mở rộng, tìm cách thu hồi triệt để tài sản và đặc biệt, tập trung lực lượng truy bắt Bùi Quang Huy. Khi bắt được sẽ tính đến việc công bố danh tính 8 đối tượng liên quan.

  • Điều tra Khaisilk bán hàng “đội lốt” đã tiến hành đến đâu?

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan này đã hoàn thành hồ sơ vi phạm của Khaisilk và chuyển sang Công an Hà Nội điều tra vào ngày 30/10/2017.

    “Theo tôi biết Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định”, ông Hải nói.

  • Tại sao chưa công bố kết luận thanh tra tại Sơn Trà?

    Theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, cơ quan này đã kết thúc thanh tra tại Sơn Trà và có dự thảo kết luận. Vị này nhấn mạnh Sơn Trà có yếu tố đặc biệt gắn liền với an ninh, hệ sinh thái, rừng, đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, khi hoàn thành dự thảo, cơ quan này đang lấy ý kiến các bên liên quan.

    “Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tổ chức 2 cuộc họp liên quan đến các bộ liên quan như Xây dựng, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư... để cùng có giải pháp sau thanh tra”, ông Lam nói.

  • Bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm giảm động lực

    Nói thêm về một số đề xuất kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã nghiên cứu Đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhìn lại những kỳ thi trước năm 2015, ông Độ cho biết khi đó học sinh phải thi 3 kỳ thi khác nhau, việc tổ chức thi gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra khi đó là làm thế nào để khắc phục khó khăn, giảm áp lực cho các em, và việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện thì cấp tốt nghiệp rồi xét tuyển đại học cũng đã được cân nhắc.

    Thứ trưởng Độ dẫn Luật Giáo dục nêu rõ đây là một trong nhũng kỳ thi quan trọng, nếu bỏ thì động lực sẽ giảm.

    “Bộ quyết đinh đưa ra tổ chức kỳ thi chung, là kỳ thi THPT quốc gia, vừa là kết quả để tuyển sinh, vừa là căn cứ xét tốt nghiệp”, ông Độ nói.

  • Chưa đủ căn cứ để kết luận có việc đưa và nhận tiền trong bê bối gian lận thi cử

    Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, trung tướng Lương Tam Quang cho biết hiện đã phát hiện ra 3 vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong đó Công an tỉnh Hà Giang và Hòa Bình thụ lý các vụ việc ở địa phương. Riêng vụ ở Hòa Bình là do Bộ Công an xử lý.

    Ông Quang cho biết các cơ quan điều tra vẫn đang khẩn trương thu thập chứng cứ để đưa các đối tượng ra truy tố, xét xử. Về việc một số thông tin về đưa nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can, cơ quan điều tra đang thu thập thông tin qua quá trình thu thập để có thêm tài liệu chứng cứ để làm rõ vụ việc về hoạt động đưa và nhận tiền.

    “Chưa đủ căn cứ để kết luận có việc đưa và nhận tiền, chúng tôi đang đấu tranh làm rõ, khi có đủ chứng cứ chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”, người phát ngôn Bộ Công an cho biết.

    Trung tướng Lương Tam Quang (phải). Ảnh: Sơn Hà.

    hop bao chinh phu anh 1

  • Liên quan tới câu hỏi về kết quả giám sát đất đai và xử phạt đoàn làm phim Vợ ba, do không có các đại diện của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa tại cuộc họp báo nên câu trả lời chưa được đưa ra.

  • Chưa khởi tố nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn với Bùi Quang Huy

    Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, trả lời câu hỏi của Zing.vn.

    hop bao chinh phu anh 2

    Trung tướng Lương Tam Quang cho biết căn cứ vào tài liệu thu thập được và trên cơ sở xác định công ty Nhật Cường có dấu hiệu của hoạt động buôn lậu, công an đã ra lệnh khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Nhật Cường. Sau đó cơ quan điều tra gửi thông báo đến VKSND cùng cấp theo đúng quy định.

    Trong quá trình khám xét, Tổng giám đốc Nhật Cường là Bùi Quang Huy không có mặt tại nơi cư trú.

    “Tại thời điểm đó do chưa khởi tố nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn với Bùi Quang Huy”, ông Quang nói.

    Theo người phát ngôn Bộ Công an, trong quá trình khám xét, công an đã thu thập được số chứng cứ và các tài liệu liên quan, vì thế đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy cùng 8 người khác để điều tra về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

    “Cơ quan CSĐT đã thi hành các lệnh trên, riêng Bùi Quang Huy từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vẫn không đến trình diện, không có mặt ở nơi cư trú nên công an đã ra lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế với Bùi Quang Huy”, ông Quang thông tin.

    Ông cho biết Bộ Công an kêu gọi Bùi Quang Huy ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Về những vấn đề báo chí quan tâm, ông khẳng định sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra và thể hiện kết luận điều tra.

  • Zing.vn đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo bộ, ngành có mặt tại họp báo:

    1. Mới đây, Quốc hội đã công bố giám sát đất đai, trong đó có nhắc đến 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch 1-6 lần. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào? Chính phủ có công bố danh sách và điều tra làm rõ sai phạm nếu có hay không?

    2. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về việc cấp phép ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng ở các thành phố lớn. Điển hình như hàng chục nghìn căn hộ chung cư ven đường Nguyên Tuân, Lê Văn Lương, Linh Đàm… ở Hà Nội; và xung quanh đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Cảnh, Bến Vân Đồn ở TP.HCM? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hệ lụy mà người dân phải gánh chịu?

    3. Liên quan đến việc đoàn làm phim Vợ ba dùng diễn viên 13 tuổi đóng nhiều cảnh nóng, quan điểm của Bộ VHTTDL và người phát ngôn Chính phủ về việc này như thế nào? Bộ Văn hóa đã xử phạt nhà làm phim nhưng lại xử phạt về hành vi tự ý thêm nội dung thêm, bớt làm sai nội dung phim. Vậy có xử phạt đoàn làm phim này liên quan đến hành vi dùng diễn viên nhí đóng cảnh nóng hay không?

    4. Liên quan đến vụ ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy bỏ trốn, ngày 19/5 Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc. Xin hỏi đại diện Bộ Công an đã phát lệnh truy nã quốc tế chưa? Nhiều người đặt vấn đề vụ việc Nhật Cường đã được cơ quan điều tra “cho vào tầm ngắm”, vậy tại sao một đối tượng quan trọng như Bùi Quang Huy lại có thể bỏ trốn?

  • Nhiều vấn đề bức xúc

    Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết còn nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội, nhất là các vụ tai nạn giao thông, các vụ giết người man rợ hay buôn bán ma túy, tạo ra tâm lý đáng lo ngại trong xã hội.

    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, ông cho biết Thủ tướng lưu ý phải chủ động dự báo toàn diện các lĩnh vực. Trong khi tiềm lực, sức cạnh tranh của ta còn thấp đã đặt ra thách thức lớn trong điều hành.

    “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

    Theo ông, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho từng bộ trưởng, từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng vừa qua cũng có thư gửi các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư các tỉnh, thành phố động viên, nhắc nhở để tạo sự đồng lòng, tháo gỡ khó khăn.

    Người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên củng cố các chỉ tiêu về vĩ mô như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài. Bên cạnh đó kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, luôn bám sát vào các chỉ đạo cụ thể.

  • Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế. Đây là điều rất mừng. Tỷ giá lãi suất cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục đạt kỷ lục, thu ngân sách và xuất khẩu tăng khá…

    Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thương mại, đầu tư toàn cầu có nhiều khó khăn, thách thức thì kết quả trên, theo ông Dũng, là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của chúng ta. Theo ông, chúng ta tự hào là điểm đến, là môi trường đầu tư mà các tổ chức nước ngoài rất quan tâm.

    Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cho rằng phải nhận định chúng ta vẫn còn những tồn tại, yếu kém, còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết, như giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan rộng, gây thiệt hại cho người dân.

    Thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có xu hướng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng còn lớn.

  • Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

    Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.

    Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa nước ta trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.

    Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.


Hoài Thu - Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm