Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng gần 3.500 đồng/lít

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để giá cả vận hành theo thị trường. Tuy nhiên, hiện tại đây là mặt hàng thiết yếu nên Nhà nước vẫn quản lý.

Chiều 5/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, nhiều phóng viên đặt câu hỏi đến việc điều hành giá xăng, cũng như nguy cơ vỡ quỹ bình ổn xăng dầu do liên tục phải xả để giữ giá không tăng mạnh.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm về quỹ bình ổn xăng dầu cũng như quan điểm của ông về việc để thị trường vận hành đúng giá.

Theo ông Hải, khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu về nước sẽ trích 300 đồng/lít vào quỹ bình ổn xăng dầu. Quỹ này nằm tại chính doanh nghiệp đầu mối, không phải nằm ở cơ quan quản lý Nhà nước. Khi nào cơ quan Nhà nước yêu cầu trích, doanh nghiệp sẽ thực hiện.

Thu truong Bo Cong Thuong de xuat tha noi gia xang va bo quy binh on anh 1
Hiện tại đang có 9/28 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang âm quỹ bình ổn. Ảnh: Việt Linh.

Thông tin về nguy cơ vỡ quỹ, ông Hải cho biết hiện tại có 9/28 doanh nghiệp đầu mối báo âm quỹ. Những doanh nghiệp đầu mối lớn, hoạt động lâu năm đều kết dư quỹ. Vị này đặt giả thiết có thể một số doanh nghiệp mới thành lập, quỹ chưa kết dư nhiều nên khi trích nhiều có thể bị âm.

Ông Hải đề xuất nên bỏ để giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường.

“Tôi cho rằng tốt nhất là nên bỏ quỹ để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Tuy nhiên hiện tại thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, do có sự điều hành của Nhà nước nên vẫn cần thiết phải có quỹ bình ổn”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thông tin thêm về 2 lần trích quỹ bình ổn giá xăng dầu gần nhất, trong 2 kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 18/3 và 2/4.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 18/3 lại trùng vào thời điểm tăng giá điện (20/3). Khi đó giá xăng dầu thế giới tăng, nếu tăng giá trong nước thì sẽ dẫn tới “tăng kép”, ảnh hưởng đến tâm lý người dân và giá cả các mặt hàng khác.

Do đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng biện pháp trích quỹ bình ổn hơn 2.000 đồng/lít để giữ giá bán lẻ trong nước không tăng.

Đến kỳ điều chỉnh ngày 2/4, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, gây áp lực tăng giá tới giá xăng dầu trong nước. Để giữ giá xăng trong nước không tăng quá mạnh, liên bộ Tài chính - Công Thương lại quyết định “xả” tiếp quỹ bình ổn xăng dầu ở mức cao. Tại kỳ điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 1.377 đồng/lít.

“Nếu tiếp tục trích quỹ để giữ giá thì lấy tiền đâu mà bù nữa. Còn giá xăng dầu dù có tăng 100 đồng cũng là điều không ai muốn, vì sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp”, ông Hải nói về quyết định tăng giá khi đó.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, nhấn mạnh để tăng 1.377 đồng với xăng E5 RON 92, Quỹ bình ổn đã chi ra 2.042 đồng/lít. Nếu không chi quỹ, mức giá tăng có thể lên tới 3.419 đồng/lít.

Tương tự, quỹ bình ổn cũng chi 1.304 đồng/lít cho xăng A95. Nếu không chi quỹ, xăng A95 có thể phải tăng 2.788 đồng/lít.

Trước đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 17h ngày 2/4.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.377 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 1.484 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm