Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Uống rượu lái xe - một người tốt đã trở thành kẻ giết người'

"Tôi biết tài xế gây ra vụ TNGT khiến 2 người tử vong hôm 1/5 ở hầm Kim Liên. Anh ấy là người tốt, nhưng anh ấy đã giết người", ông Khuất Việt Hùng chia sẻ với Zing.vn.

'Không tham gia giao thông cùng tài xế say xỉn' Ông Khuất Việt Hùng đề nghị lên án những nhà hàng, quán ăn biết khách hàng say nhưng vẫn để họ tự lái xe về. Đây là hành vi kinh doanh vô trách nhiệm.

Trong 10 ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, tại Hà Nội, hai vụ TNGT liên tiếp gây chết người đều do tài xế sử dụng rượu bia gây ra. Khi nhiều người chưa hết bàng hoàng sau vụ chiếc Hyundai gây tai nạn liên hoàn, tông chết nữ lao công lại đến vụ xe Mercedes khiến 2 người phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên.

Trao đổi với Zing.vn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nói cá nhân ông và cả những người làm công tác bảo đảm ATGT đều rất buồn khi nghe những thông tin này.

uong ruou lai xe gay tai nan anh 1
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Anh ấy là người tốt, nhưng anh ấy đã “giết người”

- Là lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia, ông cảm thấy thế nào mỗi khi đón nhận những thông tin này?

- TNGT ngày nào cũng có, với nhiều nguyên nhân khác nhau như thời tiết, địa hình, yếu tố kỹ thuật hay kỹ năng lái xe… Nhưng tôi luôn cảm thấy đáng tiếc và đau buồn nhất khi nhận thông tin TNGT do tài xế đã uống rượu bia gây ra.

Bởi tất cả những người lái xe hoàn toàn có thể biết và tránh được hậu quả, họ hoàn toàn có đủ kiến thức, kinh nghiệm và cả điều kiện kinh tế để thực hiện một điều - là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, thế nhưng họ vẫn làm việc đó.

Tôi biết có những người trước khi uống rượu bia gây tai nạn chết người thì họ là những công dân tốt, là cán bộ tốt, là người chồng, người cha, người con tốt, nhưng chỉ vì quyết định sai lầm lái xe sau khi uống rượu khiến họ gây ra thảm họa đau lòng. 

- “Uống rượu lái xe - một người tốt đã trở thành kẻ giết người”. Tôi đã đọc được một status ông viết trên mạng xã hội như vậy sau vụ TNGT nghiêm trọng ngày 1/5. Ông có thể chia sẻ thêm suy nghĩ khi viết những dòng này?

- Đó là một câu nói ngắn nhưng tôi phải suy nghĩ rất lâu mới viết.

Tôi biết tài xế gây ra vụ TNGT khiến 2 người tử vong hôm 1/5 vừa rồi ở hầm Kim Liên. Anh ấy là người tốt, nhưng anh ấy đã giết người. Có thể là bị động, có thể do say rượu, nhưng anh ấy đã gây ra việc đó.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Tôi biết tài xế gây ra vụ TNGT khiến 2 người tử vong hôm 1/5 vừa rồi ở hầm Kim Liên. Anh ấy là người tốt, nhưng anh ấy đã giết người. Có thể là bị động, có thể do say rượu, nhưng anh ấy đã gây ra việc đó.

Đó là sự mâu thuẫn rất lớn giữa 2 trạng thái về mặt đạo đức, một bên là người tốt bụng, yêu thương con người, còn bên kia là giết người.

Đáng ra tôi định viết dài, chi tiết, có khuyến cáo, nhưng cuối cùng tôi lại quyết định viết một câu ngắn gọn nhất, cân nhắc từ ngữ cho phù hợp.

Khi viết status đó, tôi thực sự trải qua cảm giác thấy mâu thuẫn.

Tôi đã từng, và không bao giờ dám lái xe sau khi uống rượu

- Bản thân ông có lẽ cũng tham gia không ít những sự kiện mà có sử dụng rượu bia. Vậy sau khi uống rượu, ông có lái xe không?

- Thực ra tôi đã từng làm việc này rất nhiều lần, cho đến một hôm mà tôi cho rằng hôm ấy, tôi đã rất may mắn.

Tôi uống rượu từ khi tôi là sinh viên là được đánh giá là “uống được”. Tính tôi vui vẻ nên tôi tham dự rất nhiều sự kiện và đều uống rượu, thậm chí uống nhiều, rồi vẫn đi xe về - hồi đó là đi xe máy.

Thời ấy, khi vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng. Tôi và vợ về ăn cưới một người bạn ở Thạch Thất, Hà Nội. Lúc về tôi điều khiển xe, tôi đã ngủ gật và lao xe xuống ruộng. Rất may chỗ đó không cao lắm nên tôi và vợ không sao.

Sau đó tôi nói với vợ tôi rằng tôi rất buồn ngủ nên vợ tôi lái xe. Nhưng khi ngồi sau, tôi một lần nữa ngủ gật và suýt rơi xuống xe.

Sau lần ấy, tôi tuyệt đối không lái xe sau khi uống. Đặc biệt từ khi đi ôtô, tôi không bao giờ lái khi đã uống rượu bia. Tôi nghĩ chẳng có lý do gì mình tự đặt mình vào rủi ro.

Cá nhân tôi với tư cách Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đằng sau còn là cả uy tín của một tổ chức cho nên bản thân tôi tuyệt đối không làm điều đó nữa.

uong ruou lai xe gay tai nan anh 2
Ông Khuất Việt Hùng kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội đổi avatar để tuyên truyền về việc "Đã uống rượu bia không được lái xe".

- Trên mạng xã hội, ông kêu gọi mọi người thay đổi avatar để cùng thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Nhưng tôi muốn biết, đằng sau khẩu hiệu ấy là những kế hoạch thế nào, bởi nếu là khẩu hiệu, người ta rất nhanh chóng lãng quên?

- Ủy ban ATGT quốc gia có kế hoạch 5 năm tăng cường giải pháp phòng chống và xử lý vi phạm về nồng độ cồn, và chúng tôi thực hiện liên tục.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng pháp luật, đề xuất thay đổi chế tài xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện, kể cả trường hợp chưa gây tai nạn.

Tôi mong rằng tất cả khi ngồi lên xe nhìn vào logo để nhớ, không chỉ lái xe mà cả người ngồi bên cạnh cũng nhìn thấy, hãy nhắc nhở mình, nhắc nhở người thân đừng lái xe khi đã uống rượu bia.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Chúng tôi đang chuẩn bị một chương trình cùng với CSGT và các diễn đàn sẽ tổ chức dán logo “Đã uống rượu bia thì không lái xe” ở phía trước tay lái của tất cả người điều khiển ôtô.

Chúng tôi đang vận động doanh nghiệp và nhà hảo tâm tài trợ cho viêc này. Hiện có 1,8 triệu ôtô dưới 9 chỗ nên hy vọng sẽ có đủ logo phát cho các tài xế thông qua hoạt động đăng kiểm, tuần tra kiểm soát hay các hoạt động cộng đồng…

Tôi mong rằng tất cả khi ngồi lên xe nhìn vào logo để nhớ, không chỉ lái xe mà cả người ngồi bên cạnh cũng nhìn thấy, hãy nhắc nhở mình, nhắc nhở người thân đừng lái xe khi đã uống rượu bia.

Phải bảo vệ, ủng hộ hoạt động của lực lượng thực thi công vụ

- Nhưng không thể trông chờ vào sự tự giác của người dân trong việc tạo ý thức “không uống rượu bia khi lái xe”. Theo ông có cần những chế tài thật nặng, không thỏa hiệp?

- Chắc chắn rồi. Với tư cách người làm công tác đảm bảo ATGT, tôi luôn kiến nghị lực lượng chức năng xử phạt nghiêm theo những chế tài đã có, và không có một trường hợp đặc biệt nào cả.

Nhưng hãy nhớ đến câu nói của Bác Hồ “Dễ muôn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tôi cho rằng phải thực hiện đồng thời 2 việc, một bên là xử phạt nghiêm, bên kia là tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân tự giác thực hiện.

Khi đó, người dân sẽ ủng hộ, cổ vũ, bảo vệ các lực lượng thi hành pháp luật, có như thế lực lượng thi hành pháp luật mới đủ sức mạnh và niềm tin để thực thi pháp luật.

Nên nhớ, chỉ cần có dư luận nhỏ thôi cũng rất khó khăn. Tôi có một người bạn là CSGT, khi tuần tra phát hiện 2 thanh niên đua xe, lạng lách, anh ấy chạy theo ngăn chặn, nhưng do 2 thanh niên đi quá tốc độ đã tự gây tai nạn. Bạn tôi sau đó bị kỷ luật và đuổi ra khỏi ngành.

Qua đây tôi muốn nói, chúng ta luôn yêu cầu các lực lượng chức năng thực thi công vụ phải làm nghiêm, nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ lực lượng, cơ quan thực thi pháp luật, vì người thực thi pháp luật chính là người giữ an toàn, an ninh cho tất cả mọi người.

uong ruou lai xe gay tai nan anh 3
Việc CSGT đứng chốt chặn tại các quán nhậu xử lý "ma men" có những hiệu quả nhất định, nhưng được đánh giá là một phương pháp có thể gây phản cảm. Ảnh: Hoàng Lam.

- Tôi nhớ một thời việc CSGT chốt chặn ở đầu các quán nhậu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nhưng mới đây, Cục trưởng CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng chia sẻ rằng biện pháp này có vẻ phản cảm, không hay. Ông có cùng suy nghĩ?

- Tôi chia sẻ với sự khó khăn, phức tạp và tâm lý của lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt trong xử lý nồng độ cồn.

Việc chốt chặn ngoài quán nhậu tạo hình ảnh phản cảm là lời nói rất thực, rất chân thành của Cục trưởng CSGT và tất cả chúng ta phải suy nghĩ về điều này.

Tôi tin đại đa số người bước chân ra khỏi quán nhậu nhìn thấy CSGT đều không hài lòng. Nhiều lần tôi cũng có ý kiến, không chỉ chốt chặn trước quán nhậu mà bất kỳ hoạt động tuần tra kiểm soát nào của CSGT cũng rất dễ bị phản ứng tiêu cực, không chỉ từ những người vi phạm mà cả những người xung quanh.

Vì vậy, từ chia sẻ của Cục trưởng CSGT, tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi, phải ủng hộ hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm.

Tôi rất nhớ thông điệp Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói trước dịp Tết vừa qua, đó là hãy coi việc cảnh sát dừng xe, xử phạt là món quà mừng năm mới có ý nghĩa, vì một lần được CSGT dừng xe xử phạt thì đó sẽ là bài học không bao giờ quên.

Xử phạt đúng, nghiêm thì người bị xử phạt sẽ không bao giờ tái phạm, giảm thiểu được TNGT, giữ được tính mạng cho bản thân và bảo vệ an toàn của những người khác.

Xử lý thế nào những người “chồng tiền” để mua sự tự do

- Chế tài hình sự đối với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nhưng tước bằng vĩnh viễn, tịch thu phương tiện là những đề xuất mạnh chúng ta chưa từng có. Theo ông, tính khả thi của những đề xuất này thế nào?

Chế tài xử phạt hình sự hiện nay mới chỉ dừng lại với người gây ra tai nạn làm người bị nạn thương tích nặng hoặc tử vong.

uong ruou lai xe gay tai nan anh 4
Hiện trường thương tâm vụ tài xế uống rượu bia gây tai nạn làm tử vong 2 người phụ nữ tại hầm Kim Liên rạng sáng 1/5. 

Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.

Trong điều kiện của Việt Nam, ta hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này.

Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Chúng ta đang chủ yếu phạt tiền, nhưng có trường hợp lái xe máy sau khi uống rượu bị phạt 4-5 triệu mà xe cũ của họ giá trị có 2-3 triệu nên họ bỏ xe luôn. Nếu cưỡng chế họ nộp phạt thì tốn kinh phí lớn, lại rất phức tạp về mặt xã hội.

Rồi có những người đủ điều kiện kinh tế, thậm chí gây tai nạn chết người xong họ có thể “chồng tiền” để mua sự tự do. Với những người như thế ta xử lý thế nào?

Tôi cho rằng có thể nghiên cứu chế tài tịch thu phương tiện gây TNGT hoặc người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn xã hội.

Về việc tước bằng lái, ở các quốc gia thường quy định với lái xe kinh doanh vận tải, nếu anh vi phạm nặng hoặc tái phạm thì không cho anh lái xe vận tải nữa mà chỉ được lái xe cá nhân phục vụ mình và gia đình. Chúng ta có thể xem xét sửa đổi theo hướng như vậy.

Nhưng điều quan trọng nhất là ta cần thực thi nghiêm pháp luật hiện có. Chúng tôi mong chờ có thể tạo ra môi trường thuận lợi để thực thi luật cho nghiêm.

Chúng ta hãy lên án những người đưa tiền cho CGST hoặc can thiệp vào hoạt động xử lý để được bỏ qua vi phạm. Chúng ta hãy lên án, tẩy chay những nhà hàng thấy khách uống rượu bia say mà vẫn để họ đi xe về, vì đó là những nhà hàng vô trách nhiệm.

Chúng ta cũng có thể phê bình gia đình, người thân, bạn bè… chấp nhận ngồi lên xe của những tài xế đã uống rượu say. Phải kêu gọi họ không tham gia giao thông cùng những tài xế say xỉn…

Làm được những việc ấy mới có thể tạo môi trường lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho hoạt động thực thi pháp luật.

Tài xế say xỉn gây tai nạn nghiêm trọng: Cần xử tội giết người

Gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, khung hình phạt cao nhất cho tài xế chiếc Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội) cũng chỉ 10 năm tù.

Khởi tố vụ Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên

Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã khởi tố vụ án Mercedes tông chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên, tiếp tục tạm giữ tài xế để điều tra.


Hoài Thu thực hiện

Video: Hoàng Hiệp

Bạn có thể quan tâm