TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP HÀNG ĐẦU VIỆT NAM Ở CHU LAI
Từ một vùng đất khô cằn cách đây hơn 20 năm, bằng tâm huyết của các nhà đầu tư, Chu Lai đã chuyển mình mạnh mẽ với tổ hợp công nghiệp cơ khí - ôtô Thaco - Chu Lai mang tầm cỡ Đông Nam Á.
Ông Đào Văn Lô (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bồi hồi khi được hỏi về ký ức hơn 20 năm trước ở vùng đất Chu Lai, nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó gần như cả đời. "Đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi nghèo đến mức không có tiền mua gạo, thậm chí gạo còn chẳng có mà mua", ông nói bằng giọng Quảng Nam đặc sệt và một cái nhìn xa xăm.
Tuy vậy, ông Lô còn xúc động hơn khi nhìn lại sự thay đổi ngoạn mục của Chu Lai hơn 20 năm qua. Những cánh đồng cằn cỗi, bạc màu, những vỉa đất mà chỉ có cây xương rồng sống được, nay đã là những nhà máy nhộn nhịp nếp sống công nghiệp, nơi hàng chục nghìn công nhân tất bật mỗi ngày.
Hơn 20 năm trước, hiếm có một người Chu Lai nào lại nghĩ một ngày những chiếc xe hơi hiện đại bậc nhất, lăn bánh khắp mọi nẻo đường đất nước lại được xuất xưởng từ nơi đây. Một tổ hợp công nghiệp cơ khí hàng đầu Việt Nam, một cứ điểm sản xuất xe hơi mang tầm Đông Nam Á đã hình thành trên đất Chu Lai.
Ông Lô còn một niềm vui khó tả nữa, đó là con trai ông, anh Đào Văn Vấn, lại chính là một trong những kỹ sư của tổ hợp cơ khí Thaco - Chu Lai. Những người Chu Lai giờ đây đã có thể làm giàu và đóng góp cho chính quê hương mình.
Đánh thức vùng đất
Vào dịp tỉnh Quảng Nam kỷ niệm 21 năm tái lập (năm 2018), Bí thư tỉnh ủy khi đó là ông Nguyễn Ngọc Quang đã chia sẻ với báo chí những tâm sự về sự khó khăn của tỉnh 25 năm trước. Khi đó, không riêng gì huyện Núi Thành mà hầu hết huyện, thị xã của tỉnh đều trong tình trạng nghèo khó, nhiều người phải bỏ quê hương đi làm ăn xa vì quá nghèo.
Quảng Nam những năm 2000 là tỉnh nghèo thứ nhì cả nước, một tỉnh thuần nông, thu nhập thấp nhất nước, tỷ lệ nghèo đói vào loại gần cao nhất nước. "Tôi nhớ khi đó thu ngân sách của Quảng Nam khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm", ông Quang chia sẻ.
Anh Đào Văn Vấn (sinh năm 1992) nhớ lại khi đó còn nhỏ nhưng phải giúp đỡ gia đình rất nhiều việc vì bố mẹ phải đi làm các công việc khác nhau để mưu sinh. Ba anh là ông Đào Văn Lô phải đi thồ hàng, trồng cây dương liễu (cây phi lao) để kiếm thêm thu nhập.
Những con đường trong thôn gần như là đường đất, nhà cửa thưa thớt. Gạo khi đó là một mặt hàng hiếm có bởi không phải ai cũng có điều kiện để mua. Bài toán phát triển Quảng Nam, thu hút đầu tư để vực dậy kinh tế địa phương được nhiều thế hệ lãnh đạo khi đó trăn trở. Quảng Nam nghèo nhưng lại là vùng đất có những tiềm năng lợi thế nhất định, mà ít có địa phương miền Trung nào có được.
Tỉnh nằm như ở vị trí trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, có biển, có núi, có vùng đồng bằng, có vùng trung du, có đường biên giới gần với ngã ba Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia). Quảng Nam là nơi chuyển tiếp giữa Đà Nẵng (trung tâm miền Trung) với các tỉnh duyên hải phía nam như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định. Quảng Nam cũng là một trong các cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, của Lào và Campuchia. Nơi đây cũng có những tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh...
Ông Nguyễn Ngọc Quang nhớ lại tỉnh bắt đầu đi tìm kiếm đầu tư bằng cơ chế và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho doanh nghiệp. Vị nguyên Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh để tìm được nhà đầu tư không nản lòng, không ngại đầu tư vào "bãi cát trắng" mà không biết thành công hay không quả là điều rất khó khăn.
Thaco chính là một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai vào năm 2003. Tỷ phú Trần Bá Dương khi đó là chủ của một số xưởng cơ khí ở vùng ven TP.HCM, bằng tầm nhìn của mình, bằng sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, ông đã quyết tâm "đánh thức" vùng đất khô cằn, định hướng biến nơi đây trở thành một trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Vượt qua khó khăn
"Chúng tôi bắt đầu ở Chu Lai với muôn vàn khó khăn, từ những vấn đề lớn nhất như đầu tư, đơn hàng, đến những thứ rất nhỏ như thay đổi thói quen của người công nhân, tạo cho họ tác phong công nghiệp", ông Huỳnh Quang Nhung, Phó tổng giám đốc Thaco Industries, nhớ lại.
Ông Nhung kể lại kỷ niệm hồi nhà máy mới được xây dựng ở Chu Lai, ngoài những kỹ sư từ nơi khác chuyển đến, thì công ty phải tuyển thêm một lượng lớn công nhân người địa phương. Từ những người nông dân trước kia, doanh nghiệp phải cầm tay chỉ việc và đào tạo bài bản từng người, đáp ứng được guồng làm việc của một trung tâm cơ khí.
Hồi ban đầu làm việc, công nhân ở nhiều xưởng lại là người đồng hương, cùng dòng họ với nhau. Với văn hóa làm việc cũ, khi một gia đình có đám giỗ, rất nhiều công nhân trong cùng một dây chuyền nghỉ để đi ăn giỗ. Đó là chưa kể chuyện đi muộn, không giữ gìn vệ sinh nơi làm việc chung... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bởi vậy, ngoài đào tạo về chuyên môn, Thaco phải đào tạo về cả tác phong, văn hóa doanh nghiệp. Từ đó đến nay, những con em của người dân địa phương được đào tạo bài bản tại chỗ, hoặc đi học tập ở nơi xa lại quay trở lại quê hương làm việc ngày càng nhiều. Những người Quảng Nam làm việc ở tổ hợp Thaco Chu Lai đã dần dần đi vào tác phong công nghiệp, chăm chỉ và kỷ luật.
Đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của Thaco Chu Lai từ những ngày đầu thành lập. Khi còn khó khăn, doanh nghiệp chỉ nhận làm những phần gia công rất nhỏ của một bộ phận trên chiếc ôtô, sau đó là hợp tác, chuyển giao công nghệ với các hãng xe nổi tiếng trên thế giới. Thaco đã có thể dần làm chủ được công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thaco đã hợp tác với các hãng xe nổi tiếng trên thế giới để sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam như BMW, Kia, Mercedes-Benz, Mazda, Peugeot... Đồng thời, Thaco phát triển được những mẫu xe cho riêng mình và được thị trường đón nhận như dòng xe tải, xe khách, xe chuyên dụng...
Nhiều phân xưởng công nghiệp phụ trợ được xây dựng và mở rộng liên tiếp để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh như xưởng khuôn, xưởng gia công thép, xưởng hàn, xưởng sơn, xưởng sản xuất đồ điện tử, xưởng sản xuất nhựa, xưởng may ghế và đồ da...
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo cho hàng trăm nghìn lao động, Thaco cũng thành lập trường Cao đẳng Thaco, chuyên đào tạo về nghề cơ khí. Các sinh viên được các kỹ sư, cán bộ đang làm việc ở nhà máy trực tiếp đào tạo với các thiết bị thực tế, hiện đại và tiên tiến nhất. Sau khi đào tạo, sinh viên có thể thực tập và làm việc ngay tại nhà máy.
Vị thế trong khu vực
"Cơ khí được coi là một trong những ngành nghề xương sống của nền kinh tế, nó là nền tảng để hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Chúng tôi tự hào đã phát triển ngành cơ khí, bởi nó không thể thiếu trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước", ông Huỳnh Quang Nhung chia sẻ khi nhìn lại quá trình gần 20 năm Thaco đầu tư làm thay đổi vùng đất Chu Lai.
Sau 17 năm đầu tư và phát triển, khu công nghiệp Thaco Chu Lai hiện có tổng diện tích hơn 1.300 ha với khoảng 40 công ty, đơn vị gồm: các nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô; các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng; tổ hợp cơ khí; hệ thống cảng biển và các đơn vị giao nhận - vận chuyển; các công ty đầu tư - xây dựng, nông nghiệp và các đơn vị hỗ trợ...
Tổng vốn đầu tư mà Thaco đã đổ vào Chu Lai là trên 80.500 tỷ đồng. Hiện tại, có khoảng 10.000 lao động đang làm việc. Thaco Chu Lai được xem là trung tâm công nghiệp ôtô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN.
Cùng với cung cấp cho các nhà máy tại Khu kinh tế mở Chu Lai và các doanh nghiệp lớn trong nước, nhiều sản phẩm của tổ hợp như thùng xe, bồn nhiên liệu, khuôn công nghiệp, xe đẩy hành lý sân bay, linh kiện cơ khí nông nghiệp… đã được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thaco Chu Lai cũng xuất khẩu thành công xe sơ mi rơ móc sang Mỹ.
Nhờ có Thaco Chu Lai, kinh tế của tỉnh Quảng Nam đã thay đổi một cách toàn diện. Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu. Quảng Nam sẽ nằm trong nhóm các tỉnh khá với thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước . Trong 10 tháng đầu năm, thu ngân sách của Quảng Nam đã đạt 18.600 tỷ đồng, gần như hoàn thành kế hoạch năm 2022. Dự kiến cả năm 2022, tỉnh này sẽ vượt thu khoảng 5.000 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm, Thaco nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam là hơn 15.000 tỷ đồng. Riêng 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã nộp tại Quảng Nam 23.433 tỷ đồng (trong đó thuế nội địa là 15.433 tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu là 7.990 tỷ đồng).
Giống như nhiều gia đình ở Chu Lai khác, gia đình ông Đào Văn Lô sắp tới cũng sẽ sửa chữa lại ngôi nhà cho khang trang hơn. Số tiền sửa chữa phần lớn là công sức lao động dành dụm của con trai là Đào Văn Vấn, một kỹ sư của Thaco Chu Lai. Ông Lô tự hào khi con trai làm giàu được trên quê hương, đóng góp công sức để phát triển một trung tâm cơ khí hàng đầu đất nước và khu vực.