Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan'

Chiều 20/5, ngay trước khi báo cáo Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí về vụ giàn khoan Hải Dương 981.

- Vừa qua Việt Nam và Trung Quốc cử đoàn công tác sang làm việc về vụ giàn khoan Hải Dương 981. Hai bên đã trao đổi thông tin với nhau như thế nào?

- Hai bên trao đổi thẳng thắn. Quan điểm của Việt Nam là Trung Quốc phải rút toàn bộ giàn khoan và các tàu ra khỏi vị trí đó vì đã vi phạm quyền chủ quyền Việt Nam. Việt Nam cương quyết đấu tranh.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ nhiều thông tin trước khi báo cáo Quốc hội về tình hình Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ nhiều thông tin ngay trước khi báo cáo Quốc hội về tình hình Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Thời gian qua các đoàn ngoại giao Việt Nam và chính ông cũng có rất nhiều cuộc điện đàm trao đổi thông tin với lãnh đạo các nước, trong đó có cả Trung Quốc. Thái độ của phía Trung Quốc ra sao?

- Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh ngoại giao và một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Cho đến nay đã có 20 cuộc giao thiệp như vậy và chúng ta kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực. Đó là lập trường kiên quyết của chúng ta.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và ngày càng tăng cường tàu ở đó. Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút về.

Trong phiên khai mạc sáng 20/5, các báo cáo của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc đều nhấn mạnh tới vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong kiến nghị gửi Mặt trận Tổ quốc, nhiều ý kiến cử tri đã cực lực phản đối việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây tổn hại quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

"Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu sáng 20/5.

- Vậy Việt Nam sẽ có động thái gì tiếp theo?

- Thủ tướng cũng đã tuyên bố và trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội đã nói rõ chúng ta kiên quyết đấu tranh và sẽ có các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Chúng ta có tính đến việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế?

- Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể sử dụng để bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

- Ngày mai Thủ tướng sẽ đi Philippines dự Diễn đàn Kinh tế Đông Á (WEF). Việt Nam có đưa vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới diễn đàn?

- Đây là hội nghị của diễn đàn Kinh tế Đông Á, Thủ tướng dự theo chương trình công tác. Đương nhiên cuộc đấu tranh về vấn đề biển Đông rất phức tạp và chúng ta đấu tranh đòi Trung Quốc phải rút tất cả các giàn khoan và tất cả tàu hộ tống ra khỏi. 

Các hội nghị liên quan đến kinh tế thế giới nhưng vụ việc ảnh hưởng đến kinh tế thì đương nhiên có thể là chủ đề đem ra trao đổi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2014 tại Manila và thăm làm việc tại Philippines từ ngày 21 đến 23/5. Thủ tướng cũng tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến "Tăng trưởng châu Á" với các chủ đề "Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN", "Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công - tư". 

Sau đó, Thủ tướng chủ trì phiên đối thoại với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tham dự hội nghị.

Nguyễn Hưng ghi

Bạn có thể quan tâm