-
Chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.
-
Họp báo diễn ra ngay sau khi Chính phủ họp phiên thường kỳ cả ngày do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
-
Điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ
Sau khi lắng nghe câu hỏi và các ý kiến trả lời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến việc tăng giá điện. Ông dẫn lời Thủ tướng nói đây là sự quan tâm lớn của nhân dân và xã hội.
Theo người phát ngôn Chính phủ, nền kinh tế của ta là kinh tế thị trường nên không thể bao cấp mãi được, không thể bù lỗ mãi được từ ngân sách. Vì vậy, chúng ta đã tính toán tất cả phương án.
“Quan điểm chung là tiến tới thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó, điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, đánh giá tác động đầu vào”, ông Dũng nói.
Về đề xuất văn bản mật khi xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, ông giải thích, văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc như văn bản mật. Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình trao đổi giữa các cơ quan, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính sách thì phải mật, đó là cách quản lý nội bộ.
“Không phải văn bản ban hành không mật thì trong quá trình soạn thảo cũng không mật”, người phát ngôn Chính phủ nói.
Ông cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ hợp Bộ Công thương, Tài chính đánh giá rõ việc này và báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2019.
“Tinh thần là Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch, Tổng giám đốc EVN cũng rất muốn có cơ hội báo cáo”, người phát ngôn Chính phủ nói.
-
Làm gì để kiểm soát rượu, bia
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh vừa qua nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng do tác hại của rượu bia.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là cần quan tâm nội dung kiểm soát rượu bia, trong đó trọng tâm là vấn đề quản lý quảng cáo rượu bia và quy định giờ bán rượu bia. Nhưng vừa qua, hai quy định được coi là “biện pháp mạnh” này đã bị đưa ra khỏi dự thảo luật.
“Hôm qua, lãnh đạo Bộ Y tế ký đã văn bản báo cáo cơ quan chức năng của Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung quản lý việc quảng cáo và giờ bán rượu bia”, ông Cường thông tin. Ông cũng nhấn mạnh hiện rượu bia gây ra rất nhiều ảnh hưởng, không chỉ về tai nạn giao thông mà còn gây ra bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục…
-
Đang thanh tra dự án xây chung cư báo Công an nhân dân
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời về vụ lùm xùm liên quan đến việc xây dựng chung cư báo Công an nhân dân. Mới đây Thủ tướng cũng có chỉ đạo làm rõ việc này. Ông Nam thông tin, chủ đầu tư dự án này là báo Công an nhân dân và dự án đã kéo dài khoảng 9-10 năm tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
“Việc triển khai dự án hiện gặp nhiều khó khăn, có nhiều vấn đề phức tạp. Bộ Công an đang giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra”, ông Nam thông tin và cho biết khi nào có kết quả sẽ thông tin cho báo chí.
-
Giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của Nhật Bản chỉ là tạm thời
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4 vừa qua ông Tadashi Yamamura đã đề xuất tài trợ Việt Nam trong xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ mới của Nhật. Ông Tadashi Yamamura là chuyên gia môi trường của Nhật Bản, đề xuất sử dụng công nghệ nano đã được cấp bằng sáng chế ở Nhật để giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, ông Thành nhấn mạnh nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông, giải pháp này vẫn mới chỉ là tạm thời.
"Đây mới là đề xuất thử nghiệm nên chúng tôi cần chờ kết quả xem mức độ hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định. Hiện, mọi giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mới là tạm thời, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này", ông Thành trả lời.
-
Tiến độ cổ phần hóa DNNN chưa đạt yêu cầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi tiến trình cổ phần hóa chậm. Theo bà, 4 tháng đầu năm 2019 dẫn báo cáo của các cơ quan cho biết mới có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 295 tỷ đồng. Lũy kế từ giai đoạn 2016 hết tháng 4/2019, có 161 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.
Bà Mai thừa nhận tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp là chậm, chưa đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 97 doanh nghiệp, chiếm 76% kế hoạch được giao.
Nguyên nhân của việc chậm trễ, theo bà Mai có cả chủ quan và khách quan. Trong nguyên nhân chủ quan có việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên nhân khách quan là việc cổ phần hóa còn có vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên bị kéo dài thời gian so với kế hoạch.
Đề cập đến giải pháp, nữ Thứ trưởng cho rằng để tăng cường cổ phần hóa thì Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế tập trung một số nhiệm vụ. Về thể chế, các bộ như Tài chính, KH&ĐT phải khẩn trương sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định liên quan cổ phần hóa DNNN.
Các bộ ngành địa phương chỉ đạo quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa. Thủ trưởng và người đứng đầu địa phương, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn tại DN phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện các mục tiêu, tiêu chí phân loại DNNN cũng như doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch.
Bản thân các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng, để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai để trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền để xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định.
-
Xử lý nghiêm cán bộ công an nếu liên quan bê bối gian lận điểm thi
Trả lời câu hỏi về bê bối liên quan đến gian lận thi cử, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết vừa qua Bộ và công an các địa phương đã khởi tố 3 vụ án liên quan gian lận thi cử của 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang. Cơ quan công an cũng đã khởi tố 16 bị can, đến nay đã xác định 222 thí sinh được nâng điểm.
Theo đó, Bộ Công an đã chuyển kết quả này đến Bộ Giáo dục và bộ đang cùng phối hợp với các trường đại học và các địa phương để xử lý theo đúng quy định của pháp luật cũng như quy định của giáo dục.
Cũng trong quá trình đó, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết công an đang tiếp tục điều tra vi phạm của các cá nhân khác, nếu có kết quả sẽ báo cáo trước dư luận.
Về sai phạm của các cán bộ công an trong vụ bê bối này, thượng tướng Bùi Văn Nam nhấn mạnh bất cứ cán bộ công an nào có sai phạm pháp luật, nếu xác định đủ chứng cứ sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật cũng như quy định của ngành.
Ông Nam mong các nhà báo tiếp tục quan tâm đến giáo dục, đóng góp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục để kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này thành công tốt đẹp.
-
Thanh tra Chính phủ bắt tay vào thanh tra việc tăng giá điện
Trả lời câu hỏi về việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc tăng giá điện, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết sau khi Thủ tướng chỉ đạo, ngay đầu tuần tới, cơ quan này sẽ bắt tay ngay vào việc. Ông cho biết trong quá trình này, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính với tinh thần làm sao kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai.
“Tinh thần khi có kết luận, chúng tôi sẽ công khai”, ông Lam nói.
-
Bộ Công Thương: ‘Thủ tướng phê duyệt mới ban hành quyết định tăng giá điện’
Trả lời về việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh trước khi có quyết định tăng giá, Bộ này đã gửi báo cáo đánh giá tác động lên Chính phủ. Báo cáo đã nêu tăng giá ảnh hưởng như thế nào đến các mặt hàng khác, CPI, GDP…
“Xét đề xuất của EVN, Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phương án tăng giá điện. Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá”, ông Hải nói.
Vị này cũng cho biết hiện tại Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban điều hành giá của Chính phủ, đã yêu cầu đánh giá thêm tác động gián tiếp của tăng giá điện. Ông Hải nhắc lại ý kiến của Tổng cục Thống kê vẫn khẳng định việc tăng giá điện vẫn đảm bảo kiểm soát CPI trong tháng 4, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm mà Chính phủ trình Quốc hội.
Nói về việc nhiều khách hàng bức xúc, ông Đỗ Thắng Hải cho biết đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ các khiếu nại thắc mắc, trong trường hợp do lỗi ngành điện thì phải xin lỗi và khắc phục.
“EVN cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện, mục đích ý nghĩa của việc tính giá điện bậc thang. Yêu cầu EVN làm tốt dịch vụ khách hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng”, ông Hải nói.
-
Xử lý hàng hóa đội lốt xuất xứ Việt Nam thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi về việc một số doanh nghiệp sản xuất gỗ và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất sang nước khác để trốn thuế.
Ông nêu thực tế một số doanh nghiệp Việt Nam phối hợp doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu một số sản phẩm, trong đó có nhôm, gỗ. Nếu nhập khẩu chính ngạch, đúng quy định thì được phép, nhưng nhập lậu bất hợp pháp thì hiện nay, lực lượng chức năng như Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có kế hoạch hiện ráo riết giải quyết tình trạng này.
Theo Thứ trưởng Hải, việc hàng hóa đã vào Việt Nam nhưng “đội lốt” hoặc giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba nhằm trốn thuế đã được đặt ra trước đây. Đó là hệ quả khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại tự do. Trách nhiệm trong việc này, theo ông Hải là trách nhiệm phối hợp của rất nhiều đơn vị.
Ông lưu ý đây là việc phải kiểm soát chặt chẽ vì có thể một số DN được hưởng lợi từ việc này nhưng có thể bị phát hiện sẽ làm ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng. “Chúng tôi đang phối hợp để giảm thiểu tình trạng này”, ông Hải nói.
-
Làm sao để hạn chế bán chênh nhà ở xã hội?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết tiêu chuẩn và quy trình nhà ở xã hội đã quy định rất rõ trong pháp luật. Theo đó, chủ đầu tư nắm rõ các chính sách ưu đãi, đối tượng đã có quy định tiêu chuẩn. Khi người mua nhà nộp hồ sơ, chủ đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo cơ quan thẩm quyền thẩm định có hợp lệ hay không.
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận một số dự án có khách hàng không đúng đối tượng được mua. Có hiện tượng bán lại nhà ở xã hội để kinh doanh.
“Chúng tôi đã giao Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản làm việc với địa phương, yêu cầu chấn chỉnh và làm đúng quy định. Về lâu dài cần mở rộng đối tượng được mua và phạm vi quỹ được mua nhà ở xã hội”, ông Hùng nói.
-
-
-
Bức xúc về tình trạng tài xế uống rượu bia
Đặc biệt, ông Mai Tiến Dũng nhắc đến tình hình xã hội, an ninh trật tự gây bức xúc như vừa qua xảy ra nhiều sự cố về giao thông, điển hình là việc đi ngược chiều trên cao tốc, việc sử dụng ma túy, rượu bia lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, hay tình trạng buôn bán ma túy phức tạp, bắt giữ nhiều vụ ma túy lớn tại Việt Nam…
“Đây là vấn đề nóng, bức xúc mà các cơ quan đang tập trung xử lý”, ông nói.
-
Xử lý nghiêm tình trạng chậm trễ do chủ quan
Về vấn đề xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng trước biến động tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, phải tiếp tục kiểm soát lạm phát chặt chẽ. Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ bàn các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp chậm trễ do nguyên nhân chủ quan của bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân và có cơ chế, chính sách để đất nước phát triển toàn diện các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cả văn hóa, xã hội, quan tâm giải quyết các bức xúc của nhân dân tốt hơn.
-
Tăng giá điện gây tâm tư cho người dân
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dành thời gian thông báo về một số nội dung chính diễn ra trong phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ông dẫn nhận định của Thủ tướng đánh giá trong tháng 4, đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nắng nóng trên cả nước, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều hệ lụy về giá cả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 có nhiều điểm tích cực, tiến bộ. Trước hết, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, tổng cầu tăng mạnh. Một số chỉ tiêu tiếp tục chuyển biến tốt như thu ngân sách tăng cao. Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Thu hút đầu tư tăng kỷ lục với nhiều dự án có quy mô.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó, công khai kết quả.
Sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Công Thương; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này.
-
Doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động tăng cao
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%.