Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 31/12 xác nhận Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Trang Washington Free Beacon tuần trước đưa tin, cơ quan tình báo Mỹ gần đây phát hiện một thử nghiệm của tên lửa đạn đạo DF-41 trên hệ thống ray, loại tên lửa có thể bắn trúng các mục tiêu của Mỹ.
Theo nguồn tin, vụ thử này là một "bước tiến quan trọng", có thể tăng cường năng lực hiện có trong việc di chuyển tên lửa trên các bệ phóng cơ động trên đường.
Yang Yujun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Economylead.com |
Theo số liệu thống kê của báo Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công lần thứ 5 với tên lửa DF-41. Những lần thử nghiệm trước đó được thực hiện vào tháng 7/2012, tháng 12/2013 và tháng 12/2014 tại khu vực thử nghiệm tên lửa Wuzhai, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 400 km về phía tây nam. Hồi tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành một vụ thử nhưng giới tình báo chưa xác định được thông tin chi tiết.
Chương trình phát triển tên lửa của Trung Quốc được bắt đầu vào năm 1986 nhưng sau đó bị bỏ ngỏ vào khoảng năm 2000. Theo giới truyền thông, dự án được khởi động lại vào năm 2009. Tuy nhiên, mọi thông tin chi tiết về chương trình DF-41 và sức mạnh thực sự của tên lửa vẫn bí mật.
“Rất ít thông tin về kế hoạch triển khai và đặc tính kỹ thuật của tên lửa được tiết lộ. Sau khi dự án hoàn thành, DF-41 dự kiến sẽ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc tới nay”, Mark Stokes cựu chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc cho biết.
Cơ quan tình báo Mỹ ước tính, DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 150-300 kiloton mỗi đầu đạn và có khả năng nhắm mục tiêu trên toàn nước Mỹ.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về vụ thử nghiệm DF-41 trên ray. “Mỹ yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn trong phương diện đầu tư và mục tiêu quốc phòng”, một đại diện của cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình đang giám sát một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, bao gồm việc phát triển các chiến đấu cơ tàng hình và xây dựng tàu sân bay. Điều này khiến một vài quốc gia lo ngại, đặc biệt là những nước tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và cả Washington.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố việc phát triển quân sự chỉ nhằm mục đích bảo vệ sự an ninh hợp pháp của quốc gia.