Không cần chờ tới sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, xu hướng tiêu dùng cũng đang dần thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn khi "chốt đơn" trực tuyến và có xu hướng trở thành khách hàng trung thành của những trải nghiệm được cá nhân hóa. Bởi vậy, các trung tâm thương mại (TTTM) cần tạo ra động lực mạnh mẽ mới có thể kéo họ ra khỏi nhà.
Nhu cầu chơi quan trọng như mua sắm
Nắm bắt thực tế này, các nhà đầu tư TTTM đã tích hợp trải nghiệm từ mua sắm, vui chơi đến ăn uống, giải trí cho khách hàng. Đây là điều các siêu thị thuần túy khó thực hiện được, khiến TTTM càng phát huy hiệu quả hoạt động.
TTTM tích hợp nhiều trải nghiệm vui chơi, giải trí. |
Theo giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường, tuần nào ông cũng đi dạo trong các TTTM để khảo sát. “Đếm giỏ hàng thì số người thực sự mua sắm không nhiều, nhưng điều này không đồng nghĩa là họ không chi tiêu gì. Họ đến đây gặp gỡ bạn bè để cùng ăn những món yêu thích, hay đơn giản là uống một ly cà phê rồi sau đó quay trở về công ty làm việc”, vị này nói.
Điều đó cho thấy, với người Việt, các TTTM đã được định hình không chỉ là nơi mua sắm, mà còn là nơi để chi tiêu cho hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn.
Với người Việt, TTTM không còn dừng lại ở mục đích mua sắm. |
Về xu thế tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, một chuyên gia kinh tế nhận định: “TTTM là điểm hút khách với dịch vụ ‘all-in-one’ (tất cả trong một), trong tương lai sẽ càng được nhiều người tin dùng”.
Trên thị trường, có khá nhiều TTTM "all-in-one" đang hoạt động tốt như Aeon Mall hay Vincom. Các thương hiệu TTTM này luôn có cải tiến về hình thức, mô hình, đa dạng cách thức hợp tác với khách thuê để phù hợp thị trường, không ngừng mở rộng quy mô ra bên ngoài những thành phố lớn.
Khi TTTM thành nơi nghỉ dưỡng
Tại Việt Nam, trong khi số lượng TTTM ngày càng nhiều lên, thì số thương hiệu TTTM trụ lại và phát triển thực sự lại không nhiều. Điều này có thể được giải thích một phần từ tính chuyên biệt của các TTTM hiện tại.
Trong khi TTTM tại các dự án, vùng nội đô hướng tới trải nghiệm khách hàng trong thời gian ngắn, thì cũng có những lựa chọn “ngược dòng”, biến TTTM thành nơi nghỉ dưỡng thực thụ hàng ngày.
Trong giai đoạn lần đầu xuất hiện và tới hiện tại, Aeon Mall - nhà phát triển TTTM chuyên biệt đến từ Nhật Bản - luôn có xu hướng chọn những vị trí xa nội đô để phát triển. Thực tế, các TTTM như Aeon Mall Bình Tân (TP.HCM), Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội)… đều đặt ở khu vực ngoại vi nội đô.
Đây là lựa chọn có phần khá lạ lùng, đặc biệt khi TTTM thường đặt tại trung tâm các thành phố lớn. Đáng chú ý, các TTTM mang thương hiệu Aeon Mall không gắn với bất cứ dự án bất động sản nào.
Một chuyên gia thị trường nhận xét phong cách tối giản của người Nhật dường như đang phát huy hiệu quả tại các TTTM theo mô hình của Aeon Mall tại Việt Nam. TTTM với không gian xanh và trang trí tiết giản là nơi khách hàng có thể tận hưởng sự sảng khoái, tránh xa cảm giác chật chội của cao ốc trong thành phố.
“Tính hợp lý trong sắp đặt chuỗi dịch vụ phù hợp nhịp sinh hoạt của dân cư là đặc trưng lớn nhất tại các TTTM mang thương hiệu Aeon Mall, cũng là điểm phân biệt rõ nhất với các TTTM khác”, chuyên gia này nhận xét.
Aeon Mall có xu hướng khai thác tâm lý yêu thích hàng Nhật và các giá trị Nhật của người Việt. |
Thực tế, bên cạnh chuỗi dịch vụ khép kín, các TTTM “kiểu Nhật” này luôn có bãi đỗ xe rộng rãi, tiêu chuẩn chăm sóc được mở rộng tới cả nhà vệ sinh cho gia đình, khu chức năng chia theo từng đối tượng (phòng hút thuốc, phòng thay tã cho trẻ em, nhà vệ sinh cho người khuyết tật), hệ thống bảng biển thân thiện và rõ ràng, khu vực chung được bố trí hợp lý, nhiều ghế nghỉ dành cho khách hàng…
Tiêu chuẩn chăm sóc được mở rộng tới cả nhà vệ sinh, khu chức năng cho từng đối tượng là đặc trưng của chuỗi TTTM “kiểu Nhật”. |
Đặc điểm này có thể do mục tiêu đầu tiên là xây dựng TTTM chuyên biệt phục vụ mục đích kinh doanh, chứ không phải như một giá trị gia tăng của dự án bất động sản.
Nhưng ở chiều ngược lại, việc xác lập đặc điểm riêng trong vận hành TTTM là điều mà nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được. Do đó, việc các TTTM na ná nhau được xem là hạn chế của các nhà khai thác, vận hành.
Điều này có nghĩa là bên cạnh sự sang trọng về kiến trúc và nội thất, các nhà phát triển TTTM Việt đang cần lột xác về chất lượng phục vụ khách Việt. Để đem lại giá trị vui chơi, mua sắm, hay xa hơn là định hình tiêu chuẩn cuộc sống cho người Việt, TTTM không nên chỉ cạnh tranh bằng lợi thế vị trí, mà còn cần tạo dấu ấn riêng về bản sắc và dịch vụ.
Bình luận